Tình báo Mỹ chật vật đọc suy nghĩ của Putin

Các nhân viên tình báo Mỹ luôn gặp khó khăn trong việc giải mã một mục tiêu hóc búa: Tổng thống Nga Vladimir Putin.

tinh-bao-my-chat-vat-giai-ma-ong-putin

Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu trong một cuộc họp báo. Ảnh: Reuters

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm qua ra lệnh cho Bộ trưởng Quốc phòng nước này bắt đầu rút phần lớn quân khỏi Syria với lý do các mục tiêu đặt ra "nhìn chung đã hoàn thành".

Điện Kremlin trước đó không hề cho thấy bất kỳ dấu hiệu gợi mở nào về quyết định đột ngột này. Giới chuyên gia cũng như các nhà phân tích toàn cầu vì thế cảm thấy vô cùng bất ngờ. Nó một lần nữa làm bật lên tính chất quyết đoán cũng như sự khó đoán định trong hành động của lãnh đạo nước Nga.

Hồi tháng 9 năm ngoái, chỉ vài ngày trước khi cuộc gặp Putin - Obama diễn ra, Iraq đã công bố thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo nhằm chống phiến quân Nhà nước Hồi giáo, ký giữa Iraq với Nga, Iran và Syria. Đây là lần thứ hai trong vòng một tháng, Nga có động thái gia tăng ảnh hưởng chính trị và quân sự ở Syria, khiến Mỹ và cộng đồng quốc tế hoàn toàn bất ngờ.

Trước đó, việc ông Putin ra lệnh điều động binh sĩ, vũ khí và trang bị tới Syria để giúp nước này "chống khủng bố" cũng khiến giới quan sát cảm thấy bất ngờ bởi quyết định được đưa ra nhanh chóng và dứt khoát.

Theo Wall Street Journal, thỏa thuận 4 bên được ký kết ngay tại thủ đô Iraq, đồng minh của Mỹ, mà Mỹ trước đó không hề hay biết. Các quan chức Mỹ chỉ nắm được thông tin rằng có một nhóm quan chức quân sự Nga đã đến Baghdad, nhưng không rõ vì mục đích gì.

Khi Bộ Tham mưu Liên quân Iraq thông báo về thỏa thuận trên, các quan chức Mỹ tỏ ra ngạc nhiên. "Chúng tôi mới chỉ bắt đầu tìm cách hiểu những ý định của Nga ở Syria, ở Iraq, và cố xem xét liệu có lợi ích chung nào giữa hai nước tại khu vực hay không", một quan chức cấp cao Mỹ cho hay.

Gần một tháng sau, chuyến công du hiếm hoi của Tổng thống Syria Bashar al-Assad tới Moscow để hội kiến Tổng thống Nga Putin tiếp tục khiến giới quan sát thế giới "không kịp trở tay". Nhiều người gọi đây là một cuộc gặp gỡ "không ai ngờ tới". Điện Kremlin, những người cho biết đã gửi lời mời ông Assad tới thăm Moscow, đã có thể giữ bí mật về cuộc gặp tận cho đến khi nó diễn ra.

Xem thêm: Phong cách ngôn từ gây sốc của Putin

Hành xử kín kẽ

Chủ tịch Hội đồng Tình báo Quốc gia Mỹ Gregory Treverton từng phải thốt lên rằng Tổng thống Nga Putin cẩn trọng đến nỗi ngay cả những cố vấn riêng cũng không thể đoán biết những gì ông đang suy nghĩ, theo NPR.

"Putin hành xử cẩn thận tới mức khả năng ông ấy tính toán sai lầm hay hành động sơ hở đã trở thành đề mục đứng đầu danh sách những việc tôi bận tâm", Treverton cho biết. "Tôi thường phân tách các vấn đề hóc búa thành hai dạng là những vấn đề có câu trả lời nhưng chúng ta có thể chưa biết và những bí ẩn, tức là các vấn đề không chắc chắn, tồn tại nhiều bất ngờ. Cách mà ông Putin hành xử có lẽ là một bí ẩn".

