Bất động sản Việt Nam trong mắt nhà đầu tư ngoại

Cuối tuần qua, Công ty Cushman & Wakefield đã có buổi tọa đàm đánh giá về những thách thức và cơ hội của thị trường bất động sản Việt Nam.

 

Bất động sản Việt Nam trong mắt nhà đầu tư ngoại

 

Đang có những quan điểm trái chiều về thực trạng của thị trường bất động sản Việt Nam. Có quan điểm cho rằng, thị trường đã chạm đáy và đang bắt đầu mở ra nhiều cơ hội mới, song cũng có người cho rằng, thị trường vẫn còn nhiều khó khăn và tiếp tục đóng băng. Vậy trong mắt nhà đầu tư nước ngoài, thực trạng thị trường bất động sản Việt Nam hiện nay như thế nào?

Nhiều chất xúc tác mới cho thị trường

Cuối tuần qua, Công ty Cushman & Wakefield đã có buổi tọa đàm đánh giá về những thách thức và cơ hội của thị trường bất động sản Việt Nam.

Bà Sigrid Zialcita, Giám đốc điều hành Bộ phận Nghiên cứu Thị trường Cushman & Wakefield châu Á - Thái Bình Dương cho biết, sau nhiều năm gặp khó khăn, nhìn vào diễn biến của thị trường bất động sản Việt Nam hiện nay cho thấy, có nhiều lý do để lạc quan. Theo bà Sigrid Zialcita, sự phát triển của bất động sản phục thuộc nhiều vào nền kinh tế. Trong khi đó, nền kinh tế Việt Nam hiện đang trên đà tăng trưởng nhanh, nên sẽ kéo theo sự phát triển của thị trường bất động sản.

“Không thể phủ nhận, ở Việt Nam, giá nhà cao hơn rất đáng kể so với thu nhập bình quân đầu người. Tuy nhiên, hiện đang có những thay đổi đáng kinh ngạc. Cách đây 5 năm, chúng tôi đã làm một nghiên cứu tập trung vào ‘nhóm chi tiêu chính’. Đó là nhóm tập trung vào các gia đình trung lưu. Và một phát hiện đáng ngạc nhiên là số hộ gia đình tầng lớp trung lưu tại Việt Nam đã tăng gấp đôi trong 5 năm qua. Đây chính là một chất xúc tác mạnh mẽ giúp doanh số bán nhà tăng lên”, bà Sigrid Zialcita nhấn mạnh.

Còn theo ông Timothy Horton, Giám đốc điều hành Cushman & Wakefield Việt Nam, hiện Việt Nam đón nhận được khá nhiều sự quan tâm từ các nhà đầu tư nước ngoài và thực tế, lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giải ngân luôn giữ ở mức ổn định trong vòng 5 năm qua.

“Thực tế cho thấy, qua các chu kỳ chuyển động của thị trường, giá đất đóng vai trò vô cùng lớn trong việc quyết định có nên bơm vốn đầu tư hay không của nhà đầu tư. Hiện các chủ đầu tư đã thực tế hơn trong việc điều chỉnh giá cả và nhờ đó, thị trường đã chứng kiến một số thương vụ M&A lớn, nhất là ở phân khúc văn phòng và khách sạn”, ông Timothy Horton nói và biết, trong vòng 3 năm qua, thị trường bước đầu điều chỉnh trở lại giá trị thực và trong những năm tới, cơ hội sẽ nhiều hơn cho các nhà đầu tư, một khi giá đất được điều chỉnh phù hợp với thực tế.

Thị trường vào chu kỳ mới

Theo ông Neil MacGregor, Giám đốc điều hành Savills Việt Nam, thị trường bất động sản Việt Nam đang ở giai đoạn hấp dẫn sau khi vừa “chạm đáy” và có những dấu hiệu phục hồi đáng khích lệ.

“Trong khi Việt Nam đang ở điểm đáy của chu kỳ bất động sản, nhiều thị trường khác ở châu Á lại nằm ở đỉnh của chu kỳ và có thể giảm trong vài năm tới. Do đó, Việt Nam đang thu hút các nhà đầu tư muốn tận dụng sự hồi phục của thị trường, khi những thị trường khác bắt đầu nguội dần”, ông Neil MacGregor nhận định và phân tích, phân khúc mà các nhà đầu tư ngoại đang “ngắm” hiện nay là văn phòng, khách sạn và nhà ở.

Ở thị trường TP. HCM, phân khúc văn phòng cho thuê dường như đã “chạm đáy” và giá thuê bắt đầu tăng. Vì thế, nhà đầu tư tập trung vào các tòa nhà văn phòng đang hoạt động với dòng tiền ổn định. Ở phân khúc khách sạn, lượng du khách cả trong và ngoài nước tăng rất nhanh trong những năm gần đây, là cơ sở cho việc đầu tư vào khách sạn trong trung tâm các thành phố lớn, hay khu nghỉ dưỡng ở các thành phố biển. Còn ở phân khúc nhà ở, những dự án phát triển khu căn hộ thuộc phân khúc “hẹp” phục vụ một số đối tượng khách hàng đặc biệt, bất động sản gắn liền với đất, hay các dự án phát triển khu đô thị mới là những mảng đầu tư tiềm năng đang thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư.

Với ông Marc Townsend, Giám đốc điều hành Công ty CBRE Việt Nam, thị trường bất động sản Việt Nam đang chuyển động và dần ấm lên vài năm trở lại đây. Đồng thời, xu hướng đầu tư của khối ngoại, nổi bật là các nhà đầu tư châu Á từ Malaysia, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore đã và đang đổ vốn vào thị trường Việt Nam. Đây được xem là một tín hiệu tích cực, giúp nâng cao chất lượng sản phẩm trên thị trường.

Theo Tăng Triển
Báo Đầu tư Bất động sản

{fcomment}