Tranh chấp mỏ đá ở Lục Yên vẫn chưa kết thúc

 Liên quan đến tranh chấp mỏ đá hoa trắng Khau Tu Ka ở Lục Yên (Yên Bái), cho rằng bản án sơ thẩm có nhiều vi phạm thủ tục tố tụng nghiêm trọng, Viện kiểm sát đã kháng nghị. Đồng thời, bị đơn cũng kháng cáo.

Tranh chấp mỏ đá ở Lục Yên vẫn chưa kết thúc

Theo bản án sơ thẩm, bị đơn của vụ án là CTCP Tập đoàn Thái Dương, nguyên đơn là ông Phạm Quốc Quảng, bà Lương Tuyết Hạnh. Trước đó, bên đệ đơn khởi kiện là Tập đoàn Thái Dương, còn ông Quảng, bà Hạnh là bị đơn và có đơn phản tố.

Sở dĩ có sự thay đổi tư cách tham gia tố tụng là do khi mở phiên tòa sơ thẩm, ông Huấn, đại diện Tập đoàn Thái Dương có đơn xin hoãn phiên tòa vì đau ốm. Bản án sơ thẩm cho rằng, Tập đoàn Thái Dương có lần không nhận văn bản của Tòa án, Tòa án phải phải hoãn phiên toà nhiều lần, vụ án kéo dài quá thời hạn luật định, nay ông Huấn lại nêu lý do ốm, gây khó khăn cho Tòa án. Do phía Tập đoàn Thái Dương không cử người tham gia tố tụng nên Tòa án đình chỉ yêu cầu khởi kiện đối với Công ty. Từ đó, Tòa án thay đổi địa vị tố tụng, chuyển bị đơn có yêu cầu phản tố thành nguyên đơn và bị đơn là Tập đoàn Thái Dương.

Tuy nhiên, Viện kiểm sát cho rằng, quyết định này vi phạm tố tụng dân sự. Thứ nhất, việc ông Huấn, đại diện Tập đoàn Thái Dương xin hoãn phiên tòa vì đau ốm (có tài liệu y bạ kèm theo chứng minh) là sự kiện bất khả kháng. Theo quy định thì Tòa án chỉ đình chỉ vụ án khi nguyên đơn vắng mặt không phải vì lý do bất khả kháng. Quyết định này của Tòa án dẫn đến án phí bị sung công quỹ trái pháp luật và yêu cầu của nguyên đơn không được xét xử, gây thiệt hại cho Tập đoàn Thái Dương.

Thứ hai, Viện kiểm sát cho rằng, trường hợp nguyên đơn đã được triệu tập hợp lệ mà vẫn vắng mặt đến lần thứ hai thì Tòa án sẽ ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án, chứ không thay đổi về địa vị tố tụng. Nếu bị đơn có yêu cầu phản tố thì giải quyết bằng vụ án khác. Việc thay đổi địa vị tố tụng, nguyên đơn trở thành bị đơn, bị đơn trở thành nguyên đơn chỉ xảy ra khi “nguyên đơn rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện, nhưng bị đơn vẫn giữ yêu cầu phản tố”. Trường hợp này, nguyên đơn không rút yêu cầu khởi kiện, mà nguyên đơn vắng mặt khi xét xử.

Ngoài ra, kháng nghị của Viện kiểm sát còn nêu một số thiếu sót khác của Tòa cấp sơ thẩm như thụ lý đơn phản tố không đúng. Đơn khởi kiện của Tập đoàn Thái Dương đề nghị Tòa án tuyên hủy bỏ hợp đồng hợp tác sản xuất - kinh doanh giữa Công ty và ông Quảng, bà Hạnh. Ông Quảng, bà Hạnh làm đơn đề nghị Tòa án không chấp nhận đơn khởi kiện của Tập đoàn Thái Dương, yêu cầu tiếp tục thực hiện hợp đồng nêu trên. Như vậy, đơn này không phải đơn phản tố, không độc lập với yêu cầu khởi kiện của Tập đoàn Thái Dương. Việc thụ lý theo trình tự phản tố là không đúng quy định pháp luật.

Bản án sơ thẩm còn tuyên cấm thay đổi hiện trạng của khu mỏ đá Khau Tu Ka đang tranh chấp. Đây là nội dung không có trong yêu cầu phản tố của ông Quảng, bà Hạnh, Tòa án quyết định việc này là vi phạm quyền tự định đoạt của đương sự.

Phía Tập đoàn Thái Dương cũng có đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm với lý do Tòa cấp sơ thẩm có nhiều vi phạm tố tụng và đề nghị Tòa cấp phúc thẩm hủy án bản án sơ thẩm.

Được biết, từ năm 2004, giữa Tập đoàn Thái Dương và ông Quảng, bà Hạnh có thỏa thuận miệng về hợp tác khai thác mỏ đá Khau Tu Ka. Sau đó, ông Quảng, bà Hạnh đã góp vốn nhiều lần. Đến năm 2007, hai bên ký hợp đồng hợp tác sản xuất - kinh doanh với nội dung các bên cùng góp vốn để tổ chức khai thác, sản xuất và tiêu thụ thành phẩm đá vôi trắng tại mỏ đá, tổng vốn góp là 9 tỷ đồng, Tập đoàn Thái Dương góp 40%, ông Quảng và bà Hạnh mỗi người góp 30%.

Đến tháng 8/2010, Dự án được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép khai thác, quá trình đầu tư kéo dài 9 năm, ông Quảng đã góp tổng cộng 880 triệu đồng, bà Hạnh góp 890 triệu đồng. Theo đơn khởi kiện của Tập đoàn Thái Dương thì công ty này đã đầu tư gần 40 tỷ đồng trên tổng giá trị dự án 170 tỷ đồng.

Sau này, giữa hai bên phát sinh mâu thuẫn, phía ông Quảng, bà Hạnh đề nghị thành lập chi nhánh tại Yên Bái và có 30% cổ phần tại chi nhánh để thực hiện công việc đã thỏa thuận và lập tài khoản riêng để theo dõi chi tiêu. Tuy nhiên, Tập đoàn Thái Dương không đồng ý vì việc này trái Luật Doanh nghiệp, trái Luật Đầu tư. Số tiền góp vốn của ông Quảng, bà Hạnh không được các cổ đông nhất trí cho hạch toán vào dự án mỏ đá Khau Tu Ka. Do đó, Tập đoàn Thái Dương không có nghĩa vụ giải trình các khoản tiền mà Công ty đã chi tiêu không có sự thống nhất của ông Quảng, bà Hạnh.

Hai bên còn tố cáo nhau thuê người đe dọa đánh bên kia. Cuối cùng, Tập đoàn Thái Dương đệ đơn khởi kiện, đề nghị Tòa án tuyên hủy hợp đồng hợp tác vì ông Quảng, bà Hạnh vi phạm hợp đồng.

Nguồn Tin nhanh chứng khoán