Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết sẽ tổng hợp kiến nghị, báo cáo Thủ tướng Chính phủ nhằm tháo gỡ vướng mắc trong quản lý chi phí đầu tư xây dựng trong bối cảnh giá đầu vào các nguyên vật liệu tăng cao.
Nhà thầu thi công dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông. (Ảnh: Huy Hùng/Vietnam+)
Trước thực trạng chuỗi sản xuất, cung ứng vật liệu liên tục bị đứt gãy; giá cả các mặt hàng năng lượng, vật tư, nguyên liệu sản xuất tăng đột biến và liên tục biến động gây cản trở tới hoạt động xây dựng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho rằng việc tháo gỡ khó khăn, tập trung các nguồn lực đầu tư cho phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật của đất nước để tái phục hồi và thúc đẩy nền kinh tế là yêu cầu cấp thiết.
Nhận diện bất cập từ thực tiễn
Tại hội nghị toàn quốc “trao đổi các khó khăn, vướng mắc trong quản lý chi phí đầu tư xây dựng, hợp đồng xây dựng đối với các dự án sử dựng vốn đầu tư công, vốn Nhà nước ngoài đầu tư công và các giải pháp khắc phục,” diễn ra chiều 28/3, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết thời gian gần đây giá các mặt hàng năng lượng, vật tư, nguyên liệu sản xuất có xu hướng tăng đột biến và liên tục biến động.
Trong khi đó, yêu cầu hình thành các dự án đầu tư công hoặc hợp tác công tư trên thực tế rất lớn, quản lý phức tạp như dự án cao tốc Bắc-Nam khu vực phía Đông giai đoạn 2021-2025. Do vậy, hệ thống quy định về định mức, giá xây dựng, suất vốn đầu tư và quản lý hợp đồng xây dựng xuất hiện những bất cập không theo kịp.
Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, trong bối cảnh giá nguyên vật liệu xây dựng biến động theo hướng tăng, khó dự báo, tại một số nơi phương pháp vẫn còn xác định giá xây dựng, chỉ số giá xây dựng theo quý nên công bố chậm, chưa kịp thời; không bám sát diễn biến thị trường hoặc chưa sát thực tế...
Ngoài ra, việc chi phí vật liệu tăng nhanh trong thời gian qua đã làm tăng tổng mức đầu tư, dự toán xây dựng công trình, ảnh hưởng đến kế hoạch phân bổ vốn đầu tư công trung hạn đã được Quốc hội thông qua giai đoạn 2021-2025. Với nguồn lực hạn chế, chi phí đầu tư xây dựng tăng sẽ ảnh hưởng đến việc cân đối ngân sách, điều chỉnh nguồn vốn cũng như kế hoạch đầu tư cho từng dự án.
Do đó, việc đảm bảo thực hiện thành công chiến lược đầu tư cơ sở hạ tầng trọng yếu như đường bộ cao tốc, cảng biển, sân bay,... đang đặt ra nhiều thách thức.
Tại hội nghị, đại diện các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, chủ đầu tư cũng đã nêu ra một loạt các khó khăn, vướng mắc như một số công việc xây dựng, chưa có định mức hoặc đã có định mức ban hành nhưng không phù hợp với thực tế. Đơn cử như ngành giao thông còn thiếu hơn 32 định mức liên quan đến đầu tư đường cao tốc. Hay như ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, nhiều nhóm công trình đặc thù cũng gặp nhiều vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện. Đáng quan tâm nhất là giai đoạn xác định tổng mức đầu tư dự án, 1 số định mức cần phải xây dựng định mức mới hoặc điều chỉnh vì quá lạc hậu so với hiện tại.
Ngoài ra, việc xử lý điều chỉnh hợp đồng đối với hợp đồng trọn gói, trước các biến động khó lường như đại dịch COVID-19, giãn cách xã hội… cũng chưa rõ ràng. Chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn cũng còn có sự khác nhau giữa các ngành.
Tập trung tháo gỡ để tránh thất thoát, lãng phí
Trước những khó khăn, bất cập nêu trên, ông Trần Dương Phúc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hậu cần (Bộ Quốc Phòng) cho rằng thời gian tới, các khó khăn, vướng mắc trong quản lý chi phí đầu tư xây dựng cần được tập trung tháo gỡ.
