Thúc chuyển giao vốn nhà nước về SCIC không đơn giản

 Hiện tại, vốn nhà nước tại SCIC quản lý mới bằng khoảng 3% tổng số vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp.

Thúc chuyển giao vốn nhà nước về SCIC không đơn giản

Mới đây Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh đã có công văn yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc quy định về chuyển giao vốn Nhà nước về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC). Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc này đang gặp nhiều khó khăn và thách thức.

Hiện tại, vốn nhà nước tại SCIC quản lý mới bằng khoảng 3% tổng số vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp. Lý do là đối tượng tiếp nhận mới chỉ hạn chế tại các công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần được chuyển đổi từ công ty nhà nước độc lập thuộc các bộ, địa phương; chưa quy định việc chuyển giao quyền đại diện vốn nhà nước ở các tập đoàn, tổng công ty sau cổ phần hoá (chỉ chuyển giao một số tổng công ty theo quyết định cá biệt của Thủ tướng Chính phủ).

Việc tiếp nhận vốn giảm dần, đặc biệt là từ năm 2008 do một số tỉnh, thành phố chuyển giao vốn chậm, mặc dù SCIC đã có nhiều giải pháp đôn đốc, cũng như Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ có nhiều văn bản chỉ đạo. Bên cạnh đó, một số cơ chế chính sách nhằm đẩy mạnh thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Công văn 514, Nghị quyết 40/2015/NQ-CP...) có thể dẫn tới việc các Bộ, địa phương trì hoãn bàn giao DN về SCIC.

Theo quyết định phê duyệt phương án cổ phần hóa của Thủ tướng Chính phủ, giai đoạn 2014-2015, có 20 tập đoàn, tổng công ty nhà nước sẽ bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước về SCIC.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn 651/TTg-ĐMDN và Công văn 655/TTg-ĐMDN về chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước về SCIC, Tổng công ty đã tiến hành gửi công văn đôn đốc và làm việc trực tiếp với các bộ/địa phương thực hiện chuyển giao các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp thuộc đối tượng chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước về SCIC đúng tiến độ Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt.

SCIC đang phối hợp với Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ trong việc dự thảo cơ chế, các quy định pháp lý liên quan đến công tác tiếp nhận. Tuy nhiên, để đẩy nhanh việc thực hiện tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại các loại hình doanh nghiệp thuộc diện bàn giao cho SCIC theo Nghị định số 151/2013/NĐ-CP và các văn bản khác có liên quan, SCIC cần có sự hỗ trợ rất lớn từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Trên thực tế, các cơ chế, chính sách liên quan đến đổi mới tổ chức, hoạt động, quản lý, tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đã được ban hành tương đối đầy đủ nhằm đổi mới hoạt động của doanh nghiệp nhà nước và đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu. Vậy nhưng, tiến độ thực hiện tái cơ cấu còn chậm, số lượng doanh nghiệp phải hoàn thành tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước còn khá nhiều.

Lũy kế từ khi thành lập đến tháng 6/2015, SCIC đã tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại 981 doanh nghiệp với tổng giá trị vốn nhà nước theo sổ sách kế toán hơn 8.721 tỷ đồng, trong đó bao gồm cả 6 tổng công ty lớn đã cổ phần hóa (Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam -Vinaconex, Tổng công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng và Thương mại - Constrexim, Tổng công ty cổ phần Điện tử và Tin học Việt Nam -VEIC, Tổng công ty cổ phần Thương mại và Xây dựng -Vietracimex, Tổng công ty Đường sông Miền Nam, Tổng công ty Cơ điện Xây dựng - CTCP).

6 tháng đầu năm 2015, Tổng công ty chỉ tiếp nhận được 3 doanh nghiệp với giá trị vốn nhà nước là 117,4 tỷ đồng (bao gồm Công ty Chè Lâm Đồng, Công ty TNHH một thành viên Cấp nước Kon Tum và CTCP In Tổng hợp Cần Thơ).

Nguồn Tin nhanh chứng khoán