Vì sao doanh nghiệp thờ ơ với chung cư cũ?

Gần 10 năm qua, đã có nhiều chủ trương kêu gọi đầu tư, nhiều chỉ đạo được đưa ra nhưng việc cải tạo chung cư cũ vẫn rất ì ạch

Người dân sống trong chung cư cũ sợ bị thiệt thòi khi di dời, còn doanh nghiệp sợ chôn vốn do việc bồi thường, giải phóng mặt bằng thường kéo dài nhiều năm. Những vướng mắc trên khiến chương trình cải tạo, xây mới chung cư cũ trên địa bàn TP.HCM cứ mãi loay hoay.

Doanh nghiệp sợ phá sản

“Tôi không tham gia dự án cải tạo, xây mới chung cư cũ vì rất nhiều rủi ro” - ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty Lê Thành thẳng thắn.

Ông Nghĩa giải thích khi đầu tư dự án cải tạo, xây mới chung cư cũ, doanh nghiệp ngại nhất là khâu bồi thường, giải phóng mặt bằng do phải trực tiếp gặp gỡ, thương lượng bồi thường với quá nhiều hộ dân. “Có doanh nghiệp đã bỏ hàng đống tiền bồi thường nhưng chỉ vì vài hộ không đồng thuận giá bồi thường nên dự án bị ách lại vô thời hạn. Ngâm vốn lâu như thế, doanh nghiệp phá sản như chơi” - ông Nghĩa nói.

Ngoài ra, khi tham gia các dự án xây mới chung cư, doanh nghiệp bị ràng buộc khá nhiều về quyền lợi, nghĩa vụ trong khi chính sách ưu đãi và hỗ trợ của Nhà nước chưa đủ hấp dẫn. “Với số tiền dự tính đầu tư vào những dự án như vậy, tôi thà chọn một khu đất ở ngoại thành để tự mình làm chủ, tự mình quyết toán lỗ lời còn hơn” - ông Nghĩa bày tỏ.

Lo ngại của lãnh đạo Công ty Lê Thành không phải không có cơ sở. Chẳng hạn như chung cư 727 Trần Hưng Đạo, được đánh giá là sắp sập đến nơi. Dù UBND quận 5 ban hành kế hoạch di dời từ năm 2008 nhưng đến nay công trình vẫn chưa hoàn tất giải phóng mặt bằng do vướng 10 hộ không đồng thuận về giá bồi thường.

Hay tại chung cư Cô Giang, quận 1, sau việc một ô văng bị sập làm hai người bị thương trong ngày 5-6, lãnh đạo TP phải họp khẩn và đồng ý cưỡng chế di dời cư dân tại lô D chung cư này. Thế nhưng quận 1 cho hay đang “phải chờ văn bản chính thức cho phép di dời khẩn cấp” để làm cơ sở thực hiện.

Được biết chung cư Cô Giang đã có chủ trương đầu tư dự án khu căn hộ và trung tâm thương mại từ năm 2006. Có 884 hộ dân phải di dời nhưng hiện vẫn còn hơn 150 hộ sinh sống. Riêng lô D với 188 căn hộ đã xuống cấp trầm trọng nhưng đến giờ vẫn còn 12 hộ chưa di dời.

Vì sao doanh nghiệp thờ ơ với chung cư cũ? - 1

Chung cư Ngô Gia Tự quận 10 xuống cấp hư hỏng chưa biết khi nào mới được đầu tư xây mới. Ảnh: M.HUỆ

Cần chính sách hợp lý

Ông Phạm Ngọc Lâm, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đức Khải, cho rằng các giải pháp, chính sách đầu tư dự án chung cư cũ áp dụng lâu nay chưa thực sự phù hợp nhu cầu của cư dân bị ảnh hưởng lẫn nhà đầu tư. Muốn thay đổi, phải có những giải pháp hợp lý cho cư dân lẫn phía nhà đầu tư. Đơn cử như dự án cụm chung cư Ngô Gia Tự, quận 10.

Ông Lâm cho hay cụm chung cư Ngô Gia Tự gồm 18 block, đến nay chỉ có một block là lô G đã bồi thường, giải phóng mặt bằng xong. Còn lại 17 block (với 2.152 hộ dân) thuộc diện có nguy cơ sụp đổ cao, cần phải tháo dỡ gấp vẫn chưa di dời dân được.

