CEO Nam A Bank: Bản lĩnh doanh nhân thời kỳ đổi mới

 Mặc dù đang trong giai đoạn tự tái cấu trúc, song dưới định hướng chiến lược của HĐQT, với 17 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, ông Trần Ngô Phúc Vũ, Thành viên HĐQT kiêm CEO Nam A Bank đã góp phần quan trọng trong việc “truyền lửa” cho đội ngũ cán bộ nhân viên. Kết quả hoạt động 2 năm qua của Nam A Bank với những luồng sinh khí mới , thể hiện nhiệt huyết của người đứng đầu đang dần lan tỏa...

CEO Nam A Bank: Bản lĩnh doanh nhân thời kỳ đổi mới

Chú trọng nguồn nhân lực…

Được biết đến với phương thức quản lý tập trung vào con người, CEO Nam A Bank chính là người đã cổ vũ cho phong trào “hãy làm việc bằng tất cả trái tim”. Với ông Vũ, quan trọng là làm thế nào để người lao động yên tâm công tác, cống hiến hết mình cho Ngân hàng. Bởi theo ông, có như vậy, mọi kế hoạch đặt ra mới có thể thành công. Mục tiêu của NamA Bank là định hướng công việc cũng như cuộc sống của cán bộ nhân viên phải gắn bó với sự phát triển của Ngân hàng.

Theo quan điểm của ông Vũ, để quản lý một đội ngũ nhân viên, cần đưa ra những thỏa thuận, thỏa hiệp với nhau. Hay nói cách khác là cần có những hành lang cho việc quản lý nhân viên và điều này tự động sẽ loại dần những nhân sự tụt hậu. Những nhân viên chỉ “sáng xách cặp đến - chiều xách cặp về” sẽ tự cảm thấy khó theo kịp và sớm nản chí. Sự công bằng giữa cống hiến và hưởng thụ cũng là một động lực thúc đẩy các nhân viên hăng say với công việc. Từ đó, hiệu quả tạo ra sẽ cao hơn, thay vì chỉ áp dụng phương án sàng lọc, cắt giảm nhân sự bằng biện pháp hành chính.

Thực tế, trong những năm qua, dù hoạt động ngân hàng có nhiều khó khăn, các nhà băng buộc phải cắt giảm nhân sự để giảm chi phí và thậm chí là sa thải hàng loạt nhân viên, nhưng Nam A Bank vẫn không cắt giảm nhân sự và giảm lương. Đồng thời, ông Vũ cho biết, Ngân hàng vẫn tuyển thêm khoảng 200 nhân sự mới để bổ sung vào vị trí những người nghỉ việc trong năm 2013 vì nhiều lý do khác nhau. Đặc biệt, ngược dòng xu thế thị trường, mới đây Nam A Bank còn có nhu cầu tuyển dụng một lượng lớn nhân sự tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước.

Trên thực tế, Nam A Bank đang có những bước “ngược chiều” ngoạn mục khi hầu hết các ngân hàng đang cắt giảm nhân sự hàng loạt. Sở dĩ phải bổ sung cán bộ vì vừa qua Ngân hàng được NHNN cho phép mở mới 5 chi nhánh và 3 phòng giao dịch tại 5 tỉnh, thành thuộc khu vực Nam -Trung Bộ như: TP. HCM, Lâm Đồng, Đồng Nai, Vũng Tàu, Bến Tre, Ninh Thuận… Đáng chú ý, Nam A Bank là một trong số ít ngân hàng được NHNN cho phép mở mới chi nhánh trong thời điểm chỉ các ngân hàng có khả năng quản trị ổn định, hoạt động hiệu quả, chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật và có nhu cầu thì mới được mở chi nhánh, phòng giao dịch tại các địa bàn thực sự có nhu cầu về dịch vụ ngân hàng.

Đồng thời, vào đầu tháng 8 vừa qua, được biết Ban lãnh đạo Nam A Bank đã quyết định tăng lương đồng loạt cho tất cả cán bộ nhân viên. Ông Vũ chia sẻ: “Việc Nam A Bank được NHNN phê chuẩn mở 8 điểm giao dịch mới trong 6 tháng cuối năm là minh chứng cho thấy, chiến lược của HĐQT trong đề án tự tái cơ cấu đang đi đúng lộ trình vạch ra. Trên cơ sở đó, Nam A Bank đang tiếp tục củng cố về mọi mặt, trong đó, tập trung nhất vào việc nâng cao cơ sở hạ tầng, cải tiến chất lượng dịch vụ và đào tạo nguồn lực nhân sự hiện hữu. Nam A Bank sẽ tập trung đào tạo nguồn nhân lực có kinh nghiệm và kiến thức nghiệp vụ chuyên sâu, nhằm hướng tới ngân hàng bán lẻ có dịch vụ hàng đầu Việt Nam”.

Có thể nói, với 17 năm làm việc trong ngành tài chính và giữ các chức vụ trọng yếu tại nhiều ngân hàng là những kinh nghiệm quý báu để ông Vũ đúc kết và rút ra nhiều bài học trong quá trình điều hành Nam A Bank. Ngồi vào “ghế nóng” trong bối cảnh thị trường nhiều thăng trầm, ngành ngân hàng đang trải qua cuộc “đại phẫu” giảm bớt số lượng ngân hàng nhỏ, yếu kém, Nam A Bank có quy mô còn ở tầm trung, nên để con thuyền Nam A Bank đi lên, đòi hỏi vị thuyền trưởng như ông Vũ phải rất vững tay chèo chống.

