Sôi động làn sóng M&A bất động sản

 Tại diễn đàn mua bán - sáp nhập 2014 (M&A 2014) do Báo Đầu tư tổ chức ngày 7/8, các chuyên gia cho rằng, trong làn sóng chung của hoạt động M&A, bất động sản là lĩnh vực diễn ra khá sôi động từ nửa đầu năm nay và kỳ vọng có nhiều dấu hiệu tăng trưởng cả về số lượng cũng như giá trị giao dịch.

Sôi động làn sóng M&A bất động sản

Sôi động các thương vụ M&A bất động sản

Với chủ đề “M&A trong lĩnh vực bất động sản, nếu không phải bây giờ, thì bao giờ?”, ông Marc Townsend, Tổng giám đốc Công ty CBRE khẳng định, đến thời điểm hiện nay, sự quan tâm từ các nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực bất động sản vẫn hiện hữu. Xu hướng này không chỉ xuất hiện với các nhà đầu tư lâu năm mà còn hiện hữu với các nhà đầu tư mới và giữa các nhà đầu tư trong nước với nhau.

Chỉ tính từ đầu năm 2014 nay, hoạt động M&A trong lĩnh vực bất động sản đã diễn ra khá mạnh mẽ. Đơn cử như thương vụ tập đoàn Tung Shing ở Hong Kong mua 53% cổ phần của Khách sạn Movenpick Sài Gòn. Kế đến, Lotte Mart - tập đoàn bán lẻ hàng đầu Hàn Quốc - mua lại Pico Plaza để mở rộng hoạt động.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. HCM, Tập đoàn Bất động sản Sun Wah Việt Nam cũng đã cam kết đầu tư vào dự án Bay Water - một dự án do các nhà đầu tư trong nước sở hữu. Tại Khánh Hòa, một nhà đầu tư Israel đã cam kết đầu tư 300 triệu USD vào dự án Khu du lịch Bãi Rồng Resort và đổi tên thành Alma Resort.

Một số thương vụ đang trong vòng thương lượng như dự án Indochina Park Tower giữa bên bán là Mulpha International Bhd với bên mua là Lemongrass Master Fund, hoặc dự án hơn 47.000 m2 tại Bình Tân, TP. HCM giữa bên bán là Aseana Properties JV Hoa Lâm và bên mua là Aeon Mail…

Không chỉ nước ngoài mua lại dự án trong nước, hoạt động M&A giữa các nhà đầu tư nội địa với nhau cũng tạo được sự chú ý trong công chúng. Vào tháng 5 vừa qua, Hoàng Anh Gia Lai đã công bố rút vốn khỏi dự án Đông Nam tại TP. HCM và chuyển giao cho Công ty Him Lam. Các giao dịch đáng chú ý khác trong phân khúc nhà ở bao gồm việc PPI bán dự án Water Garden cho Tập đoàn Đất Xanh và việc Công ty Xây dựng Thanh Hóa mua lại 95% cổ phần ở dự án Sky Park Residence, Tập đoàn Novaland mua lại các dự án của các doanh nghiệp trong nước khó khăn về nguồn vốn…

Theo ông Marc Townsend, làn sóng M&A không chỉ diễn ra ở các giao dịch mua bán trực tiếp mà còn thông qua hình thức gián tiếp. Trong số 73 doanh nghiệp bất động sản niêm yết trên TTCK Việt Nam thì có đến 61 doanh nghiệp có sở hữu nước ngoài, trong đó 15 doanh nghiệp có vốn nước ngoài chiếm hơn 20%.

Các chuyên gia cho rằng, sự hồi phục và cải thiện tính thanh khoản của thị trường bất động sản là kết quả từ những nỗ lực của Chính phủ để kích thích thị trường. Bên cạnh đó, một số chủ đầu tư bất động sản rất quyết liệt trong việc bán các dự án để giảm bớt gánh nặng tài chính, trong khi đó các doanh nghiệp với nguồn tài chính mạnh mong muốn có được những dự án như vậy để tận dụng sự phục hồi của thị trường. Cơ sở hạ tầng đang dần được hoàn thiện cũng như giao thông kết nối giữa các khu vực đô thị và các thành phố trọng điểm cũng góp phần giúp thị trường bất động sản trở nên hấp dẫn hơn.

Còn nhiều triển vọng

Theo các chuyên gia, hoạt động M&A trong lĩnh vực bất động sản của Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng mạnh, với quan điểm Việt Nam vẫn là một trong những thị trường tăng trưởng hứa hẹn nhất. Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký sớm sẽ hỗ trợ sự tăng trưởng của nền kinh tế cả nước cũng như gia tăng dòng vốn FDI vào Việt Nam.

Luật Đất đai mới, có hiệu lực từ ngày 1/7/2014, cho phép các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được giao đất cho việc đầu tư vào các dự án nhà ở để bán. Quy định này được kỳ vọng sẽ đảm bảo tính minh bạch và tạo ra cơ hội bình đẳng cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước, giúp thị trường bất động sản Việt Nam hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư.

Theo ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc Đầu tư Công ty Savills Việt Nam, thị trường bất động sản sẽ tiếp tục có nhiều thương vụ chuyển nhượng các dự án phát triển nhà ở, bao gồm phân khúc căn hộ, bất động sản gắn liền với đất và khu dân cư.

Các nhà đầu tư cũng rất quan tâm đến các tài sản đang hoạt động với tỷ suất sinh lợi ổn định và rủi ro thấp. Trong phân khúc khách sạn, lượng khách du lịch ngày càng tăng nhanh cả trong và ngoài nước là lý do để đầu tư vào các khách sạn ở trung tâm thành phố cũng như các khu nghỉ dưỡng gần biển. Điều này được hỗ trợ thêm bởi sự gia tăng số lượng các chuyến bay quốc tế trực tiếp đến nhiều sân bay tại các tỉnh thành của Việt Nam.

Theo Tăng Triển
Báo Đầu tư Bất động sản

{fcomment}