Tại buổi làm việc giữa Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình với lãnh đạo TP.HCM và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An về công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19, chiều 12-6, ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, nhận định những ngày đầu dịch bùng phát mạnh, tuy nhiên sau hơn 10 ngày thực hiện giãn cách xã hội, những ca mới được phát hiện chủ yếu là trong khu cách ly hoặc trong khu phong tỏa. Dựa vào thời gian ủ bệnh 14-21 ngày, dự đoán trong 10 ngày tới có thể tiếp tục phát hiện thêm các ca bệnh mới, rải rác từ những ổ dịch đã được kiểm soát.
Thế nhưng, ổ dịch mới tại Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới phát hiện có đến 53 ca nhiễm. Ổ dịch tại chung cư Ehome 3 (quận Bình Tân) phát sinh nhiều ca nhiễm khiến toàn bộ 14 block chung cư này bị phong tỏa để lấy mẫu xét nghiệm cho 7.600 cư dân tại chung cư.
TP.HCM liệu đã kiểm soát được tình hình?
Tăng đột biến ca nhiễm
Theo Sở Y tế TP.HCM, sau 12 ngày áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, phần lớn số ca bệnh mới phát hiện chủ yếu trong khu cách ly hoặc khu phong tỏa. Các chuỗi lây nhiễm liên quan đến ổ dịch nhóm truyền giáo Phục hưng đã được kiểm soát.
Tuy nhiên, đến sáng 13-6, BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM hoàn thành xét nghiệm khẳng định cho 887 nhân viên, phát hiện 53 trường hợp dương tính. 53 trường hợp dương tính này tập trung tại các phòng, ban khối hậu cần của BV như toàn bộ nhân viên phòng công nghệ thông tin, phòng chỉ đạo tuyến, phòng hành chính quản trị và nhân viên các phòng chức năng khác như kế hoạch tổng hợp, tổ chức cán bộ, dược.
53 nhân viên dương tính hiện đang được cách ly điều trị tại Khoa nhiễm A và D. Đặc biệt ghi nhận 52/53 nhân viên hoàn toàn không có triệu chứng và các nhân viên này đều được tiêm vaccine ngừa COVID-19 đầy đủ hai liều.
Trong những ngày gần đây, số ca nhiễm tại TP.HCM không ngừng tăng lên. Ngày 10-6 ghi nhận 61 ca, ngày 11-6 48 ca, ngày 12-6 84 ca và ngày 13-6 kỷ lục với 95 ca nhiễm mới.
Điều đáng nói, TP.HCM đối diện với khá nhiều ca F0 “lang thang” chưa rõ lây nhiễm từ đâu. Đây chính là mối nguy tiềm ẩn vì có thể sẵn sàng bùng lên chuỗi lây nhiễm mới bất cứ lúc nào.
Các ca nhiễm chưa rõ nguồn lây với đặc điểm chung được phát hiện qua xét nghiệm diện rộng hoặc vào BV khám sàng lọc khi có triệu chứng.
Ngày 13-6, quận Bình Tân đã thực hiện phong tỏa toàn bộ 14 block chung cư Ehome 3, thực hiện xét nghiệm mở rộng thêm 7.400 cư dân tại đây khi ổ dịch này phát sinh nhiều ca nhiễm.
Đối phó căng thẳng
Trong ngày 12-6, trước việc BV Bệnh nhiệt đới chuẩn bị chuyển đổi công năng thành BV chuyên điều trị bệnh nhân COVID-19 phát hiện có ca mắc COVID-19 và đang tạm phong tỏa, Sở Y tế đã yêu cầu BV điều trị COVID-19 Củ Chi chính thức đi vào hoạt động. Đơn vị điều trị COVID-19 của BV Phạm Ngọc Thạch cũng đi vào hoạt động vào ngày 13-6 để “chia lửa” cho BV Bệnh nhiệt đới.
Các kíp trực của BV điều trị COVID-19 Củ Chi quy mô 500 giường thực hiện tiếp nhận bệnh nhân COVID-19 với sự hỗ trợ chuyên môn trực tuyến từ các bác sĩ chuyên khoa nhiễm của BV Bệnh nhiệt đới. Cạnh đó còn có sự hỗ trợ luân phiên các bác sĩ, điều dưỡng chuyên khoa hồi sức, cấp cứu từ BV Nhân dân Gia Định và các BV theo sự phân công của Sở Y tế.
Hai BV được Sở Y tế giao nhiệm vụ chuyên trách tiếp nhận bệnh nhân COVID-19 này sẽ đảm trách tiếp nhận cả trường hợp dương tính nhẹ và nặng theo đúng phương châm bốn tại chỗ của Bộ Y tế giao.
Xét nghiệm phát hiện là yêu cầu khẩn thiết
Theo nhiều chuyên gia, việc bùng phát đợt dịch lần này đang thách thức mục tiêu của TP: Vừa phát triển kinh tế, vừa phòng chống dịch. Nhiều biện pháp đã được đưa ra để khống chế số ca nhiễm không ngừng tăng mỗi ngày. Tuy nhiên, TP có thể phải tính toán đến phương án điều chỉnh phương pháp và mục tiêu của kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, thi THPT quốc gia.
