Thị trường chứng khoán sắp đón nhiều hàng tốt

Với quyết định vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành, các tổng công ty, tập đoàn nhà nước đã cổ phần hóa sẽ phải đưa cổ phiếu lên sàn. Đây chính là những hàng tốt mà giới đầu tư trong và ngoài nước đang mong mỏi.

Thị trường chứng khoán sắp đón nhiều hàng tốt

Khi phải đưa cổ phiếu vào giao dịch tập trung, các tập đoàn, tổng công ty sẽ chọn con đường niêm yết. Động thái này cộng với những nỗ lực gần đây của các cơ quan quản lý thị trường như thúc đẩy ra đời sản phẩm mới, xây dựng khung pháp lý cho thị trường phát sinh, nâng cấp công nghệ… sẽ góp phần giúp TTCK Việt Nam được nâng hạng. Dòng vốn ngoại với nhiều nhà đầu cơ tầm cỡ sẽ đến Việt Nam.

“Cung” lớn

Ông Luyện Công Minh, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Viglacera – CTCP cho biết, TCT sẽ niêm yết cổ phiếu vào năm 2015, 1 năm sau thời điểm IPO. Viglacera có vốn điều lệ hơn 2.600 tỷ đồng. Ông Minh nói, các thủ tục đang được thực hiện khẩn trương để đưa cổ phiếu giao dịch tập trung đúng tiến độ.

Ở thời điểm hiện tại, đây là DN được xếp nhóm có quy mô lớn trên TTCK Việt Nam. Tuy nhiên, rất có thể vào cuối năm 2015, thị trường sẽ đón nhiều DN quy mô lớn hơn rất nhiều, bởi theo Quyết định 51/QĐ-TTg vừa được Thủ tướng ban hành, trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký DN, DN CPH phải hoàn tất thủ tục đăng ký công ty đại chúng, đăng ký cổ phiếu để lưu ký tập trung tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán và đăng ký giao dịch trên UPCoM. Trường hợp DN CPH đáp ứng đầy đủ các điều kiện niêm yết tại Sở GDCK, sau khi đưa cổ phiếu vào giao dịch trên UPCoM, trong thời hạn tối đa 1 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký DN, DN phải bổ sung hồ sơ để hoàn tất thủ tục niêm yết. Đối với các DN chuyển thành công ty cổ phần trước ngày Quyết định 51 có hiệu lực, đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước có trách nhiệm chỉ đạo người đại diện phối hợp, đôn đốc DN hoàn tất việc thực hiện đăng ký giao dịch và niêm yết trên TTCK trong thời hạn tối đa 1 năm (kể từ ngày 1/11/2014).

Nếu Quyết định này được thực thi nghiêm túc, TTCK Việt Nam vào cuối năm 2015 sẽ xuất hiện những cổ phiếu mới của các ông lớn như Vietnam Airlines, Vinatex, Petrolimex, VnSteel, Sabeco, Habeco...

Tính đến thời điểm này, hai sàn giao dịch đang có khoảng 700 doanh nghiệp niêm yết, quy mô vốn hóa đạt trên gần 60 tỷ USD. Đến cuối năm 2015, quy mô vốn hóa của thị trường có khả năng sẽ tăng vọt.

Khi ấy, TTCK Việt Nam sẽ có nhiều doanh nghiệp đủ độ lớn và giá trị giao dịch bình quân đạt quy mô lớn, làm căn cứ thuyết phục hơn thúc đẩy MSCI nâng hạng thị trường. Về quy mô, MSCI yêu cầu thị trường mới nổi phải có ít nhất 3 DN có vốn hóa trên 1 tỷ USD. Điều kiện này hiện nay TTCK Việt Nam đã đạt được, nhưng còn nhiều điều kiện khác, cần thời gian để đáp ứng.

Quan trọng hơn, sức khỏe của các ông lớn sẽ được cộng đồng cùng tham gia giám sát và phản biện kịp thời. Chưa niêm yết, các tập đoàn, tổng công ty hoạt động theo mô hình cổ phần hóa chỉ phải công bố báo cáo tài chính hàng năm. Trong khi đó, nếu trở thành DNNY, phải thực hiện nghĩa vụ công bố thông tin, chắc chắn hoạt động và tình hình tài chính của những DN này sẽ minh bạch hơn rất nhiều.

Việc đưa các DN có vốn nhà nước lớn lên sàn còn góp phần huy động các nguồn lực đại chúng tham gia đầu tư vào DN nếu có những cơ hội mở rộng hoạt động và các dự án hiệu quả cao. Những blue-chip trên HOSE như GAS, PVD, VNM, FPT… hiện có thể gọi vốn dễ dàng nếu muốn tăng quy mô và có địa chỉ đầu tư.

Gọi “cầu”

Đại diện Quỹ TPG, một trong những nhà đầu tư lớn trên thế giới, từng chia sẻ rằng, họ mong muốn tăng vốn đầu tư vào Việt Nam nhưng cơ hội lựa chọn không nhiều vì ít doanh nghiệp quy mô lớn, có vị thế đầu ngành niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán. Trên thế giới, những quỹ đầu tư lớn thường có yêu cầu nghiêm ngặt về thị trường họ sẽ rót vốn, đơn cử như chỉ tham gia vào các thị trường mới nổi với một tỷ trọng nào đó của NAV… Bởi vậy, khi thị trường Việt Nam được nâng hạng, chắc chắn sẽ đón thêm dòng vốn ngoại đổ vào thị trường.

Trong thời gian từ nay đến đầu năm 2016, thời điểm được Việt Nam kỳ vọng cho khả năng nâng hạng, những động thái gần đây của các tổ chức nước ngoài cũng tạo bệ đỡ rất lớn cho thị trường. Đơn cử, hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings tới đây có thể nâng xếp Việt Nam lên 1 bậc, từ mức B+ hiện nay lên BB- do nền kinh tế có nhiều dấu hiệu hồi phục. Hay kết quả cuộc khảo sát của KPMG đối với các nhà điều hành doanh nghiệp Mỹ được công bố mới đây cho thấy, Việt Nam được xếp vào nhóm top 4 các thị trường tăng trưởng mạnh trên toàn cầu đối với hoạt động đầu tư dự kiến của các công ty đa quốc gia Mỹ trong 12 tháng tới.

Khi thị trường thêm sức cầu, những đợt trồi sụt mạnh có thể diễn ra nhưng kịch bản giảm điểm triền miên và thanh khoản kém sẽ khó có khả năng lặp lại. Khi ấy, rất có thể nhiều nhà đầu tư mới trong nước sẽ nhập cuộc.

Anh Việt

{fcomment}