Soi khối tài sản khổng lồ làm nên thương hiệu Bầu Đức trên đất Lào

Nhìn lại chặng đường đã đi của Bầu Đức trên đất Lào, nhiều người sẽ không khỏi thán phục trước những khối tài sản khổng lồ mang tên tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai.
Nông trường cao su đi cả ngày không hết

Năm 2008, khi thị trường bất động sản còn đang "nóng hổi" thì Bầu Đức đã đổ tiền vào đầu tư trồng cây cao su ở Attapeu - nơi được xem là vùng đất lý tưởng hội tụ đầy đủ các yếu tố để cao su phát triển tốt nhất.

Với sự trợ giúp của các nhà khoa học ở xứ sở cao su Thái Lan cùng công nghệ tưới nước hiện đại của Israel, chỉ 4 năm sau, 3.000 ha cao su tại Hoàng Anh Attapeu của Bầu Đức đã có thể khai thác được những tấn mủ đầu tiên.
Những khối tài sản khổng lồ làm nên thương hiệu Bầu Đức trên đất Lào
Rừng cao su của Bầu Đức trên đất Lào
Đến nay tổng diện tích rừng cao su đã lên tới 25.000 ha, khai thác toàn bộ có thể đạt 100.000 tấn/năm, mang về thu nhập 300 triệu USD/năm và tạo 15.000 việc làm ổn định cho người lao động.

Năm 2013, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai còn khánh thành nhà máy chế biến cao su với tổng mức đầu tư 9 triệu USD, sử dụng dây chuyền công nghệ hiện đại, thiết bị tiên tiến nhất đạt công suất 25.000 tấn/năm.

Trang trại bò thịt cho siêu lợi nhuận

Trang trại nuôi bò thịt tại Attapeu của Bầu Đức bắt đầu được xây dựng vào tháng 10/2014 với diện tích 1.500 ha, quy mô lớn và kỹ thuật chăn nuôi công nghệ cao.

Thời điểm hiện tại, số lượng bò nuôi ở đây là khoảng 15.000 con và dự kiến sẽ được nâng lên tầm 30.000 con khi quy mô chuồng trại được mở rộng hơn nữa.

Những khối tài sản khổng lồ làm nên thương hiệu Bầu Đức trên đất Lào
Trang trại nuôi bò thịt tại Attapeu của Bầu Đức
Bên cạnh đó, 1,5 ha đất trồng cỏ voi làm thức ăn cho bò nằm sát ngay cạnh trang trại giúp tập đoàn giảm thiểu được tối đa các chi phí về vận chuyển, chưa kể cỏ còn năng suất lại cao nhờ hệ thống tưới nước nhỏ giọt công nghệ của Israel.

Bầu Đức cũng từng khẳng định, bò thịt sẽ là mảng kinh doanh "siêu lợi nhuận" cho Hoàng Anh Gia Lai và ngay năm 2015 sẽ mang về lợi nhuận từ 30 - 50 triệu USD cho tập đoàn.

Cụm công nghiệp mía đường Hoàng Anh Attapeu

Dự án Cụm công nghiệp mía đường Hoàng Anh Attapeu được khởi công xây dựng từ cuối năm 2011 với vùng nguyên liệu mía với diện tích 6.000 ha của tập đoàn và 6.000 ha của người dân được tập đoàn bao tiêu.

Bên cạnh đó còn có một nhà máy đường công suất 7.000 tấn mía cây/ngày, một nhà máy nhiệt điện chạy từ bã mía công suất 30 MW, một nhà máy cồn Ethanol công suất 30.000 tấn/năm chạy từ mật rỉ và một nhà máy sản xuất phân bón 50.000 tấn/năm sử dụng bã bùn từ quá trình sản xuất đường.

Những khối tài sản khổng lồ làm nên thương hiệu Bầu Đức trên đất Lào
Cụm công nghiệp mía đường Hoàng Anh Attapeu
Tổng số vốn đầu tư cho tất cả các hạng mục trên vào khoảng 87,8 triệu USD, trong đó đầu tư vào 12.000 ha vùng nguyên liệu mía là 19,1 triệu USD.

Tháng 2/2013, nhà máy chế biến đường tại đây đã đi vào hoạt động. Vụ mía đầu tiên năng suất mía đạt 120 tấn/ha và gấp đôi năng suất mía của Việt Nam. Đến nay, Hoàng Anh Gia Lai đã trồng xong hơn 5.000ha trên địa bàn Attapeu, số còn lại sẽ được trồng nốt trong năm 2015.

Sân bay quốc tế 800 tỷ đồng

Sân bay quốc tế Attapeu được Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai hỗ trợ Lào xây dựng với hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) trong thời gian 24 tháng (từ tháng 5/2013 đến tháng 5/2015) với tổng mức đầu tư khoảng 36 triệu USD (khoảng 800 tỷ đồng).

Sân bay có đường băng dài 1.850m, rộng 45m, được trang bị hệ thống dẫn đường, hệ thống đèn hiệu đáp ứng nhu cầu bay đêm, hàng rào an ninh dài 7,2 km.

Những khối tài sản khổng lồ làm nên thương hiệu Bầu Đức trên đất Lào
Sân bay quốc tế Attapeu được xây dựng dưới sự tài trợ của tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai
Nhà ga hành khách rộng 4.300 m2, có thể cùng lúc tiếp nhận 2 chuyến bay, hệ thống đài chỉ huy không lưu, cứu hỏa, phòng soi chiếu hành lý, nhà xe kỹ thuật, xe chữa cháy… hiện đại.

Sân bay quốc tế Attapeu được xem là dự án trọng điểm có ý nghĩa to lớn về cả kinh tế và chính trị, là cầu nối giao thông kinh tế chính trị, an ninh quốc phòng giữa hai đất nước anh em Việt Nam và Lào.

Đại gia khoáng sản, ông bầu bóng đá ở Lào

Bầu Đức cũng là một "đại gia" khoáng sản ở Lào khi sở hữu một mỏ đồng và một mỏ sắt tại tỉnh Xê Kông, giá trị đầu tư khoảng 70 triệu USD.

Ngoài ra tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai cũng đã xây dựng nhiều hạng mục công trình như bệnh viện quy mô 200 giường, trường học, khách sạn, nhà tái định cư, hạ tầng giao thông với mức đầu tư 35 triệu USD tại hai tỉnh Attapeu và Xê Kông.

Những khối tài sản khổng lồ làm nên thương hiệu Bầu Đức trên đất Lào
Đội bóng Hoàng Anh Attapeu chụp trước khách sạn của Bầu Đức tại Lào
Chưa kể Bầu Đức cũng làm "chống lưng" cho đội bóng Hoàng Anh Attapeu ở Lào, mỗi cầu thủ trong đội được trả lương cao nhất là 5,5 triệu kip (tức hơn 14 triệu đồng) nhưng không có những khoản thưởng cao ngút như các cầu thủ ở Hoàng Anh Gia Lai Việt Nam.

Attapeu của Lào đến nay vẫn luôn là vùng đất lý tưởng mà Bầu Đức lựa chọn để thực hiện những tham vọng của mình và cũng là nơi để trụ sở thứ hai của Hoàng Anh Gia Lai được xây dựng lên hoành tráng và đẳng cấp như một khách sạn 5 sao.
Những khối tài sản khổng lồ làm nên thương hiệu Bầu Đức trên đất Lào
Trụ sở tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai tại Lào

Huyền Trân

Nguồn VTC News