TT Philippines đổi giọng khiến Mỹ hoang mang, TQ ngờ vực

Tổng tống Philippines Rodrigo Duterte thời gian qua bất ngờ tuyên bố loại bỏ lợi ích của Mỹ khiến đồng minh lo ngại còn Trung Quốc phản ứng với sự thận trọng.

TT Philippines đổi giọng khiến Mỹ hoang mang, TQ ngờ vực - 1

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte.

Các quốc gia đồng minh với Philippines như Mỹ, Nhật Bản và Australia đang gặp khó khăn trong việc lý giải những phát ngôn của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đưa ra thời gian gần đây. Liệu đây có phải là tuyên bố nhất thời hay ông Duterte thực sự muốn cắt đứt mối quan hệ đồng minh trong nhiều thập kỷ qua với Mỹ.

Trung Quốc ngờ vực

Theo Wall Street Journal, bình luận gây sốc của Tổng thống Philippines Duterte cũng khiến Trung Quốc cảm thấy khó hiểu.

Việc ông Duterte thay đổi thái độ với Mỹ là điều may mắn mà Trung Quốc đang theo đuổi lâu này. Đồng thời, điều này làm suy yếu chiến lược tăng cường hợp tác quốc phòng, vốn đã giúp Washington củng cố ảnh hưởng ở châu Á từ thế kỷ trước.

Tuy vậy, chính quyền Trung Quốc dự tính rằng với tính cách bốc đồng của ông Duterte, Tổng thống Philippines có thể thay đổi chiến lược ở bất kỳ thời điểm nào. Bên cạnh đó, ông sẽ phải đối mặt với nguy cơ đánh mất ủng hộ trong nước nếu quá nghiêng về phía Bắc Kinh.

"Với tính khí của Duterte, dù ông ấy có công kích ai đi chăng nữa, ông ấy không dễ để bên thứ ba lợi dụng", Thời báo Hoàn Cầu, ấn phẩm phụ của Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận chính thức của đảng Cộng sản Trung Quốc đưa tin. “Về lâu dài, Trung Quốc thậm chí còn khó khăn hơn trong việc hợp tác với ông Duterte”.

TT Philippines đổi giọng khiến Mỹ hoang mang, TQ ngờ vực - 2

Kể từ khi lên nắm quyền, ông Duterte dã có nhiều phát ngôn gây sốc.

Sự bất nhất trong giọng điệu của Tổng thống Philippines và người đại diện cũng là một nhân tố gây hiểu lầm. Các phát ngôn viên không ít lần bác bỏ những ý tứ trong câu chữ của ông Duterte.

Đồng minh hoang mang

Mọi hành động rút khỏi liên minh truyền thống sẽ giáng đòn mạnh vào nỗ lực của Mỹ bồi đắp quan hệ với các nước châu Á nhằm đối trọng với sức ảnh hưởng đang lên từ Trung Quốc. Manila cũng sẽ phải trả giá vì liên minh vốn cung cấp năng lực quân sự để Philippines đương đầu với những căng thẳng trong khu vực.

"Đây là chiến lược nguy hiểm và tiềm ẩn rủi ro”, khiến các đồng minh khu vực xa lánh và làm mất lòng một bộ phận công chúng Philippines có thiện cảm với Mỹ, chuyên gia Ian Storey đến từ Viện Nghiên cứu Yusof Ishak ở Singapore bình luận.

Sau khi ông Duterte tuyên bố muốn các cố vấn quân sự Mỹ rút khỏi đất nước,đại diện quân đội Philippines, tướng Restituto Padilla đã ra thông báo cho biết Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao cần cân nhắc quyết định này. “Chúng tôi đảm bảo rằng mối quan hệ đồng minh Mỹ-Philippines vẫn hết sức vững chắc. Chúng tôi đã chuẩn bị nhiều hoạt động cho năm 2017 và xa hơn”.

Theo quan điểm của ông Duterte, Mỹ đến nay vẫn chưa thật sự hết lòng hỗ trợ Philippines, thậm chí còn cung cấp cho đồng minh những khí tài quân sự lỗi thời. Mỗi năm, Washington chỉ hỗ trợ 120 triệu USD, bằng 3% ngân sách quốc phòng Manila. Trong khi đó, Mỹ vừa mới ký kết hợp đồng viện trợ quân sự lịch sử trị giá 38 tỷ USD cho Israel.

TT Philippines đổi giọng khiến Mỹ hoang mang, TQ ngờ vực - 3

Ông Duterte cho đến naychưa có cuộc gặp chính thức với Tổng thống Mỹ Barack Obama.

Ông Duterte đổ lỗi sự can thiệp của Mỹ là nguyên nhân làm bùng phát phong trào nổi dậy ở Philippines cũng như không thể chấm dứt hoạt động cải tạo trái phép của Trung Quốc ở Biển Đông.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby cho rằng, những phát ngôn gây tranh cãi của ông Duterte "không mang lại lợi ích" và chính phủ Mỹ đang chờ đợi để xem liệu lời nói như vậy có trở thành chính sách hay không.

Trước sự thay đổi giọng điệu của người đứng đầu Philippines, Nhật Bản cũng có thể sẽ giảm bớt nỗ lực xây dựng liên minh với các quốc gia Đông Nam Á.

Ngoại trưởng Australia Julie Bishop tỏ ra lúng túng trước quyết định hủy tuần tra chung của Philippines.

"Tôi bất ngờ khi thấy Philippines từ chối đi qua vùng lãnh thổ mà phán quyết từ tòa trọng tài xác nhận là thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Manila", bà Bishop nói.

Chuyên gia Gregory Poling đến từ Trung tâm Chiến lược và Quốc tế (CSIS) nhận định, nỗ lực của Mỹ nhằm thực thi luật pháp ở Biển Đông và tái khẳng định vai trò lãnh đạo ở châu Á-Thái Bình Dương sẽ suy yếu nếu Philippines rút khỏi liên minh.

Nguồn 24h