Và không chỉ một mình ông Treverton có cách nhìn nhận như thế về Tổng thống Nga Putin. Cùng chung quan điểm, đô đốc đã nghỉ hưu James Stavridis, cựu tư lệnh của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại châu Âu giai đoạn 2009 - 2013 cũng cho rằng ông Putin là một trường hợp hiếm hoi có cách bộc lộ quá kín kẽ.

"Ông ấy chắc chắn sở hữu một dàn cố vấn thân cận", Stavridis nói. "Nhưng rốt cục, những định vị chiến lược không nằm trên bất cứ bản đồ nào. Thay vào đó, chúng ngự trị tại một nơi nào đó ngay bên trong bộ não của ông".

Thực tế này tạo ra không ít khó khăn cho Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) cùng các cơ quan tình báo khác được giao nhiệm vụ theo dõi các đối tượng kinh tế - quân sự Nga và dự báo về những nước đi tiếp theo của Moscow.

Stavridis, hiện là hiệu trưởng Trường Luật và Ngoại giao Fletcher thuộc Đại học Tufts, Mỹ, chỉ ra hai nhân tố khiến Putin trở thành một mục tiêu khó đoán của giới tình báo.

Đầu tiên là mức độ kiểm soát quyền lực lớn mà ông Putin tích lũy trong 17 năm cầm quyền ở cương vị thủ tướng lẫn tổng thống Nga. Quyền lực tuyệt đối như vậy chỉ có thể được tìm thấy ở các lãnh đạo cầm quyền lâu năm.

Thứ hai, các hình thức do thám như nghe lén điện thoại, theo dõi bằng hình ảnh từ vệ tinh... khó có thể áp dụng để chống lại ông Putin vì bản thân Tổng thống Nga vốn là một nhân viên tình báo chuyên nghiệp.

Ông Putin gia nhập Ủy ban An ninh Quốc gia Liên Xô (KGB) vào năm 1975 và được cử sang Dresden, Đông Đức, làm nhiệm vụ theo dõi phương Tây trong suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Nhờ thế, ông Putin rất thông thạo tiếng Đức và làm chủ mọi kỹ năng tình báo.

"Nga luôn có năng lực phản gián rất mạnh và Putin chắc chắn đã được huấn luyện kỹ lưỡng", John McLaughlin, quyền giám đốc CIA năm 2004, thời điểm ông Putin đang trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên, nhận xét.

Bên cạnh đó, những trợ lý mà ông Putin tin tưởng hầu hết là các cựu nhân viên KGB, McLaughlin cho biết. "Nhóm nội bộ thân tín này luôn đề cao cảnh giác khi liên lạc với nhau và biết rõ người họ gặp là ai. Vậy nên, đây là một môi trường đầy khó khăn đối với công tác tình báo".

Tuy nhiên, theo McLauglin, nếu không đọc được suy nghĩ của ông Putin, người ta vẫn có thể nhìn vào những vấn đề ông đang xoay xở giải quyết để phán đoán hành động của lãnh đạo nước Nga.

"Ở trường hợp của Nga, chúng ta cần theo dõi và phân tích tác động của các lệnh trừng phạt. Chúng đang là một gánh nặng đối với nước Nga", ông McLaughlin nói. "Việc đồng rúp đang đứng ở mức thấp kỷ lục cũng như vấn đề dòng vốn tháo chạy khỏi nước Nga" cũng là vấn đề mà giới chuyên gia tình báo cần chú ý.

Ông Putin cũng đã công khai đề cập tới các mục tiêu trọng tâm mà ông muốn hướng đến nhằm khôi phục vị thế của Nga với tư cách một cường quốc thế giới. Theo McLaughlin, công việc của CIA và các cơ quan tình báo khác là dựa vào những dữ liệu có sẵn này để đoán biết trước nước đi tiếp theo của Tổng thống Nga trong công cuộc hiện thực hóa mục tiêu ấy.

Nguồn Vnexpress