BS Cao Xuân Minh, Giám đốc Phòng khám đa khoa Ngọc Minh, cho rằng khi các ổ F0 không rõ dịch tễ ngày càng nhiều lên, các ca mắc trong cộng đồng hôm nay nhiều hơn hôm qua, ngày qua ngày không xa, thời điểm quá tải y tế sẽ đến.
Chuỗi của một F0 hình thành to hay nhỏ tùy thuộc quan hệ, công việc, giao tiếp, tính tuân thủ của chính ca F0 đó, tính tuân thủ 5K chống dịch của người dân... và thời gian phát hiện sớm của chuỗi lây nhiễm đó. Do đó, xét nghiệm phát hiện là yêu cầu mang tính khẩn thiết, mọi nơi, mọi lúc để phát hiện, giới hạn hay chấm dứt một chuỗi lây nhiễm nào đó. Xét nghiệm càng dễ thực hiện, an toàn hiệu quả chống dịch càng cao.
“Sự tuân thủ tốt của từng cá nhân trong cộng đồng sẽ giúp tốc độ lây lan của dịch trong cộng đồng chậm lại, có thể trong sự chịu đựng của y tế để giảm thiểu tử vong. Khi quá tải y tế xảy ra, nó như chuỗi domino bị sụp đổ, khi mà mọi thứ đều trở nên thiếu thốn, có tiền cũng không làm được gì. Chết chóc do không được chăm sóc, điều trị tới nơi, thiếu trang thiết bị là nguy cơ.
Bạn phải biết sợ để chung tay gìn giữ, mọi thứ đều có giới hạn của nó.
5K của Bộ Y tế, bung rộng cửa sổ nhà bạn thông thoáng, ánh nắng tràn ngập, máy lạnh tắt đi, ở tại nhà mình, giao tiếp càng nhiều nguy cơ càng lớn...” - BS Minh cảnh báo.
Giải pháp cho F1 khi số ca F0 không ngừng tăng
Thời gian qua, TP.HCM cùng nhiều địa phương trong cả nước phát hiện nhiều trường hợp mắc COVID-19, cùng với đó số lượng F1, F2 cần cách ly tập trung và cách ly tại nhà gia tăng chóng mặt.
Nhiều nhân viên y tế ở các cơ sở y tế và sinh viên các trường đại học y đã được điều động lấy mẫu xét nghiệm và tăng cường quản lý, chăm sóc người ở các khu cách ly. Các khu cách ly hiện tại của TP đang có dấu hiệu quá tải và TP đang cố gắng mở rộng khu cách ly ở các quận, huyện.
Mặc dù việc cách ly tập trung F1, F2 chỉ mới thực hiện thí điểm ở hai tỉnh đang có nhiều ca F1 chuyển thành F0 nhưng theo các chuyên gia, đây là giải pháp cần bàn đến trong thời gian sắp tới khi dịch bệnh diễn biến phức tạp ở TP.HCM.
BS Lê Quốc Hùng, Trưởng Khoa bệnh nhiệt đới BV Chợ Rẫy, cho rằng cách ly tập trung F1 là biện pháp hiệu quả, phòng ngừa F1 trở thành F0 và lây bệnh cho nhiều người. Nhưng trong điều kiện cách ly tập trung quá tải, việc áp dụng cách ly tại nhà F1 được tính đến là hợp lý.
Theo BS Hùng, tất cả biện pháp quản lý F1 tại nhà trước hết phải có sự đồng thuận, ủng hộ của người dân và thứ hai là tự giác thực hiện thì mới hiệu quả. Tuy nhiên, theo BS Hùng, việc quản lý F1 tại nhà sẽ rất khó khăn, không phải ai cũng có ý thức tuân thủ cao. BS Hùng dẫn chứng có một số nước ở châu Á như Hàn Quốc áp dụng một phần mềm (app) trên điện thoại để định vị, theo dõi người cách ly. Theo BS Hùng, áp dụng bất cứ biện pháp nào cũng cần sự hợp tác của cộng đồng, không thì sẽ phản tác dụng.
BS Trương Hữu Khanh, chuyên gia dịch tễ học BV Nhi đồng 1 (TP.HCM), cũng tán đồng việc cách ly tại nhà F1 khi khu cách ly tập trung quá tải, không đảm bảo giãn cách và thường xảy ra việc tiếp xúc do người cách ly không tuân thủ tốt.
BS Khanh cho rằng cần phân loại các đối tượng có nguy cơ cao trở thành F0 để từ đó chia ra nguy cơ cao hay thấp, nếu tiếp xúc trực tiếp không có biện pháp bảo vệ thì nên cho cách ly tập trung. Còn F1 có biện pháp bảo vệ, tiếp xúc ngắn thì đảm bảo cách ly tại nhà đúng thời gian, không được “ăn gian” ngày. Cần có biện pháp chế tài mạnh đối với những F1 cách ly tại nhà, thậm chí là truy tố ra pháp luật.
Để biện pháp cách ly tại nhà phát huy hiệu quả thì cần có sự tham gia của hàng xóm, gia đình. “Hiện nay, các nơi treo bảng “Gia đình có người cách ly y tế” rất là hay, việc này rất có lợi, không hề kỳ thị mà còn kêu gọi sự tham gia để ý của người dân” - BS Khanh nêu.