Tiếp vụ TINCOM - Pháp Vân: Mua vịt trời vẫn chưa là gì....

ông L.V.S và bà T.T.N, cán bộ Ngân hàng Trung ương đã nghỉ hưu cho biết dấu hiệu chiếm dụng vốn và đầu tư không bình thường của Công ty Cổ phần Đầu tư và Quản lý Tài sản Thế hệ mới.

Tiếp vụ TINCOM - Pháp Vân: Mua vịt trời vẫn chưa là gì....

Bỏ vốn vào thì dễ, rút vốn rakhó như “lên trời”

Theo đơn thư của ông L.V.S và bà T.T.N gửi đến tòa soạn, vào ngày 20/11/2009 và ngày 14/11/2009 ông L.V.S và bà T.T.N đã ký hợp đồng số 15/18 – 11 và 1/14 - 12 với Công ty Cổ phần Đầu tư và Quản lý Tài sản Thế Hệ Mới về việc góp vốn đầu tư và quyền mua căn hộ giữa công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư và Thương mại Thăng Long với Công ty Cổ phần Đầu tư và Quản lý tài sản thế hệ mới.

Qua thông tin mà ông S cung cấp thì Công ty Cổ phần Đầu tư và Quản lý tài sản Thế Hệ Mới là công ty con của Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư và Thương mại Thăng Long, công ty này chỉ hoạt động trên danh nghĩa là bên đại diện ký hợp đồng với ông S và bà N, còn Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư và Thương Mại Thăng Long là đơn vị chính thức thu tiền và giải quyết các đơn kiến nghị của ông S và bà N.

Trong đó, hợp đồng ghi rõ bên ủy thác là ông S và bà N, bên nhận ủy thác là Công ty cổ phần Đầu tư và Quản lý tài sản Thế Hệ Mới, do ông Nguyễn Đình Đại – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc công ty đại diện.

Hợp đồng chỉ rõ ông S góp vốn đầu tư và quyền mua căn hộ tầng 7, phòng A710, diện tích là 97,5 m2, đơn giá là 16 triệu đồng/m2, với tổng số tiền mua căn hộ là 1 tỷ 560 triệu đồng. Hiện tại ông S đã đóng 2 đợt tiền với tổng số tiền là 642 triệu đồng.

Bà T.T.N góp vốn đầu tư và quyền mua căn hộ tầng 6, tên A610, với diện tích 97,5m2, đơn giá 16 triệu đồng/m2 với tổng số tiền là 1 tỷ 560 triệu đồng, bà Nội cũng đã đóng hai đợt tiền, đợt một là 312 triệu đồng, đợt hai là 561,6 triệu đồng, tổng số tiền hai đợt là 873,6 triệu đồng.

Bên trong sắt thép đã hoen rỉ

Theo hợp đồng, trong năm 2011, Dự án Tincom – Pháp Vân sẽ hoàn thành và bàn giao cho các nhà đầu tư đã nộp tiền đầu tư.

Nhưng trong quá trình nộp tiền theo thông báo và theo dõi tiến độ dự án, ông S và bà N nhận thấy dự án chậm tiến độ so với thông báo nộp tiền, có dấu hiệu bất thường. Vì thế ông S và bà N đã đề đơn đề nghị Công ty Cổ phần Đầu tư và Quản lý tài sản Thế Hệ Mới xin rút vốn. Nhưng thay vào đó là những lời hứa hẹn suông.

Hẹn nữa rồi hẹn mãi…

Ngày 22/6/2012, Ông S và bà N nhận được văn bản phản hồi số A710/2012 DA – TCPV do ông Thang Văn Lương, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư và Thương Mại Thăng Long ký và chấp thuận cho rút vốn đầu tư và thanh toán số tiền theo các phiếu thu và xác nhận góp vốn cho ông S.

