Tham tán Mỹ: `Lãnh đạo địa phương Việt Nam đừng ngồi mãi ở văn phòng`

Rời bàn làm việc, tìm tới các hội nghị xúc tiến, gặp gỡ nhà đầu tư... là những lời khuyên được đại diện thương mại Mỹ đưa ra với lãnh đạo các địa phương của Việt Nam để cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút doanh nghiệp nước này.

Những chia sẻ nêu trên được đưa ra tại toạ đàm "Gặp gỡ Hoa Kỳ", do Bộ Ngoại giao Việt Nam và Sứ quán Mỹ tổ chức chiều 23/3, trước thềm chuyến thăm của Tổng thống Barack Obama.

tham-tan-my-lanh-dao-dia-phuong-viet-nam-dung-ngoi-mai-o-van-phong

Các đại diện thương mại Mỹ và lãnh đạo địa phương Việt Nam chia sẻ nhiều thông tin về đầu tư trước thềm chuyến thăm của Tổng thống Mỹ - Obama. Ảnh: Đức Anh.

Ông Stuart Schaag - Tham tán thương mại (Đại sứ quán Mỹ) kể có lần tham gia một hội nghị của một địa phương tại Việt Nam, lãnh đạo tỉnh đó có hỏi ông "làm thế nào để thu hút được nhà đầu tư Mỹ?". Lúc đó, Tham tán có trả lời là địa phương cần phải biết kể một câu chuyện với các nhà đầu tư, có thế mạnh như thế nào (đất đai, hạ tầng, giao thông, nhân lực chất lượng cao) hay những thế mạnh về tự nhiên các địa phương khác không có: cảng biển, cảng nước sâu…

Các địa phương cũng cần cam kết đồng hành và có các chính sách hậu mãi với nhà đầu tư, chứ không phải mời gọi nhiệt tình nhưng khi họ vào rồi lại không giải quyết những vướng mắc cho họ. Chẳng hạn, một doanh nghiệp FDI của Mỹ vướng mắc về giấy phép ở Bộ Kế hoạch & Đầu tư thì địa phương đó không được mặc kệ mà phải lên tiếng thúc đẩy để thực hiện nhanh hơn.

Theo đó, ông Stuart cho rằng quan chức, lãnh đạo địa phương của Việt Nam hãy mau rời khỏi bàn làm việc, đừng ngồi mãi ở văn phòng, phải chủ động tìm đến hội nghị quốc tế để gặp gỡ nhà đầu tư tiềm năng. Ông nhận định, các tỉnh thành của Việt Nam có rất nhiều sản phẩm tốt, chất lượng nhưng chưa biết "chào hàng" trước các doanh nghiệp quốc tế.

Việc đầu tư hay không, đầu tư dựa trên tiêu chí nào, tất cả đều do doanh nghiệp Mỹ quyết định và Chính phủ không can thiệp. Doanh nghiệp Mỹ luôn muốn đầu tư vào Việt Nam nhưng rất ít khi tìm hiểu qua quan chức Mỹ, nên các địa phương của Việt Nam trực tiếp giới thiệu, quảng bá về những thế mạnh đặc trưng.

"Câu chuyện cạnh tranh giờ đây không chỉ giữa các quốc gia này với các quốc gia khác mà còn diễn ra giữa các địa phương cùng nhau. Đây thực sự là một cuộc đua, cạnh tranh làm cho các địa phương trở nên khác biệt, phải tích cực chào hàng thì mới bán được hàng", Tham tán nói.

Khi một doanh nghiệp Mỹ muốn đầu tư, họ sẽ xem xét các đánh giá của tổ chức tài chính quốc tế về Việt Nam: chỉ số tham nhũng, môi trường đầu tư, quyền sở hữu trí tuệ, năng suất lao động, thủ tục hành chính, vận chuyển hàng hoá, thời gian thông quan...

Ông Stuart cho biết, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Hoa Kỳ có sự tăng trưởng mạnh, đạt 45 tỷ USD, tăng 24%. Đặt trong bối cảnh thương mại toàn cầu ngưng trệ, xuất khẩu của Mỹ giảm 7%, việc tăng trưởng hai con số năm 2015 là một bước tiến dài trong quan hệ hai nước. Trong TPP, Việt Nam là quốc gia duy nhất Mỹ chịu thâm hụt thương mại cả tuyệt đối và tương đối. Mỗi USD Mỹ xuất sang Việt Nam thì Việt Nam lại xuất khẩu 5,4 USD, nên giai đoạn tới, các doanh nghiệp Mỹ sẽ tăng cường hơn nữa việc hợp tác, bán hàng cho Việt Nam.

Trong khi đó, Đại sứ Mỹ - Ted Osius cho biết, các công ty Mỹ mong muốn có lực lượng lao động trình độ cao, hệ thống hạ tầng được nâng cấp, môi trường an toàn bình đẳng tại Việt Nam. Đến nay, đã có hơn 50 công ty đầu tư trực tiếp, nếu tính đầu tư gián tiếp, Mỹ nằm trong số các quốc gia đầu tư lớn nhất.