“Gần 10 năm qua, đã có nhiều chủ trương kêu gọi đầu tư, nhiều chỉ đạo được đưa ra nhưng vẫn chưa thực hiện được. Theo kế hoạch UBND quận 10 đang lập để trình TP phê duyệt, tôi e rằng nhiều năm nữa cũng chưa xong” - ông Lâm nhận xét.

Tại quận 10 còn có dự án khu C30 với diện tích gần 30 ha đã được TP phê duyệt tổng thể để mời gọi đầu tư. UBND quận 10 cũng đang thực hiện các thủ tục phê duyệt tiêu chí mời thầu để mời gọi đầu tư. “Khu đất tuy rộng nhưng phần đất do các đơn vị đang quản lý, sử dụng hiện hữu cũng khá lớn. Phần diện tích xây dựng mới để mời gọi đầu tư nhỏ, còn phải chừa một phần để xây nhà tái định cư, nhà ở xã hội nên hiệu quả đầu tư sẽ không cao. Theo kế hoạch hiện nay, tôi cho rằng phải mất 6-10 tháng nữa mới hoàn tất việc chọn nhà đầu tư” - ông Lâm nhận xét.

Để triển khai nhanh chóng, ông Lâm đề nghị cần phải gắn hai dự án trên thành một, giao cho một nhà đầu tư với những yêu cầu cụ thể. Nhà đầu tư phải tự bỏ vốn xây dựng khoảng 2.500 căn hộ để bảo đảm tạm cư cho toàn bộ cư dân tại 17 lô của chung cư Ngô Gia Tự. Quỹ nhà tạm cư sẽ được xây dựng tại lô G (do đã được giải phóng mặt bằng) và tại khu C30. Kế đến, công ty tiếp tục xây mới chung cư tại khu đất thuộc cụm chung cư cũ Ngô Gia Tự để bố trí lại cho 2.152 hộ.

“Sau khi hoàn tất việc bố trí tái định cư, phần nhà còn lại tại dự án cụm chung cư cũ và tại dự án C30 nhà đầu tư được kinh doanh để thu hồi vốn và có lợi nhuận” - ông Lâm kiến nghị.

Công ty Đức Khải cam kết nếu được giao thực hiện, trong vòng tối đa sáu năm sẽ hoàn tất những phần việc trên. Công ty này cũng đề xuất những giải pháp bồi thường, hỗ trợ, tạm cư và tái định cư cho các hộ dân tại cụm chung cư cũ Ngô Gia Tự để các cơ quan xem xét.

Đến nay, các kiến nghị của Công ty Đức Khải đã được lãnh đạo Thành ủy, UBND TP chỉ đạo Sở Xây dựng chủ trì xem xét.

Pháp Luật TP.HCM tổ chức tọa đàm “Giải pháp cải tạo chung cư cũ”

Bấy lâu nay, việc di dời - giải tỏa cư dân, xây mới chung cư gặp nhiều khó khăn do Nhà nước, chủ đầu tư, cư dân chưa tìm được tiếng nói chung trong việc bồi thường, bố trí tái định cư, vốn và cơ chế đầu tư.

Sốt ruột trước thực tế trên, mới đây Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng đã chỉ đạo các đơn vị liên quan phải khẩn trương có giải pháp tháo gỡ. Nhằm hiến kế cho TP, ngày 11-6, báoPháp Luật TP.HCMtổ chức buổi tọa đàm “Giải pháp cải tạo chung cư cũ” nhằm tìm hướng tháo gỡ những khó khăn đang “trói tay” cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp.

Thành phần khách mời là lãnh đạo các sở Xây dựng, Tư pháp, QH-KT, lãnh đạo một số quận, huyện, lãnh đạo Hiệp hội Bất động sản và hai doanh nghiệp bất động sản Đức Khải, Lê Thành.

Dân phải được bảo đảm quyền lợi

Điều kiện tiên quyết để dự án cải tạo, xây dựng chung cư cũ thành công là cư dân phải được bảo đảm quyền lợi một cách công bằng, thỏa đáng. Các giải pháp của Công ty Đức Khải gửi đến lãnh đạo TP không chỉ dành riêng cho cụm chung cư Ngô Gia Tự mà có thể áp dụng chung cho toàn TP. Các kiến nghị này xuất phát từ kinh nghiệm công ty có được từ ba dự án cải tạo chung cư cũ đã thành công.

ÔngPHẠM NGỌC LÂM,Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đức Khải

Nguồn 24h