Quốc gia được lợi nhiều nhất khi Trump rút Mỹ khỏi TPP

Tổng thống đắc cử Donald Trump tuyên bố rút Mỹ khỏi Hiệp định TPP là điều Trung Quốc luôn mong muốn và có tác động sâu rộng đến chiến lược xoay trục của Mỹ ở châu Á.

Quốc gia được lợi nhiều nhất khi Trump rút Mỹ khỏi TPP - 1

Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump luôn phản đối TPP.

Từ nhiều năm qua, Trung Quốc đã coi TPP như một cách để chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama tăng cường vai trò lãnh đạo của Mỹ ở châu Á. TPP được coi là yếu tố cốt lõi trong chiến lược xoay trục của Mỹ sang châu Á.

Bắc Kinh thậm chí còn cho rằng, TPP có thể khống chế một Trung Quốc đang ngày càng trỗi dậy. Nhưng mọi chuyện đã thay đổi, khi ông Trump tuyên bố sẽ hủy bỏ hiệp định này ngay trong ngày đầu tiên nắm quyền.

Chính quyền Obama đã phải mất nhiều năm hối thúc các đồng minh để các bên có thể tiến gần đến TPP. Bắc Kinh giờ đây sẽ thuyết phục các quốc gia châu Á đánh giá độ tin cậy giữa các cam kết của Trung Quốc và Mỹ.

TPP vô nghĩa nếu thiếu Mỹ

Chỉ vài giờ trước tuyên bố của ông Trump, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nói Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) "sẽ vô nghĩa nếu thiếuMỹ".

Hạ viện Nhật Bản đã thông qua TPP ngày 10.11, nhưng ông Abe cũng nói nếu TPP không còn Mỹ, Tokyo sẽ không đàm phán lại với các nước khác.

Nhật Bản thậm chí sẽ quay sang Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) do Trung Quốc khởi xướng.

Hiệp định RCEP đã được đàm phán từ năm 2013 đến nay giữa 10 nước thành viên ASEAN với Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand.

Quốc gia được lợi nhiều nhất khi Trump rút Mỹ khỏi TPP - 2

Nhóm 12 quốc gia đã mất cả thập kỷ để đàm phán về TPP.

Hồi tháng 8, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long có chuyến thăm đến Washington. Tại đây, ông Lý cảnh báo TPP đã đặt nước Mỹ “vào ranh giới tầm ảnh hưởng” với các đối tác trong khu vực. “Mỗi quốc gia đã phải vượt ra qua rất nhiều khó khăn trong nước, trở ngại chính trị để đến được gần với hiệp định này”, ông Lý nói.

Thủ tướng Singapore bày tỏ lo ngại: “Cuối cùng, mọi người chờ đợi còn cây cầu thì không hoàn thiện. Tôi nghĩ rằng mọi người đều bị tổn thương bởi quyết định này”.

Deborah Elms, Giám đốc Trung tâm Thương mại châu Á (trụ sở tại Singapore), gọi tuyên bố của Trump là "một thông tin rất buồn thảm". "Tuyên bố này báo hiệu sự cáo chung cho vai trò lãnh đạo của Mỹ trong thương mại và là sự khởi đầu cho việc nhường lại cây gậy chỉ huy ở châu Á”.

Cơ hội của Trung Quốc

Ngày nay, các nhà ngoại giao Mỹ không thể vừa đặt lợi ích của Washington lên đầu nhưng vẫn đảm bảo vai trò lãnh đạoở châu Á. Không có TPP, vị thế của Mỹ chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng và đó là cơ hội để Trung Quốc nắm lấy.

Tại Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) diễn ra tại thủ đô Lima, Peru hồi tuần trước, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói với các nhà lãnh đạo khu vực rằng, đây là lúc xây dựng mối quan hệ gắn kết mạnh mẽ, đôi bên cùng có lợi với những sáng kiến chiến lược. Trung Quốc không đóng cửa với thế giới bên ngoài mà trái lại, còn muốn mở rộng hơn nữa.

Quốc gia được lợi nhiều nhất khi Trump rút Mỹ khỏi TPP - 3

Ông Tập Cận Bình kêu gọi, đây là thời điểm xây dựng mối quan hệ vững chắc.

Các quan chức đi cùng ông Tập dành trọn thời gian có thể để thảo luận về những thảo thuận thương mại mà Trung Quốc đề xuất, bao gồm RCEP hay Hiệp định thương mại tự do châu Á-TBD (FTAAP).

Bước đi này nằm trong sáng kiến “Một vành đai, một con đường”, tạo ra ảnh hưởng Trung Quốc về thương mại, đầu tư khắp châu Á. Bắc Kinh đầu tư phát triển các tổ chức cho vay mới như Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB).

Tuyên bố ngừng ký TPP của Tổng thống Mỹ đắc cử Trump đã chạm đến ranh rới bất định trong chính sách của chính quyền Mỹ. Liệu Mỹ có tiếp tục chiến đấu vì quy tắc công bằng và toàn diện hay ông Trump đơn giản là muốn “đặt lợi ích Mỹ” lên hàng đầu.

Nếu như vậy, các đồng minh của Mỹ ở châu Á giờ đây sẽ tỏ ra ngờ vực, chờ đợi những tuyên bố gây sốc hơn của Donald Trump trong vấn đề an ninh hay lớn hơn nữa.

Liệu Mỹ còn có thể đáng tin, để đóng vai trò là quốc gia lãnh đạo châu Á trước một Trung Quốc đang ngày càng trỗi dậy? Nhưng liệu câu trả lời thế nào, đây cũng là thông tin mà Bắc Kinh chờ đợi từ lâu, BBC nhận định.

Tuyên bố đưa Mỹ rời TPP, ông Trump lại không nhắc đến việc trừng phạt Bắc Kinh vì thao túng tiền tệ hay áp thuế với hàng hóa Trung Quốc.

Kết hợp những yếu tố này, Trung Quốc đang tràn trề cơ hội khỏa lấp khoảng trống ở châu Á mà Mỹ để lại, BBC kết luận.

Nguồn 24h