Nhà thầu thi công dự án cao tốc Bắc-Nam đoạn Mai Sơn-Quốc lộ 45. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)
Theo ông Phúc, mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định 15/2022/NĐ-CP quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Nghị định này tác động lớn đến hoạt động thi công xây dựng. Do đó, các doanh nghiệp và cả cơ quan quản lý nhà nước cũng cần được hướng dẫn để vận dụng, áp dụng trong việc xác định dự toán chi phí xây dựng công trình.
Về phía địa phương, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa Mai Xuân Liêm cho rằng về nguồn vật liệu phục vụ xây dựng tuyến cao tốc Bắc-Nam, Bộ Xây dựng cấp quyết định đầu tư cần chỉ đạo đơn vị tư vấn và các địa phương xác định chính xác vị trí mỏ vật liệu, trữ lượng, chất lượng phù hợp với dự án.
Đối với các khu vực thi công đường công vụ hoặc các tuyến đường huyện, đường tỉnh và quốc lộ, do tăng lưu lượng vận chuyển so với thiết kế ban đầu làm hỏng kết cấu, chất lượng đường xuống cấp, địa phương đã ưu tiên nguồn vốn để khắc phục sữa chữa, tuy nhiên nguồn ngân sách của huyện còn rất khó khăn. Do vậy, Bộ Xây dựng cần làm rõ đối với chi phí hoàn trả hạ tầng giao thông bị hư hỏng...
Trước các vấn đề trên, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị khẳng định các ý kiến đóng góp tại hội nghị sẽ được bộ này tiếp thu, tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ đồng thời chủ động đề xuất các giải pháp để tháo gỡ.
Ông cũng lưu ý các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quản lý chi phí đầu tư xây dựng phải đồng bộ, thống nhất với các quy định của pháp luật. Do đó, các bộ quản lý công trình chuyên ngành, địa phương cần chủ động thực hiện chủ trương rà soát, tháo gỡ theo thẩm quyền.
Trước mắt, Bộ Giao thông Vận tải cần chủ động rà soát, sớm ban hành 32 định mức còn thiếu. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố công bố kịp thời chỉ số giá xây dựng, giá vật liệu xây dựng, thiết bị công trình trên địa bàn; theo dõi, bám sát diễn biến của thị trường xây dựng để kịp thời cập nhật, điều chỉnh công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng cho phù hợp mặt bằng giá thị trường.
Đối với các dự án, công trình được thực hiện theo cơ chế đặc thù thuộc phạm vi nghị quyết của Quốc hội về chương trình phục hồi kinh tế-xã hội và dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương chủ động giao các sở xây dựng và đơn vị liên quan tổ chức thực hiện kịp thời, có hiệu quả các nhiệm vụ về quản lý đầu tư xây dựng trên địa bàn, đáp ứng yêu cầu về quản lý chi phí đầu tư xây dựng cho từng gói thầu.
Bộ Xây dựng sẽ có đoàn công tác khảo sát tại các địa phương, dự án; từ đó kịp thời điều chỉnh, ban hành các quy định, hướng dẫn, đảm bảo tính công bằng, hợp pháp, tránh thất thoát lãng phí trong công tác quản lý chi phí đầu tư xây dựng./.
Nguồn: http://www.vietnamplus.vn/cap-bach-go-vuong-trong-quan-ly-chi-phi-dau-tu-xay-dung/780720.vnp
-
WHO tuyên bố Covid-19 trở thành đại dịch
-
4 tỉnh kiến nghị Trung ương hỗ trợ trên 83.000 tỷ đồng xây Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh
-
Dự án tồn kho ồ ạt tung chiêu bán hàng
-
Tháng 5 'Sell in May': VN Index 'bốc hơi' 74 điểm
-
Nguy kịch do ung thư và Covid-19, bé gái khóc nghẹn mong được sống
-
Tận thấy khả năng chụp đóng băng khoảnh khắc của Bphone B86
-
VAMC chào 500 hồ sơ nợ xấu, nhưng không dám hứa chuyển giao sở hữu!
-
Volvo có Tổng Giám đốc điều hành mới
-
Ngôi nhà Hà Nội bên ngoài phủ hoa, trên sân thượng lung linh sắc màu
-
Dự án Khu đô thị Thủ Thiêm: 10 năm chưa xong mặt bằng