CEO bảo hiểm trước áp lực tham vọng của các ông chủ

 Năm 2015 đang dần khép lại, bên cạnh việc dồn sức “chạy đua” hoàn thành chỉ tiêu kinh doanh đặt ra, một số DNBH phi nhân thọ còn phải lo thay đổi nhân sự cấp cao.

CEO bảo hiểm trước áp lực tham vọng của các ông chủ

“Bình” mới, nhưng “rượu” vẫn cũ

Ngày 21/12 vừa qua, tại khách sạn JW MARRIOT, Bảo hiểm Xuân Thành (XTI) đã tổ chức lễ công bố thay đổi đồng thời 2 vị trí cao nhất trong Hội đồng quản trị (HĐQT) lẫn Ban điều hành Công ty. Ông Nguyễn Văn Thùy đảm nhận vị trí Chủ tịch HĐQT XTI, còn vị trí Tổng giám đốc kiêm Người đại diện theo pháp luật do ông Bùi Đức Song đảm nhận (trước là Phó tổng giám đốc phụ trách XTI). Việc bổ nhiệm mới 2 vị trí lãnh đạo chủ chốt tại XTI đã được Bộ Tài chính thông qua.

Trước đó 2 tuần (ngày 7/12), ông Lưu Thanh Tâm, Phó chủ tịch HĐQT Tổng CTCP Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội (BSH) cũng được Bộ Tài chính chấp thuận giữ chức Tổng giám đốc (CEO) và là Người đại diện theo pháp luật của BSH, thay thế ông Đỗ Văn Hải lui về giữ chức Phó tổng giám đốc BSH.

Ngoại trừ ông Thùy (thuộc thế hệ 8X), thì cả ông Song và ông Tâm đều có nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong ngành bảo hiểm, từng kinh qua nhiều chức vụ quan trọng tại các doanh nghiệp bảo hiểm.

Dù cùng là những vị trí được được bổ nhiệm mới, nhưng đây đều là 2 CEO “gương mặt thân quen” đối với thị trường bảo hiểm. Trước khi giữ chức Phó chủ tịch HĐQT BSH và giờ là CEO BSH, ông Tâm từng là Tổng giám đốc Bảo hiểm Bảo Long. Trong khi ông Song từng là CEO Tổng CTCP Bảo hiểm SHB Vinacomin (viết tắt là SVIC, nay đổi tên thành BSH). Khá đặc biệt là ông Song từng có thời gian rời hẳn thị trường bảo hiểm để trở về công tác tại Vinacomin.

Giống như các mảng khác thuộc lĩnh vực tài chính như ngân hàng, chứng khoán…, khối bảo hiểm cũng không lạ lẫm việc nhân sự chạy vòng quanh thị trường. Người của doanh nghiệp nọ lại sang doanh nghiệp kia, bất kể là doanh nghiệp phi nhân thọ hay nhân thọ. Nhưng việc “trao đổi” nhân sự qua lại giữa XTI và BSH lại có mật độ khá “dày”. Trước khi ông Song về, ông Nguyễn Quang Thương, Phó tổng giám đốc phụ trách XTI cũng từng là Giám đốc BSH Hà Nội.

Ở cả 2 khối nhân thọ và phi nhân thọ, từ đầu năm đến nay theo tổng hợp của Đầu tư Chứng khoán, đã có nhiều cuộc “đi và đến” của các Chủ tịch HĐQT/HĐTV cũng như CEO tại các doanh nghiệp bảo hiểm lớn nhỏ như Vinare, Bảo Việt, PTI, PJICO, VCLI, ABIC, Hanwha Life...

Áp lực tham vọng của các ông chủ

Mỗi cuộc bổ nhiệm mới đều gắn với những cam kết và kỳ vọng. Tại lễ bổ nhiệm, ông Tâm cho biết, sẽ nhận nhiệm vụ mới bằng một tinh thần và trách nhiệm cao nhất.

Các CEO đầy kinh nghiệm này được kỳ vọng sẽ tạo ra những cú hích lớn cho 2 doanh nghiệp bảo hiểm nhỏ kể trên, nhất là với XTI, từng bị Bộ Tài chính can thiệp buộc tái cấu trúc.

Ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT BSH kỳ vọng, với tâm huyết và kinh nghiệp vốn có, tân Tổng giám đốc cùng các cấp phó của mình sẽ tiếp tục phát huy tối đa các thế mạnh để đưa BSH phát triển lên một tầm cao mới.

Còn với XTI, lãnh đạo doanh nghiệp này cho biết, sự kết hợp giữa sức trẻ năng động, nhiệt huyết, quyết đoán với bề dầy trải nghiệm sẽ là “bước ngoặt” lớn và rất quan trọng đối với Công ty.

Nói là như vậy, thách thức không nhỏ vẫn đang dồn lên vai các tân CEO này, trong bối cảnh thị trường bảo hiểm Việt đang bước vào thời kỳ hội nhập sâu rộng, sự cạnh tranh ngày càng gay gắt, một bên phải tuân thủ những chuẩn mực quốc tế, mặt khác rất cần có sự năng động, chuyên nghiệp và nắm bắt tốt cơ hội kinh doanh. Trong khi các doanh nghiệp này đều chưa thực sự bứt phá (XTI đứng thứ 23/29, còn BSH đứng thứ 19/29 về thứ hạng thị phần theo tổng hợp của Bộ Tài chính năm 2014), còn CEO cũng chỉ là người làm thuê, chịu sự chi phối lớn bởi các tập đoàn tư nhân là những ông chủ thực sự (góp vốn đầu tư).

Bên cạnh gánh nặng lợi nhuận, các tân CEO còn phải chịu áp lực đến từ tham vọng của các ông chủ này. Đơn cử như XTI, từ nay đến năm 2020, XTI đặt mục tiêu nằm trong Top 15 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam, một số chỉ tiêu cơ bản đều phải tăng trưởng mạnh so với năm 2015 như doanh thu phí bảo hiểm gốc đến 2020 tăng gấp 3 lần, quy mô các quỹ dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm đến năm 2018 cũng tăng gấp 3 và đến năm 2020 tăng gấp 5 lần...

Còn với BSH, đó là tham vọng đưa BSH “chen chân” vào Top 5 các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, trở thành doanh nghiệp bảo hiểm có danh tiếng trong nước và khu vực. Dù không nói rõ thời điểm hoàn thành mục tiêu, nhưng đó vẫn sẽ một thách thức không hề nhỏ, thậm chí rất lớn đối với các tân CEO bảo hiểm này.

Nguồn Tin nhanh chứng khoán