Hưởng ứng, lãnh đạo các tỉnh thành Việt Nam cũng lần lượt giới thiệu, quảng bá để mời gọi các nhà đầu tư Mỹ. Hai lãnh đạo đứng đầu Hà Nội đã bày tỏ mong muốn được hợp tác đầu tư với các doanh nghiệp Mỹ. Đại diện của Hà Nội cho biết, tính đến cuối năm 2015, thành phố đã thu hút được 3.265 dự án với tổng vốn đầu tư đạt 26,5 tỷ USD. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Mỹ mới chỉ đầu tư khoảng 174,5 triệu USD. Kim ngạch xuất nhập khẩu hai bên năm 2015 đạt trên 3,3 tỷ USD.

"Đầu tư của Mỹ tại Hà Nội vẫn còn rất khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và nhu cầu của hai bên", vị đại diện này khẳng định.

Tiếp đó, Chủ tịch UBND TP Hà Nội - Nguyễn Đức Chung cũng nhấn mạnh nhiều lợi thế của Hà Nội như tốc độ tăng trưởng GDP đạt 9,23% (2011-2015), chiếm 15% GDP cả nước. Đây là trung tâm kinh tến lớn của cả nước, thu nhập bình quân đầu người đạt 3.600 USD...

Ông cho biết Hà Nội xác định Mỹ là đối tác quan trọng mang tính chiến lược và mong muốn thu hút vào các lĩnh vực có thế mạnh: Đầu tư các ngành dịch vụ có chất lượng cao; tài chính, ngân hàng, thương mại; Phát triển công nghiệp phần mềm, điện tử, tin học; Hình thành khu công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ; Phát triển giáo dục đào tạo, y tế chuyên sâu và xây dựng một số bệnh viện đạt chuẩn quốc tế.

Để mời gọi nhà đầu tư Mỹ, Chủ tịch Chung hứa hẹn Hà Nội sẽ thay đổi hết mình về cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng khoa học công nghệ để minh bạch và giảm phiền hà cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư. Lãnh đạo Hà Nội cam kết sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp, trực tiếp giải quyết mọi khúc mắc, giúp các dự án kinh doanh của nước bạn đạt hiệu quả nhất. Mục tiêu năm 2016 Hà Nội sẽ đứng số một về thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

Ông Lê Thanh Liêm - Phó chủ tịch UBND TP HCM cũng bày tỏ mong muốn được đón làn sóng đầu tư mới của doanh nghiệp Mỹ. Ông cho biết, Mỹ đang là thị trường lớn nhất, chiếm 20% kim ngạch xuất khẩu của thành phố. Ông mong nhà đầu tư Mỹ sẽ chú trọng các lĩnh vực giáo dục, hạ tầng, dân sinh với mục tiêu xây dựng TP HCM thành trung tâm tài chính, kinh tế, hạ tầng, chất lượng cuộc sống tốt. Thành phố cam kết sẽ thiết lập cơ chế đối thoại thường xuyên, lắng nghe nguyện vọng và giải quyết các vướng mắc cho nhà đầu tư nước ngoài.

Tiếp đó, lãnh đạo các tỉnh thành như Đồng Tháp, Bình Định, Vĩnh Phúc, Phú Yên… đều lần lượt mời gọi các doanh nghiệp Mỹ đến tham quan đầu tư. Trong đó, Chủ tịch tỉnh Phú Yên - Hoàng Văn Trà khẳng định địa phương có những tiềm năng về kinh tế biển rất lớn với 189 km đường bờ biển, sản lượng thuỷ sản lớn nhưng chưa phát triển được do hạn chế về hạ tầng giao thông. Chủ tịch bày tỏ mong muốn nhà đầu tư Mỹ đến địa phương tìm hiểu và đầu tư vào du lịch, chế biến thuỷ sản, xây dựng thương hiệu cho những đặc sản của Phú Yên vươn tầm ra thế giới...

Đại diện cho khối doanh nghiệp Mỹ khẳng định rất coi trọng, nhiều doanh nghiệp đang tìm cơ hội đầu tư tại các địa phương của Việt Nam. Tuy nhiên, để thu hút các nhà đầu tư Mỹ, cần có thủ tục hành chính thuận tiện, cơ sở hạ tầng, dịch vụ phát triển.

"Thực tế đã có nhiều doanh nghiệp Mỹ mất kiên nhẫn do các thủ tục tại Việt Nam khá chậm. TPP sắp đến, các bạn phải chuẩn bị thật nhanh, phải hành động vì đây là cơ hội để Việt Nam đặt mình vào vị trí quan trọng trên bản đồ thế giới", đại diện khối doanh nghiệp Mỹ nói.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao - Lê Hoài Trung nhấn mạnh quan hệ Việt Nam - Mỹ đang phát triển mạnh mẽ và tích cực, đứng trước những cơ hội mới để tăng cường sự hợp tác toàn diện. Các địa phương và doanh nghiệp Việt Nam quyết tâm nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh của nền kinh tế thông qua hoàn thiện thể chế, chất lượng nguồn nhân lực, chú trọng quyền sở hữu trí tuệ...

Nguồn Vnexpress