TTCK sẽ tăng nhẹ trong tháng 8

 “Xu hướng chính của thị trường trong tháng 8 vẫn là tăng nhưng nhà đầu tư lướt sóng cần lưu ý không nên đặt kỳ vọng lợi nhuận quá cao vì sẽ khó đạt được, do thị trường đang dao động trong biên độ vừa”.

TTCK sẽ tăng nhẹ trong tháng 8

Ông Trương Hiền Phương, Giám đốc CTCK KIS Việt Nam Chi nhánh TP. HCM trao đổi với Đầu tư Chứng khoán.

Nhà đầu tư đang phấn khích với việc VN-Index vượt qua mốc 600 điểm. Theo ông, xu hướng chính của TTCK tháng 8 như thế nào?

Theo tôi, xu hướng chủ đạo của tháng 8 sẽ là tăng trong biên độ vừa, vùng hỗ trợ mạnh ở mức 580 điểm và kháng cự mạnh tại 630 điểm. Trong tháng 8, thị trường không có nhiều thông tin hỗ trợ tích cực, nhưng kết quả quý II của phần lớn doanh nghiệp có cổ phiếu nằm trong nhóm blue-chip và một số cổ phiếu có tính dẫn dắt khá khả quan. Đây cũng là điểm tựa cho thị trường tăng điểm trong suốt trong thời gian qua.

Nếu không có những thông tin bất lợi gây nhiễu thì nhiều khả năng thị trường sẽ tiếp tục tăng trong cả tháng 9, mục tiêu của VN-Index sẽ là vùng 630 điểm.

Khả năng thị trường theo kịch bản này khá cao vì các cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn trong VN-Index như GAS, VNM, VIC… và một số blue-chip đang có nhiều thông tin tích cực hỗ trợ. Việc nhà đầu tư quan tâm, tiếp tục mua vào các cổ phiếu này sẽ góp phần giúp VN-Index tiến lên và xác lập một vùng điểm mới.

Vậy theo dự đoán của ông, dòng tiền sẽ chuyển dịch qua nhóm blue-chip, hay nhóm midcap và penny?

Dòng tiền sẽ xoay trụ từ các nhóm blue-chip rồi đến nhóm mid-cap có kết quả kinh doanh tốt. Dòng penny và cổ phiếu ngân hàng thường sẽ là sóng cuối của một chu kỳ tăng giá, vì đa phần là dòng tiền đầu cơ, nên sau khi giá cổ phiếu tăng thì dòng tiền này sẽ nhanh chóng thoát ra để tìm đến các cổ phiếu chưa tăng, như vậy sẽ dễ thu hút sự tham gia của các nhà đầu tư.

Các nhà đầu tư dài hạn nên tranh thủ những nhịp giảm để mua vào

Nhưng có những ý kiến lo ngại về một làn sóng bán ròng mạnh của nhà đầu tư ngoại, vì tháng 8 nằm trong giai đoạn rút ròng của các quỹ ETF hàng năm, thưa ông?

Tùy vào kết quả huy động tiền từ nước chính quốc mà các quỹ ETF tại Việt Nam sẽ tăng mua hay bán ra. Việc này chỉ mang tính trùng hợp do thói quen của nhà đầu tư mua hoặc bán chứng chỉ ETF. Nhìn chung, họ sẽ quyết định dựa trên các biến động kinh tế, chính trị có liên quan đến nơi mà quỹ đang đầu tư hoặc theo trào lưu đầu tư tại chính quốc.

Hiện nay, các ETF đang có khuynh hướng mua ròng trên TTCK Việt Nam, vì hệ số PE chung của cả thị trường còn thấp so với khu vực. Mặt khác, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đánh giá Việt Nam là thị trường còn nhiều tiềm năng để phát triển.

Vậy trong bối cảnh hiện tại, ông có khuyến nghị thế nào cho nhà đầu tư?

Trong ngắn hạn, thị trường đang thiếu động lực để bước vào giai đoạn tăng trưởng. Sau vài phiên tăng điểm vừa qua, dòng tiền đầu cơ tăng nhiệt cùng với hoạt động mua đuổi giá vẫn cho thấy tiềm ẩn rủi ro cao. Ngoài ra, khối ngoại liên tục tăng cường chốt lời những phiên gần đây tạo nên áp lực nguồn cung khá lớn. Một phiên điều chỉnh tương đối sẽ giúp thị trường hạ nhiệt và tránh tình trạng tăng quá đà. Các chỉ số trong vài phiên sắp tới chịu áp lực điều chỉnh đáng kể do hoạt động chốt lời gia tăng, đặc biệt ở nhóm blue-chip có mức tăng đáng kể vừa qua. Vì vậy, nhà đầu tư sau khi chốt lời cần cẩn trọng quan sát. Việc trở lại vị thế mua chỉ nên cân nhắc sau khi thị trường trải qua các nhịp điều chỉnh tương đối.

Thị trường giảm là cơ hội cho nhà đầu tư mua vào những cổ phiếu tốt, tăng trưởng mạnh trong năm 2014. Nhà đầu tư muốn đầu tư cho trung và dài hạn thì nên cân nhắc mua khi thị trường có biến động giảm giá mạnh. Với nhà đầu tư theo trường phái lướt sóng thì nên tận dụng những nhịp tăng để bán ra, sau đó canh mua lại khi giá điều chỉnh. Lưu ý, không nên đặt kỳ vọng lợi nhuận cao cho mỗi lần lướt sóng, vì sẽ khó đạt được do thị trường đang dao động trong biên độ vừa. Tích cực mua bán cho mỗi chu kỳ để đạt từ 3% - 5% thì vài lần cũng đạt trên 10% lợi nhuận, và như vậy là kỳ vọng phù hợp cho giai đoạn hiện nay.

Phan Hằng

{fcomment}