Trái phiếu Chính phủ Việt Nam tăng trưởng nhất khu vực Đông Á

Quy mô thị trường trái phiếu Chính phủ do Chủ tịch Ủy Ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Bằng cho biết đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 23%/năm trong 5 năm qua, với mức tăng trưởng dẫn đầu các nền kinh tế mới nổi tại khu vực Đông Á…

Thông tin tại Hội nghị đánh giá về trái phiếu Chính phủ 5 năm qua, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà Nước Vũ Bằng tại cho biết: Tính đến nay, tổng giá trị danh mục trái phiếu Chính phủ (TPCP) đang lưu hành đạt xấp xỉ 680.000 tỷ đồng, tăng hơn 4 lần so với năm 2009 và tương đương 18% GDP.

Chủ tịch Ủy Ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Bằng.
Chủ tịch Ủy Ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Bằng.

“Quy mô thị trường TPCP đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 23%/năm trong 5 năm qua, được đánh giá có mức tăng trưởng dẫn đầu các nền kinh tế mới nổi tại khu vực Đông Á cũng như khu vực ASEAN + 3”, Chủ tịch Vũ Bằng nhấn mạnh.

Theo đó, thanh khoản thị trường được cải thiện đáng kể, giá trị giao dịch bình quân phiên đã tăng gấp 7,5 lần trong vòng 05 năm, từ 365 tỷ đồng/phiên năm 2009 lên 2.734 tỷ đồng/phiên trong 6 tháng đầu năm 2014. Tỷ lệ doanh số giao dịch thứ cấp so với giá trị TPCP lưu hành theo đó cũng tăng lên gấp 2,6 lần.

Từ ngày 24/8/2012, toàn bộ tín phiếu Kho bạc đấu thầu qua Ngân hàng Nhà nước được tập trung giao dịch trên thị trường TPCP, tạo thành một thị trường giao dịch thống nhất, cung cấp đầy đủ thông tin cho công chúng đầu tư về giao dịch của TPCP kỳ hạn dài và ngắn.

Cũng theo Chủ tịch Vũ Bằng, ở cấp độ định hướng và quản lý Nhà nước, việc huy động, sử dụng vốn và phát triển thị trường TPCP đã và đang trở thành một chủ đề được sự quan tâm của Quốc hội, Chính phủ và các bộ ngành liên quan khi hoạch định các chính sách phát triển.

Cùng với đó, hệ thống các nhà đầu tư đang có những tiến triển tích cực. Mặc dù khối ngân hàng thương mại vẫn đóng vai trò chính với tỷ trọng nắm giữ danh mục TPCP khoảng 86%, nhưng thị trường đã ghi nhận sự tham gia ngày càng tích cực của các công ty bảo hiểm, công ty quản lý quỹ và nhà đầu tư nước ngoài.

Từ năm 2009-2010, nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường khá dè dặt với tỷ trọng tham gia thị trường sơ cấp là 4% năm 2009 và tỷ trọng giao dịch trên thị trường thứ cấp là 18,5% năm 2010. Tuy nhiên, từ năm 2011 đến nay, khi kinh tế Việt Nam bắt đầu có dấu hiệu ổn định và hồi phục, các nhà đầu tư nước ngoài đã bắt đầu tham gia trở lại với tỷ trọng giao dịch trên thị trường thứ cấp ổn định ở mức từ 20%-30%, giá trị trúng thầu và mức độ tham gia đấu thầu trên thị trường sơ cấp là 12%.

Cũng theo đánh giá từ ông Vũ Bằng, thị trường TPCP đã thực hiện tốt chức năng huy động vốn trung và dài hạn cho ngân sách để phục vụ đầu tư phát triển. Từ tháng 9/2009 đến tháng 9/2014, đấu thầu tập trung tại Sở GDCK Hà Nội đã huy động được 654.493 tỷ đồng cho ngân sách Nhà nước, trong đó Kho bạc Nhà nước huy động được 513.292 tỷ đồng, gấp hơn 13 lần so với giai đoạn 2000 - 2008. Đặc biệt từ năm 2012, đấu thầu trở thành kênh chủ đạo trong huy động vốn cho ngân sách qua phát hành trái phiếu; giá trị huy động qua đấu thầu tăng mạnh, năm 2013 đạt 194.000 tỷ đồng, đạt gần 18% tổng mức đầu tư toàn xã hội.

“Thị trường đấu thầu được tổ chức trên nguyên tắc cạnh tranh, công khai minh bạch, đã giúp hình thành mức lãi suất phát hành hợp lý, luôn thấp hơn lãi suất huy động của ngân hàng thương mại, tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước hàng nghìn tỷ đồng, góp phần bình ổn mặt bằng lãi suất và lạm phát”, ông Bằng nhấn mạnh.

Theo ông Vũ Bằng, để phát huy tốt hơn vai trò của thị trường TPCP đối với việc phát triển bền vững kinh tế Việt Nam, đặc biệt trong quá trình tái cấu trúc kinh tế hiện nay, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ ngành liên quan trình Chính phủ hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đồng bộ về phát hành, quản lý sử dụng, đánh giá hiệu quả sử dụng nguồn vốn TPCP cùng với cơ chế chính sách liên quan để tạo điều kiện cho thị trường TPCP phát triển và phát huy hiện quả.

Ngoài ra, Bộ Tài chính sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện các mục tiêu cơ bản trong Lộ trình phát triển thị trường trái phiếu Việt Nam đến năm 2020 theo Quyết định 261 nhằm đồng bộ hóa phát triển bền vững thị trường trái phiếu, phù hợp với mức độ phát triển của nền kinh tế và thị trường tài chính - tiền tệ…

Một báo cáo mới của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) công bố hôm nay 23/9 cho biết: Thị trường trái phiếu bằng đồng nội tệ tại Việt Nam có mức tăng trưởng cao nhất các nền kinh tế đang phát triển ở Đông Á so với quý trước cũng như so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhất tại Châu Á sau Nhật Bản với dư nợ trái phiếu là 4,9 nghìn tỷ USD. Mức dư nợ này tăng 3,4% so với quý trước và tăng 10,8% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu là do tăng dư nợ trái phiếu của ngân hàng chính sách và trái phiếu công ty trong nước.

Các nền kinh tế đang phát triển ở Đông Á bao gồm: Trung Quốc, Hồng Công (Trung Quốc), In-đô-nê-xi-a, Hàn Quốc, Ma-lay-xi-a, Phi-líp-pin, Xinh-ga-po, Thái Lan và Việt Nam.

Báo cáo Theo dõi Trái phiếu Châu Á hàng quý số mới nhất của AdB cho thấy, tính đến cuối tháng 6, tổng dư nợ trái phiếu tại các nền kinh tế đang phát triển ở Châu Á là 7,9 nghìn tỷ USD, tăng 2,5% so với thời điểm cuối tháng 3 và tăng 9,3% so với thời điểm cuối tháng 6 năm 2013.

Tổng giá trị phát hành trái phiếu bằng đồng nội tệ trong quý II là 1,1 nghìn tỷ USD, tăng so với mức 852 tỷ USD trong quý I. Trong khi đó, doanh số các trái phiếu bằng đồng USD, euro và yên Nhật từ tháng 1 đến tháng 7 là 121,4 tỷ USD, cho thấy khu vực sẽ tiếp tục lập thêm một kỷ lục khác về tổng giá trị phát hành trái phiếu hàng năm.

Nguyễn Hiền
Nguồn: Dân trí

{fcomment}