Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, sau khi giá thịt lợn xuất chuồng chạm đáy, giảm còn 25.000-28.000 đồng/kg hồi tháng 4-5 năm nay, thì sang tháng 6 giá lợn quay đầu hồi phục. Đến thời điểm đầu tháng 10, giá thịt lợn hơi bất ngờ lên cơn sốt chưa từng có.
Tại các địa phương, giá thịt lợn hơi tăng từng ngày. Từ mức giá 42.000 đồng/kg hồi tháng 9, sang đến tháng 10 giá đã vọt tăng lên 57.000 đồng/kg, tháng 11 lên 69.000 đồng/kg. Và những ngày cuối tháng 12 này, giá thịt lợn tăng cao nhất trong lịch sử, lên mức 92.000-95.000 đồng/kg, cá biệt một số địa phương giá đã lên mức 98.000 đồng/kg. Tức, giá đã tăng gấp khoảng 2 lần so với hồi tháng 9.
Với mức giá này, người nông dân thừa nhận, dù giá thành sản xuất đã tăng cao hơn trước rất nhiều, song họ vẫn thu lãi vài triệu đồng/kg. Một số người còn ví, những hộ may mắn giữ được lợn dịp này thì như trúng được vàng.
Bà Hoàng Thị Thái ở xã Ngọc Châu (Tân Yên, Bắc Giang) khoe, bà vừa xuất chuồng 50 tấn lợn với giá 91.000-92.000 đồng/kg, doanh thu ước khoảng được 4,6 tỷ đồng.
Theo bà Thái, đợt này lợn xuất chuồng có trọng lượng khá lớn, trung bình mỗi con có trọng lượng 130-140kg; có con lợn trọng lượng lên đến gần 2 tạ, bà thu về gần 18 triệu đồng con này sau khi bán, tính ra bằng gần nửa cây vàng.
Song, bà cũng cho biết, những con trọng lượng khủng như trên là những con cá biệt, hiện trong chuồng vẫn có con nặng 1,6-1,7 tạ/con, nhưng trung bình các con khác chỉ 1,2-1,3 tạ/con.
“Nếu như con nào cũng có trọng lượng như con này thì rất vui. Nhưng thương lái chỉ thích lợn tầm 130kg/con để sản phẩm thịt có hiệu quả, chất lượng tốt nhất”. Bà Thái nói và tiết lộ, khoảng 1 hay 2 ngày tới bà sẽ xuất chuồng thêm 400 con lợn, tổng trọng lượng dự kiến cũng đạt 50 tấn. Còn nếu tính sản lượng để bán từ nay đến Tết Nguyên đán, bà sẽ cho xuất chuồng khoảng trên 2.000 con heo thịt, tương đương khoảng 300 tấn lợn hơi.
Dù dịp được giá, người nuôi thắng lớn, nhưng theo bà Thái, khoản lãi bây giờ thu được vẫn không thể bù được khoản lỗ hồi giữa năm khi giá lợn chạm đáy.
Bà tâm sự, trước đây trang trại của bà ở xã Ngọc Châu có 1.200 con lợn nái sinh sản, 12.000 con lợn thịt. Ngoài ra, bà còn một trang trại nữa ở xã Ngọc Vân với quy mô 600 con nái và 2.500 con lợn thịt. Tuy nhiên, trong suốt 3 năm qua, với tình trạng bão dịch, bão giá, áp lực vì tài chính, dịch bệnh bà đã giảm đàn. Đến thời điểm hiện tại, quy mô đàn lợn ở cả hai trại còn gần 1.000 con lợn nái, 8.000 con lợn thịt và 1.800 con lợn con đang theo mẹ.
Đề cập đến câu chuyện giá thịt lợn tăng phi mã thời gian gần đây, bà Thái chia sẻ, người chăn nuôi thật sự rất muốn giá ổn định, lợi nhuận đảm bảo vừa đủ, vừa đúng thực chất cho người chăn nuôi. Bởi, mỗi người chăn nuôi khi đầu tư chuồng trại như thế này, ai cũng muốn chăn nuôi lâu dài, mà lâu dài phải ổn định.
Nếu giá lợn lên cao quá sẽ có nhiều người ham hố lại đầu tư vào, khi đó hệ lụy sẽ ác liệt hơn, thậm chí có thể hơn cả năm 2017.
Từ năm 2017 đến nay, đã 3 năm liền người nuôi lợn rơi quá nhiều nước mắt. Để có cơ hội đứng lên như bà sẽ không còn nhiều. Có nhiều người rất đau thương, họ không có tiền trả nợ.
“Người chăn nuôi như chúng tôi kỳ vọng giá cao một chút để sớm lấy lại những gì đã mấy trong mấy năm qua”. Bà Thái cho biết, đỉnh điểm năm nay giá lợn chạm đáy, bà phải vay nợ ngân hàng đến 50 tỷ đồng.
Trước đó, một chủ trang trại chăn nuôi lợn quy mô 4.000 con ở Khoái Châu (Hưng Yên) cũng tâm sự, dù giá cao, một con lợn lãi cả chỉ vàng. Thế nhưng, mức giá lợn phải cao và kéo dài như thế này một thời gian nữa thì người nuôi mới có cơ hội gỡ gạc lại những gì đã mất trước đó.
Như nhà ông, hòi giá lợn xuống đáy, ông xuất chuồng tới hơn 1.000 con lợn với giá chỉ trên 20.000 đồng/kg. Lúc đó ông chịu lỗ rất nhiều. Chưa kể, đàn nái cũng phải thải loại bớt vì để nhiều, lợn con sinh ra gia đình ông không đủ nguồn lực để nuôi.
“Dịp này tôi mới bán được khoảng 400 con giá lợn 63.000 đồng/kg, khoảng 200 con giá lợn 80.000 đồng/kg. Sắp tới nếu giá lợn hơi vẫn giữ ở mức trên 90.000 đồng/kg thì ông xuất chuồng được khoảng 200 con nữa vào dịp cận Tết nguyên đán”, ông chia sẻ.