Tay không buôn địa ốc

 6 năm trước đây, với số tiền 20 triệu đồng, chị Lan đã "mua được" 4 căn chung cư. Giờ cũng 20 triệu đồng, mà chị Huệ chẳng thể nào xoay chuyển được tình thế. Những câu chuyện có thật, nghe rất vui ở thời thị trường bất động sản bắt đầu nhúc nhích phục hồi.

Tay không buôn địa ốc

1 Năm 2008, qua mối quan hệ của người bạn đồng nghiệp, chị Lan - nhân viên của công ty bảo hiểm - đã đặt cọc để mua một căn chung cư tại quận 7, TP. HCM. Dự án ấy đang xây dựng, người ta đã mua hết, giờ bán chênh lệch mỗi căn trung bình 70 - 80 triệu đồng. Thấy bạn rủ mua, lại đang có tiền nhàn rỗi, chị Lan đặt cọc 20 triệu đồng. Trong lúc đi uống cà phê, chị Lan kể câu chuyện ấy cho những người bạn khác, họ cũng rất muốn mua, bởi thấy giá căn hộ không quá cao. Sau khi bàn bạc với nhân viên môi giới, chị Lan đã bán căn hộ của mình vừa mua cho người bạn, “ăn” chênh lệch 20 triệu đồng. Khoản tiền đặt cọc của căn chung cư đã bán, chị chuyển sang mua căn khác.

Chẳng biết duyên trời cho ra sao, mà chị Lan đặt cọc mua 4 căn, sau đó bán lại, mỗi căn lãi 20 triệu đồng. Vậy là chỉ sau 2 tháng, người phụ nữ may mắn này có 80 triệu đồng, mà vẫn giữ được khoản vốn đầu tư 20 triệu đồng ban đầu.

Có tiền “lộc”, chị Lan quyết định không mua căn hộ của dự án đó nữa. “Tôi nghĩ, thôi vậy là đủ rồi. Người ta phải đóng bao nhiêu tiền mới có được số lãi đó, mình không tham nữa, để dành tiền mua vàng vậy”, chị chia sẻ. Khi ấy, một chỉ vàng có giá 2,7 triệu đồng. Vào năm 2012, khi giá vàng lên cao, mà giá căn hộ sụt giảm, tất cả bạn bè đều vui với sự mua may bán đắt của chị Lan. Dù không phải số tiền quá lớn, nhưng như vậy cũng đã đủ để vui suốt nhiều năm, nhiều tháng.

Người xưa có câu: “Tay không bắt giặc”. Nhiều ông chủ “a ma tơ” và liều mạng của vài dự án cũng đã từng sử dụng chiêu này để lấy chỗ nọ, đập chỗ kia. Tiền tỷ mà cứ như tiền đồng. Vì thế, đã tạo nên những gam màu tối cho các dự án căn hộ. Người có nhu cầu thực chùn tay không dám mua những dự án mới bắt đầu xây dựng. Tới khi chờ hoàn thiện xong rồi, giá cả cao ngất ngưởng, thì tiền lại không đủ để trả.

2 Học tập cách làm của chị Lan, mới đây, chị Huệ cũng quyết tâm “đổi đời” chỉ với khoản đầu tư bé xíu. Một vài dự án phía Đông Thành phố đang rao đặt chỗ với giá 20 triệu đồng, chị Huệ bàn bạc với ông chồng để đặt chỗ, sau khi ký hợp đồng sẽ vay mượn đóng khoảng 10% rồi cho “em nó lên đường”.

Ông chồng nghe chuyện xong, sợ hãi vô cùng ,vì không quen đi trên “đường băng” như thế. Vậy là gạt phắt kế hoạch “làm ăn” của vợ. Chẳng còn cách nào khác, chị Huệ đành mượn của người quen 20 triệu đồng, hy vọng lúc dự án mở bán sẽ sang tay kiếm được chừng 10 triệu đồng. Nhưng mới đóng tiền được vài ngày, thì người bạn cho vay nằng nặc đòi tiền. Chị Huệ bèn năn nỉ mấy cô bạn chơi chung mua dùm cho rảnh nợ, khỏe người.

Chuyện của chị Lan thấy mà hên, chuyện của chị Huệ thấy mà mắc cười. Và thương vô cùng những cách làm ăn “đếm cua trong lỗ”. Chẳng phải bao nhiêu nhà đầu tư đã phải ngậm đắng nuốt cay khi vay tiền ngân hàng để mua nhà đất, rồi sau đó mất hết tài sản khi “sóng” lặng một thời gian dài!

Nhưng nhìn tới nhìn lui, nếu chỉ tính lãnh lương hàng tháng, gửi tiền tiết kiệm ky ky cóp cóp, thì biết bao giờ những nhân viên công sở đúng nghĩa nhất, có thể sở hữu căn nhà của mình! “Thôi giày dép còn có số, huống chi con người. Tôi đành từ giã chuyện ‘tay không lượm tiền’, trở về kiếp chắt bóp từng đồng vậy”, chị Huệ than thở.

Ờ, số buôn bán không có, thì kể cả 20 triệu đồng cũng đã là mơ ước. Chẳng điều gì có thể từ trên trời rớt xuống, trừ mua vé số. Mà tiền trúng số cũng kỳ lắm nha. Nó vào nhanh, nên chạy ra cũng nhanh lắm!

Theo Tin nhanh chứng khoán

{fcomment}