Tài phiệt Nga, chia đôi và đối lập vì Putin

Cuộc chiến giữa Tổng thống Vladimir Putin với nhóm những người giàu nhất cách đây hơn chục năm vô cùng khốc liệt. Giờ đây, khi sức mạnh của ông chủ điện Kremlin bị đe dọa thì sự hoang mang, dao động bắt đầu. Giới tỷ phú Nga dường như đang chia đôi ngả.

Tỷ phú Nga hoang mang, ngán ngẩm

Chỉ trong vòng 2 ngày sau khi bị liệt kê vào trong danh danh đợt trừng phạt mới nhất của Mỹ, cổ phiếu công ty khi đốt Novatek do tỷ phú Nga Gennady Timchenko đồng sở hữu đã rớt 8%, tương đương gần 3 tỷ USD theo giá thị trường.

Đây là doanh nghiệp tiếp theo của Timchenko bị trừng phạt sau khi nhà tài phiệt này bị liệt vào danh sách trừng phạt của Mỹ do được coi là nhân vật thân cận với Tổng thống Nga Putin.

Tính từ đầu năm tới khi vụ máy bay MH17 của Malaysia rơi tại miền đông Ukraine giáp Nga, theo Bloomberg, tài sản của 19 người giàu nhất Nga đã bốc hơi gần 15 tỷ USD - với lý do nền kinh tế Nga bị trừng phạt.

Tài phiệt Nga, chia đôi và đối lập vì Putin

Trùm khai thác thép và kim loại giàu nhất nước Nga cũng đã mất khoảng 2,5 tỷ USD so với đầu năm kéo tài sản xuống còn dưới 18 tỷ USD. Các tỷ phú khác như Vladimir Lisin, Andrey Melnichenko cũng mất 15-17% tài sản, trị giá trên 2 tỷ USD.

Trước đó, người đứng đầu tập đoàn quốc doanh hàng đầu của Nga VTB, ông Andrey Kostin, cho rằng các lệnh trừng phạt có thể khiến Nga mất 2.000 tỉ USD và nhiều khả năng loại nước này khỏi tiến trình toàn cầu hóa.

Một tổ chức thậm chí còn cho rằng giới doanh nhân hàng đầu của Nga đang kinh hoàng và nhận định các nhà tài phiệt nước này rục rịch chuyển tiền ra nước ngoài.

Chia sẻ về mối quan hệ Nga với Mỹ và EU, cựu tỉ phú Alexander Lebedev, người đang sở hữu 2 tờ báo Independent và Evening Standard của Anh, cho rằng ông hoàn toàn bi quan về khả năng cứu vãn mối quan hệ này. Theo ông Lebedev, cuộc chiến Nga - phương Tây lần này tệ hại hơn thời Chiến tranh Lạnh.

Bên cạnh những tỷ phú không hề công khai than vãn về các lệnh trừng phạt đang được phương Tây áp dồn dập lên Nga, có khá nhiều nhà tài phiệt nước này chia sẻ sự ngán ngẩm do bị ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi của mình. Tài sản của họ bị sụt giảm do cổ phiếu Nga mất giá trên diện rộng và tình hình kinh doanh sa sút do bị kiềm chế, bị cô lập.

Gần đây, một số công ty lớn âm thầm hướng dòng tiền sang các ngân hàng châu Á với tỷ lệ lên tới vài chục phần trăm, như một cách để phòng ngừa các rủi ro lớn hơn, những tình huống xấu nhất có thể xảy ra và đây được xem như một cách làm giảm áp lực của phương Tây và tăng khả năng chống đỡ của Nga, tăng thêm sức mạnh chính trị cho ông Putin.

Không có một khảo sát nào cho thấy, tỷ lệ các nhà tài phiệt đứng về phía ông Putin hay muốn thay đổi các chính sách chính trị của ông chủ Điện Kremlin hiện là bao nhiêu nhưng những phát ngôn cũng như hành động của nhiều tỷ phú cho thấy Nga đang đối mặt không chỉ áp lực bên ngoài mà còn cả những xáo động ở bên trong.
Cuộc chiến với tài phiệt: Không hồi kết

Có thể thấy, cuộc chiến lớn nhất của ông Putin hiện nay là với phương Tây bao gồm Mỹ và Liên minh châu Âu (EU). Nhiệm vụ của ông Putin là phải bảo vệ được những thành quả vực dậy từ một nước Nga ốm yếu, rệu rã thời hậu Xô Viết, trong đó có việc duy trì một nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao và bền vững và uy tín của một cường quốc vừa khỏe mạnh trở lại.

Như thế đã rất khó khăn, nhưng một nhiệm vụ không được nói đến mà ai cũng có thể hình dung là một cuộc chiến để ổn định giới tài phiệt, bao gồm hàng chục tỷ phú nước này kiên trì theo các đường lối chính sách mà Kremlin vạch ra.

Thông tin từ một số nước EU cho rằng, các lệnh trừng phạt kinh tế đang gây ra chia rẽ trong giới tài phiệt Nga. Đây là điều không được Nga khẳng định, nhưng bản thân Tổng thống Putin gần đây cũng có nhiều động thái để giữ tinh thần thống nhất giữa các phe phái bên trong giới các ông lớn giàu có này.

Trên thực tế, việc giữ được sự thống nhất và sự thống trị về mặt chính trị đối với nhóm người Nga giàu có này ở mức độ nào phụ thuộc vào tài năng của ông Putin và ở chiều kia là mức độ leo thang các biện pháp trừng phạt của phương Tây.

Nếu xét về khía cạnh kinh tế, cuộc chiến áp đặt các lệnh trừng phạt lên nhau như thời gian vừa qua không mang lại lợi ích cho bất cứ bên nào. Châu Âu sẽ gặp khó khăn về kinh tế, Nga có thể suy sụp mạnh. Giới tài phiệt Nga chắc chắn là những người chịu thiệt thòi nhất và muốn cuộc chiến này chấm dứt.

Mặc dù vậy, chắc hẳn những người Nga nắm giữ hàng tỷ USD trong tay này đều nhớ rằng, với Putin, những cuộc chơi kinh tế là của họ nhưng những đường đi, nước bước chính trị là phải do ông chủ Điện Kremlin quyết định. Sự thiệt thòi kinh tế có thể là rất lớn nhưng mục đích chính trị mới là quan trọng.

Nhà lãnh đạo cao nhất nước Nga, ngay từ khi lên cầm quyền, đã ủng chế độ pháp trị, không loại bỏ nhưng không ngần ngại dằn mặt với tất cả những nhân vật máu mặt nhất trong giới tài phiệt từng làm mưa làm gió trong kỷ nguyên Boris Yelsin.

Không ít người trong số đó đã chờn mặt ông Putin, tìm một hướng đi thuần kinh tế, góp phần vào công cuộc làm giàu đất nước hoặc chịu những hậu quả như chạy trốn, tù đày, sống lưu vong... Các ván bài của ông Putin thường lật ngửa, nhưng đều không dễ tính toán. Tất cả đều có 2 mặt của nó.

Theo Văn Minh
Vietnamnet

{fcomment}