Bất động sản hồi phục, DN vật liệu vẫn chưa hết “ăn đong”

 Bộ Xây dựng cho biết, trong quý I/2015, thị trường nhà ở Hà Nội có 4.250 giao dịch thành công và TP. HCM là 3.950 giao dịch, gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2014, trong khi đó, nhóm ngành vật liệu xây dựng chỉ tăng 7%.

Bất động sản hồi phục, DN vật liệu vẫn chưa hết “ăn đong”

Ông Lê Văn Tới, Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, thị trường vật liệu xây dựng đã có sự phục hồi nhờ sự ấm lên của thị trường bất động sản và xây dựng. Tuy nhiên, mức tăng năm nay sẽ không cao như năm 2014. Tiêu thụ vật liệu xây dựng khả năng không có biến động lớn trong năm 2015.

Về ngành thép, sự ấm lên của thị trường bất động sản cũng giúp lượng tiêu thụ thép tăng lần đầu tiên sau nhiều tháng. Tiêu thụ toàn ngành tại thị trường trong nước quý I đạt 2,5 triệu tấn, trong đó thép xây dựng tiêu thụ 1,29 triệu tấn, tăng hơn 10% so với cùng kỳ.

Ông Đỗ Duy Thái, Chủ tịch HĐQT Công ty Thép Việt cho biết, tiêu thụ thép Pomina tăng 10% so với cùng kỳ, giá bán ổn định. Sở dĩ thép Pomina tiêu thụ tăng là do thị trường bất động sản đang ấm dần, nhiều dự án lớn được khởi động. Pomina thuộc phân khúc chất lượng cao trên thị trường, phục vụ cầu đường, thủy điện, nhà cao tầng, nên lượng bán tăng. Hiện Pomina đang có mặt tại các công trình như Đại Quang Minh, các dự án tại Phú Mỹ Hưng, dự án của Becamex, hay các nhà thầu Cofico, Hòa Bình...

Hơn nữa, Pomina còn có lợi thế khi tổng công suất thiết kế là 1,5 triệu tấn/năm, chiếm 1/2 công suất tại phía Nam. Lợi thế này giúp Pomina phục vụ được tất cả các đơn hàng và nhanh chóng đáp ứng yêu cầu của khách hàng.

Tuy nhiên, bức tranh không toàn màu sáng đối với các doanh nghiệp thép. Hiện các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước vẫn đang bị cạnh tranh khốc liệt bởi thép nhập khẩu. Theo tính toán của Hiệp hội Thép Việt Nam, năm 2015, tiêu thụ thép dự kiến đạt gần 6 triệu tấn, tăng 4 - 5% so với năm ngoái. Dù vậy, mức tăng chủ yếu là do xuất khẩu các mặt hàng như tôn mạ kẽm, mạ màu, thép ống các loại. Trong khi công suất thép xây dựng lên tới 11 triệu tấn, gần gấp đôi nhu cầu trong nước. Không chỉ có vậy, theo Hiệp định Thương mại tự do ASEAN, giai đoạn 2015 - 2018 thuế suất thuế nhập khẩu của một số sản phẩm thép, hợp kim, quặng sắt... giảm xuống 0% khiến các nhà sản xuất khó chồng khó.

Tại nhiều nhà máy thép, dù tiêu thụ tăng, nhưng giá bán vẫn giữ mức ổn định, vì nếu tăng, doanh nghiệp sợ mất khách. Lượng thép tồn kho ở mức độ đủ duy trì sản xuất không phải do tiêu thụ tăng, mà các nhà sản xuất đã chủ động điều chỉnh sản xuất ngay từ đầu để không lặp lại kịch bản tồn kho lớn như những năm trước. Nhận định về triển vọng thị trường năm 2015, các CEO ngành thép không mấy lạc quan, bởi toàn ngành vẫn chưa thoát ra khỏi “cuộc chiến” không cân sức với thép ngoại.

Trong khi tiêu thụ thép tăng, thì tiêu thụ xi măng lại giảm so với cùng kỳ. Tuy nhiên, trái ngược với các doanh nghiệp thép, các nhà sản xuất xi măng lại không mấy lo ngại, vì quý I năm nay có kỳ nghỉ Tết kéo dài, nên theo họ, tiêu thụ sụt giảm là điều dễ hiểu.

Mặc dù lượng tiêu thụ chung của toàn ngành sụt giảm, nhưng vẫn có những đơn vị có sự tăng trưởng trong quý vừa qua. Đơn cử, tại phía Nam, Xi măng FICO tiêu thụ tăng 1,19% so với cùng kỳ, tại phía Bắc, thậm chí Xi măng Vinacomin còn có lượng tiêu thụ tăng tới 10% so với cùng kỳ.

Ông Hoàng Cảnh Nguyễn, Tổng giám đốc Xi măng FICO cho biết, theo kế hoạch, tiêu thụ của FICO năm nay tăng 5% so với thực hiện năm 2014.

“Quý II, không có lý do gì để tiêu thụ của FICO không tăng từ 5 - 8%, vì đây là mùa xây dựng. Thị trường chủ yếu của Công ty tập trung trong khối dân sinh, nên sức mua không chịu tác động nhiều của thị trường bất động sản, dù FICO vẫn tiêu thụ tốt ở phân khúc công trình lớn”, ông Nguyễn tự tin.

Trong khi đó, lý giải về nguyên nhân lượng tiêu thụ tăng mạnh trong quý I, ông Bùi Trần Đông, Tổng giám đốc Tổng công ty Công nghiệp Mỏ Việt Bắc (đại diện thương hiệu Vinacomin) cho biết, xi măng của Vinacomin cung cấp cho dự án của Samsung tại Thái Nguyên, nên việc bán hàng rất thuận lợi.

Như vậy, vật liệu xây dựng không chỉ “ăn theo” bất động sản, mà sự góp mặt của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn tại Việt Nam cũng tạo điều kiện tiêu thụ vật liệu. Tuy nhiên, sự có mặt của các dự án lớn không thể trở thành cứu cánh cho toàn ngành, mà chỉ một số nhà sản xuất có được lợi thế. Vì vậy, dù thị trường bất động sản hồi phục và sự khởi động của nhiều dự án lớn, nhưng doanh nghiệp vật liệu vẫn chưa thoát khỏi cảnh “ăn đong”.

Nguồn Tin nhanh chứng khoán