Vụ xét xử cựu Tổng giám đốc LVS: Chưa thể tuyên án

Sáng 26/9, phiên tòa xét xử cựu Tổng giám đốc CTCK LVS đã quay lại phần xét hỏi thay vì tuyên án như dự kiến.

Vụ xét xử cựu Tổng giám đốc LVS: Chưa thể tuyên án

Như ĐTCK đã đưa tin, chiều 25/9, Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã đưa ra xét xử Hoàng Xuân Quyến (SN 1963, trú tại số 19, ngách 23/13 Nguyên Hồng, Đống Đa, Hà Nội), nguyên Tổng giám đốc LVS bị truy tố về tội Lạm quyền trong khi thi hành công vụ.

Bị can Hoàng Xuân Quyến bị LVS tố cáo đã có hành vi lạm quyền, ký các hợp đồng repo cổ phiếu OTC với tổng giá trị (cả gốc và lãi) là hơn 38 tỷ đồng gây thiệt hại cho LVS.

Kết quả điều tra xác định, tháng 6/2010, Hoàng Xuân Quyến được HĐQT LVS bổ nhiệm làm Tổng giám đốc. Theo quy định tại Điều lệ Công ty và văn bản ủy quyền của Chủ tịch HĐQT Trịnh Thanh Hải thì ông Quyến chỉ được ký hợp đồng REPO cổ phiếu/ trái phiếu chuyển đổi của Ngân hàng LV với hạn mức đến 10 tỷ đồng. Với các giao dịch trên 10 tỷ đồng, phải báo cáo Chủ tịch HĐQT trước khi thực hiện .

Sau này, khi ông Huỳnh Ngọc Huy thay thế ông Hải giữ chức Chủ tịch HĐQT, ông Huy đã có văn bản ủy quyền cho Quyến được ký các hợp đồng theo hạn mức được phân cấp và các hợp đồng được ĐHCĐ, HĐQT phê duyệt.

Vào đầu năm 2011, Hoàng Xuân Quyến ký các hợp đồng REPO 3 triệu cổ phiếu của CTCP Kỹ thuật xây dựng và vật liệu xây dựng (Cotec Group) với giá 10.000 - 12.500 đồng/CP, lãi suất 19 - 20%/năm với tổng giá trị (cả gốc và lãi) hơn 38 tỷ đồng.

Khi hợp đồng đáo hạn, giá cổ phiếu giảm mạnh, các khách hàng không có khả năng trả tiền cho LVS nên đã bỏ lại toàn bộ 3 triệu cổ phiếu Cotec dẫn đến thiệt hại cho Công ty.

Được biết, vào tháng 1/2014 vừa qua, LVS đã tổ chức bán đấu giá 3 triệu CP này nhưng qua 5 phiên đấu giá đều không có ai mua. Số CP này vẫn chưa niêm yết nên cũng không thể thực hiện giám định để định giá.

Đến tháng 3/2014, LVS đã có văn bản xác định giá 1 CP Cotec là 5.000 đồng (căn cứ vào mức giá mà Cotec đề nghị mua lại) và cam kết chịu hoàn toàn trách nhiệm về đề xuất mức giá trên, không thắc mắc khiếu kiện gì sau này.

Do đó, cơ quan công tố xác định 3 triệu CP Cotec mà LVS đang nắm giữ trị giá 15 tỷ đồng và xác định khoản thiệt hại mà Hoàng Xuân Quyến gây ra cho LVS là 23 tỷ đồng.

Tại phiên tòa sơ thẩm, bào chữa cho bị cáo Hoàng Xuân Quyến, Luật sư Vũ Đình Luân, Giám đốc Công ty Luật TNHH Thành Luân cho rằng, chưa đủ căn cứ để truy tố Hoàng Xuân Quyến phạm tội Lạm quyền trong khi thi hành công vụ.

Luật sư Luân cho rằng, với vị trí Tổng giám đốc, Hoàng Xuân Quyến có quyền điều hành mọi hoạt động hàng ngày, ký hợp đồng nhân dân công ty trừ trường hợp thuộc thẩm quyền của HĐQT.

Về việc Hoàng Xuân Quyến có lạm quyền hay không phải căn cứ vào giấy ủy quyền. Tại thời điểm xảy ra vụ án, ủy quyền của ông Trịnh Thanh Hải (có hạn mức repo cổ phiếu của LVS) đã không còn hiệu lực, bởi ông Hải đã bị miễn nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT.

Chủ tịch mới là ông Trịnh Ngọc Huy đã ký giấy ủy quyền cho Quyến ký các hợp đồng trong hạn mức được phân cấp và các hợp đồng đã được HĐCĐ/HĐQT phê duyệt. Ủy quyền này chỉ ghi chung chung không chỉ rõ phạm vi các hợp đồng được ký kết cũng như hạn mức được quy định trong văn bản nào.

Về 3 hợp đồng repo cổ phiếu Cotec, Luật sư Vũ Đình Luân đã viện dẫn các tài liệu cho thấy các hợp đồng này đều được thể hiện trong hệ thống sổ sách kế toán, các báo cáo định kỳ, báo cáo giao ban, báo cáo tài chính… Việc ký hợp đồng là công khai, không có tư lợi cá nhân.

Ngoài ra, Luật sư Luân cũng cho rằng, không thể quy kết Hoàng Xuân Quyến phạm tội lạm quyền vì không có động cơ vụ lợi, cá nhân gây ra thiệt hại.

Tại thời điểm ký hợp đồng, cổ phiếu Cotec đang giao dịch sôi động trên thị trường OTC, thanh khoản cao, thời gian repo ngắn, lợi nhuận dự kiến đạt 20 - 30%. Khi đó, LVS đang ứ động vốn vì tiền đã chuyển về để giải ngân cho cổ phiếu HQC nhưng không hết nên đọng vốn. Việc ký hợp đồng của Hoàng Xuân Quyến là vô tư, khách quan.

Riêng về hậu quả, Luật sư Luân cho rằng căn cứ vào công văn của LVS để xác định giá 1 cổ phiếu Cotec là 5.000 đồng là không thỏa đáng. Việc xác định thiệt hại thực tế phải đánh giá tại thời điểm ký hợp đồng mà không thể lấy giá cổ phiếu tại thời điểm 12/3/2014 khi thị trường chứng khoán đang đi xuống.

Giá cổ phiếu Cotec cũng như nhiều cổ phiếu khác sụt giảm có nguyên nhân khách quan là do chính sách tài chính, do biến động thị trường mà không phải chủ quan cá nhân.

Từ đó, Luật sư Vũ Thành Luân đề nghị HĐXX trả hồ sơ điều tra bổ sung làm rõ các vấn đề trên.

Sáng 26/9, thay vì tuyên án, HĐXX đã quay lại phần xét hỏi để làm rõ thêm về vốn góp Nhà nước tại LVS, vấn đề định giá cổ phiếu, vấn đề nguồn vốn để repo, gốc và lãi vay ngân hàng...

Sau khi nghị án, HĐXX đã có quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung một số vấn đề như trưng cầu định giá cổ phiếu Cotec theo quy định của Luật giá, thu thập sao kê ngân hàng thanh toán khoản gốc, lãi, chi trả tiền… để làm rõ lời khai của nguyên đơn dân sự cho rằng 3 hợp đồng repo bằng nguồn vốn vay ngân hàng. HĐXX cũng yêu cầu làm rõ vấn đề chuyển tiền thanh toán hợp đồng repo.

Hoàng Duy

{fcomment}