Chứng khoán chịu áp lực lao dốc của thế giới

Nhiều đơn vị phân tích tin rằng thị trường sẽ có quán tính giảm điểm trong các phiên đầu tuần, đồng thời còn chịu áp lực lao dốc trên thị trường quốc tế.

Thị trường chứng khoán cuối tuần trước chứng kiến sự đảo chiều bất ngờ khi ặp áp lực chốt lời mạnh, VN-Index đã nhanh chóng mất điểm tựa 1.300 điểm chỉ sau 2 ngày giữ được mốc này, thanh khoản thị trường cũng không có nhiều đột biến.

Tính chung tuần vừa qua 6-10/6, VN-Index đã điều chỉnh trở lại sau thời gian tăng tốc, mất tổng cộng 4 điểm (-0,3%) về 1.284. Trong khi HNX-Index cũng giảm hơn 4 điểm (-1,3%) xuống 306,44 điểm và UPCoM-Index giảm 0,45 điểm (-0,48%) xuống 93,72 điểm.

Sự điều chỉnh của thị trường chủ yếu do hoạt động chốt lời ở nhiều nhóm cổ phiếu quan trọng trong nhóm vốn hóa lớn, nhất là cổ phiếu dầu khí bị chốt lời rất mạnh với điển hình GAS mất 4% giá trị.

Thanh khoản thị trường dù có cải thiện hơn so với tuần trước đó nhưng chưa đột biến. Tổng giá trị giao dịch bình quân tăng gần 8% lên mức 20.184 tỷ đồng/phiên, trong đó giá trị khớp lệnh bình quân đạt 18.246 tỷ đồng/phiên.

Độ rộng thị trường cho thấy áp lực chốt lời diễn ra trên diện rộng, chủ yếu ở các nhóm cổ phiếu đã tăng mạnh trong thời gian vừa qua như dầu khí, thủy sản, phân bón, sản xuất điện,… Trong khi điểm sáng của thị trường vẫn đến từ hoạt động mua ròng từ khối ngoại.

Cụ thể các nhà đầu tư nước ngoài vẫn duy trì trạng thái mua ròng. Nhóm này mua vào 196 triệu cổ phiếu có trị giá 8.367 tỷ đồng và bán ra 163 triệu cổ phiếu trị giá 7.217 tỷ đồng, tương đương giá trị mua ròng đạt 1.150 tỷ đồng.

Diễn biến VN-Index trong tuần 6-10/6. Đồ thị: TradingView.

Bước sang tuần mới, AseanSC cho rằng diễn biến trong nước sