Tín dụng mang hình bóng “chế độ gia đình trị”

 Tại Diễn đàn kinh tế mùa Thu diễn ra cuối tuần qua tại Ninh Bình, liên quan đến hệ thống ngân hàng, câu chuyện tín dụng và nợ xấu tiếp tục là vấn đề chính được đề cập… 

Tín dụng mang hình bóng “chế độ gia đình trị”

Chia sẻ với ĐTCK, TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhận định, khó khăn còn kéo dài, việc xử lý các vấn đề trên nằm trong câu chuyện khác.

Tín dụng: câu chuyện con gà và quả trứng

Tính đến thời điểm hiện tại, theo tìm hiểu của ĐTCK, tăng trưởng tín dụng đã đạt được con số khả quan gần 6,6%. Như vậy, trong quý IV, thời điểm các DN đẩy mạnh sản xuất - kinh doanh, việc đạt tăng trưởng tín dụng 10% trong năm nay không quá khó khăn.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia ngân hàng, bản thân câu chuyện tín dụng hiện tại của Việt Nam cần có sự đổi mới mạnh mẽ hơn. Thứ nhất, khâu thẩm định tín dụng luôn đẩy giá tài sản thế chấp lên cao hơn nhiều so với giá trị thực tế, dẫn đến rủi ro nợ xấu tăng; thứ hai, tình trạng sở hữu chéo khiến những người nắm quyền trong ngân hàng cho vay những đối tượng mình muốn. Do đó, tín dụng không dựa trên khả năng chi trả, phương án kinh doanh, mà trên cơ sở quan hệ là điều vô cùng rủi ro; thứ ba, câu chuyện quản trị ngân hàng hiện nay chưa được đẩy mạnh, đưa đến tình trạng tín dụng mang hình bóng “chế độ gia đình trị”.

Liên quan đến vấn đề tín dụng, TS. Võ Trí Thành cho rằng, vấn đề chính ở đây là “cơ hội”. Nguồn vốn có, nhưng không có cơ hội thì DN vay tiền để làm gì? Nhưng để có cơ hội lại là vấn đề của tổng cầu, mà giữa tín dụng và tổng cầu là câu chuyện “con gà và quả trứng”; thứ hai, tín dụng tắc vì điều kiện tiếp cận lại liên quan đến nợ xấu và cơ bản nhất là xử lý nợ xấu.

“Từng DN thấy có cơ hội phát triển thì nền kinh tế sẽ phát triển, nền kinh tế phát triển sẽ tạo ra cơ hội ngược lại cho DN. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh xử lý nợ xấu, khơi thông để nguồn tín dụng trôi chảy bình thường. Tuy nhiên, việc tăng giảm tín dụng ở mức độ bao nhiêu phụ thuộc vào chính sách tiền tệ gắn với cải cách kinh tế vĩ mô”, TS. Võ Trí Thành nói.

Xử lý nợ xấu: cần những giải pháp căn cơ

Tại diễn đàn, GS. Trần Thọ Đạt, Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân và các cộng sự phân tích, một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2014 của Đề án 254 về tái cơ cấu hệ thống ngân hàng là hoàn thành căn bản cơ cấu lại tài chính của các TCTD hướng đến mục tiêu tăng cường năng lực và lành mạnh tài chính. Trong giai đoạn 2011 - 2013, nhiệm vụ quan trọng là giải quyết nợ xấu của các TCTD. Tuy nhiên, việc xử lý nợ xấu của các NHTM hiện nay đang rơi vào tình trạng bế tắc, vì VAMC không thể bán hoặc xử lý được nợ xấu đã mua. Thời gian qua, ngành ngân hàng mới chỉ giải quyết được việc “dọn dẹp” phần lớn nợ xấu về một đầu mối VAMC với vai trò như một “kho” lưu giữ nợ xấu của các TCTD… Cho đến nay, VAMC chưa bán được một khoản nợ xấu nào, trong khi áp lực gia tăng nợ xấu đối với các TCTD ngày càng lớn.

Theo PGS, TS. Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, việc có nhiều ngân hàng không phải là điều xấu, vấn đề chính là các ngân hàng hoạt động không hiệu quả, trong đó vấn đề nợ xấu đang là thách thức lớn. Điều này đặt ra yêu cầu tái cấu trúc ngân hàng không thể chậm trễ hơn nữa.

“Mặc dù chúng ta đã thành lập VAMC để xử lý nợ xấu, nhưng cho tới hiện nay, nợ xấu vẫn là `ung nhọt` của các NHTM. Để xử lý tận gốc vấn đề này, trước mắt cần minh bạch hóa thông tin nợ xấu của từng TCTD”, PGS, TS. Ngô Trí Long khuyến nghị.

Đồng quan điểm, GS. TS. Trần Thọ Đạt, cho rằng, năm 2015 nên tập trung vào xử lý dứt điểm nợ xấu của các TCTD thông qua tạo dựng hành lang pháp lý đủ thẩm quyền và khả thi cho VAMC, đồng thời xử lý triệt để vấn đề sở hữu chéo.

“Quá trình tái cơ cấu đã giúp hệ thống ngân hàng xử lý những ngân hàng yếu kém, nhưng để làm lành mạnh hóa hệ thống là cả một quá trình. Quá trình này rất phức tạp, đòi hỏi sự cải cách từ chính nội tại ngân hàng, gắn với những cải cách về cơ cấu, pháp lý từ các bộ, ngành khác…”, TS. Võ Trí Thành nói.

Khác với phân tích của GS. Đạt, khi chia sẻ với ĐTCK, ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch HĐTV Công ty Quản lý tài sản các TCTD (VAMC) cho biết, tính đến thời điểm này, VAMC đã mua được 89.000 tỷ đồng nợ gốc, 73.000 tỷ đồng giá mua từ 37 TCTD với hơn 6.000 khoản nợ của 3.500 khách hàng. VAMC đã thu tiền về từ bán nợ là 1.500 tỷ đồng và sẽ thu tiếp 1.200 tỷ đồng trong tuần này.

Nhuệ Mẫn

{fcomment}