Ảnh: Lê Toàn
…là bệ đỡ thành công

Tuy đang trong quá trình tự tái cấu trúc, nhưng hoạt động của Nam A Bank tăng trưởng bền vững và khá minh bạch trong những năm gần đây. Trong đó, với hoạt động kinh doanh tín dụng, mặc dù trước tình hình khó khăn của nền kinh tế, nhu cầu vốn của DN giảm, ảnh hưởng khá lớn đến hoạt động cho vay, song Nam A Bank vẫn có mức tăng trưởng ổn định. Tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng đạt mức cao hơn mức bình quân ngành. Trong đó, dư nợ của khối khách hàng cá nhân chiếm đến trên 40% tổng dư nợ. Đồng thời, tỷ lệ nợ xấu của Nam A Bank được kiểm soát tương đối tốt, dưới ngưỡng 2%.

“Với hoạt động tín dụng, nếu tìm kiếm được những khách hàng cần vốn thực sự và giảm thiểu tiêu cực từ các nhân viên tín dụng thì việc trả nợ sẽ không có nhiều rủi ro. Vì với vai trò của người đi vay, họ cũng rất sợ áp lực trả nợ. Do đó, việc định hướng nhân viên và truyền lửa cho họ để cống hiến hết mình cho công việc là điều quan trọng đối với người lãnh đạo”, ông Vũ nói và cho rằng, với định hướng đẩy mạnh bán lẻ, phân khúc khách hàng được Nam A Bank chú trọng và tập trung đẩy mạnh đó chính là cá nhân, DN vừa và nhỏ hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu nông sản (chè, cà phê...). Nhưng để đẩy mạnh bán lẻ ở lĩnh vực ngân hàng, theo ông Vũ, đòi hỏi trước hết là đầu tư vào công nghệ và con người, cùng với việc mở rộng mạng lưới hoạt động để có điều kiện tốt hơn trong việc tiếp cận với khách hàng và đem lại sản phẩm, dịch vụ cho họ. Đó cũng chính là lý do để Nam A Bank chú tâm đầu tư công nghệ, tuyển dụng thêm nhân sự, đáp ứng nhu cầu mở rộng hoạt động.

Ông Vũ đưa ra quan điểm, không phải chỉ với ngân hàng quy mô lớn mà ngay cả ngân hàng vừa và nhỏ, nếu lành mạnh, quản trị rủi ro, quản trị điều hành tốt, hoạt động minh bạch và tăng trưởng bền vững thì việc tạo được uy tín với khách hàng là không khó, người dân gửi tiền cũng yên tâm. Chính điều này cũng giúp tạo cơ sở để đẩy mạnh chiến lược bán lẻ. Vì thế, điều quan trọng nhất với người lãnh đạo chính là làm thế nào để định hướng để các nhân viên của mình hiểu và tin tưởng vào tương lai phát triển Ngân hàng.

Nam A Bank đang trong quá trình thực hiện đề án tự tái cơ cấu theo phương án đã được NHNN phê duyệt, với lộ trình tái cơ cấu trong giai đoạn từ nay đến hết năm 2017. Hiện Ngân hàng đã đi được gần nửa chặng đường và ông Vũ cho biết, đề án tái cơ cấu đang được HĐQT cũng như Ban điều hành triển khai thực hiện rất sát sao. Cụ thể, việc tái cơ cấu được giao xuống từng phòng ban, từng nhân sự theo dõi trong quá trình điều hành để đạt được hiệu quả cao nhất.

Những nhiệt huyết được vị CEO Nam A Bank “thổi” vào tập thể cán bộ nhân viên Ngân hàng đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực, dù Nam A Bank đang trong giai đoạn nỗ lực tự tái cơ cấu. Kết quả kinh doanh 6 đầu năm 2014 cho thấy, các chỉ tiêu kinh doanh của Nam A Bank đều tăng trưởng ổn định. Cụ thể, tổng tài sản đạt 33.733 tỷ đồng, tăng 17,15% so với đầu năm; tổng huy động vốn từ tổ chức kinh tế, dân cư đạt 15.383 tỷ đồng tăng 12,2%; dư nợ cho vay đạt 13.719 tỷ đồng với mức tăng 18,57%. Ngoài ra, năm nay NamABank có kế hoạch tăng vốn lên 4.000 tỷ đồng, nâng tổng tài sản lên 40.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 210 tỷ đồng.

Ngày 26/9 vừa qua, tại Thủ đô Hà Nội đã diễn ra buổi lễ tôn vinh những doanh nhân, DN có thành tích xuất sắc do Trung tâm Văn hóa doanh nhân Việt Nam tổ chức. Tại buổi lễ này, Nam A Bank đã vinh dự nhận danh hiệu “Doanh nghiệp mạnh và phát triển bền vững năm 2014”. Trước đó, vào tháng 5/2014, Nam A Bank cũng vinh dự được công nhận danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc 2013” do Thống đốc NHNN khen tặng. Đó chính là sự ghi nhận của cơ quan quản lý cao nhất ngành ngân hàng đối với những thành quả Nam A Bank đã đạt được trong hoạt động kinh doanh, cũng như những thay đổi trong công tác quản trị điều hành. Những thành quả được xã hội thừa nhận ấy có đóng góp không nhỏ của vị CEO Nam A Bank Trần Ngô Phúc Vũ.

Theo Tin nhanh chứng khoán

{fcomment}