Điều đáng nói là trong công văn số A710/2012 DA – TCPV gửi vào ngày 22/6/2012 này có mục 3 ghi: “Theo quy chế của công ty thông báo vào ngày 1/11/2009 Công đoàn Công ty đã nêu rõ về đối tượng được ưu đãi mua căn hộ cam kết không hủy ngang số tiền góp vốn hợp đồng và ủy thác đầu tư góp vốn mua căn hộ của CBCNV nên việc rút vốn ủy thác của Công ty và cá nhân ông S không phù hợp với các điều kiện đã cam kết trước đây. Tuy nhiên, hiện đang có một số khách hàng có nhu cầu mua căn hộ tại dự án thông qua sàn giao dịch BĐS Tincomland, vì vậy chúng tôi đồng ý để Sàn giao dịch BĐS thực hiện chuyển nhượng hợp đồng giữa ông S với khách hàng của chúng tôi mà không thực hiện giao dịch mới.

Nhưng, ngược lại với điều này ngay bên dưới có mục 4 ghi : “ Sàn giao dịch BĐS Tincomland sẽ tiến hành các thủ tục chuyển nhượng và sẽ thanh toán số tiền ông thoái vốn theo các phiếu thu và xác nhận góp vốn của ông trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày nhận được thông báo này”.

Mâu thuẫn hai mục này ở đây là chưa biết bao giờ Sàn giao dịch BĐS Tincomland thực hiện xong việc chuyển nhượng hợp đồng giữa ông S và khách hàng mới nhưng Sàn giao dịch BĐS Tincomland đã hứa sau 90 ngày nhận được thông báo sẽ thanh toán số tiền của ông S.

Đến tháng 9/2013, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư và Thương Mại Thăng Long tiếp tục gửi văn bản A710/2013/DA – TCPV về việc thoái vốn chậm nhất vào tháng 10/2013.

Sau nhiều lần gặp gỡ, trao đổi, đại diện phía công ty tiếp tục hứa hẹn.

Tính từ thời điểm hứa hẹn gần đây là tháng 4/2014 chủ kinh doanh dự án này sẽ hoàn lại tiền cho ông S, đến nay đã gần 5 tháng trôi qua Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư và Thương Mại Thăng Long vẫn chưa giải quyết được việc thoái vốn cho ông Svà bà N

Đây là sản phẩm vài năm thi công của Dự án Tincom - Pháp Vân

Và… mất hút

Chúng tôi tìm đến địa chỉ 360 Giải Phóng – Thanh Xuân – Hà Nội, nơi được gọi là “ trụ sở” của công ty này chỉ thấy vắng hoe, có khoảng 4 – 5 bảo vệ đang ngồi trong phòng bảo vệ phía cổng ra vào, theo lời ông S thì tại đây cũng có một dự án xây dựng trường học nhưng tất cả máy móc đều “dậm chân một chỗ”, không có bóng dáng công nhân nào.

Hỏi một bảo vệ ở đây rằng “trụ sở công ty này chuyển đi đâu rồi?” Anh này đáp “Chuyển xuống Pháp Vân rồi (Nơi đang thi công dự án Tincom Pháp Vân – PV)

Chúng tôi lần đến công trường đang thi công Dự án Tincom Pháp Vân thì toàn bộ được vây kín bằng tôn, bên ngoài cổng có biển ghi “Tòa nhà Tincom Pháp Vân, khởi công 2011 – hoàn thành 2015”, bên cạnh đó là tấm biển ghi rõ: Chủ đầu tư Công ty TNHH Nam Đại Phong, đơn vị thi công Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng Sông Đà, đơn vị thiết kế Trinity Architects và các đơn vị liên doanh, đơn vị tư vấn QLDA Công ty cổ phần Dự án Thăng Long – PMP.

Như đã nêu trên, Dự án Tincom Pháp Vân được ký trong bản hợp đồng với ông S và bà N là khởi công năm 2009 đến năm 2011 sẽ bàn giao nhà, nhưng trên tấm biển này đã được chuyển sang thời điểm khởi công là năm 2011 và hoàn thành vào 2015.

Hiện tại, dự án vẫn chỉ là bãi đất trống, cỏ mọc um tùm. Cam kết bàn giao căn hộ giữa khách hàng với chủ đầu tư chưa đến bao giờ thực hiện được.

Baodautu.vn/antt.vn

{fcomment}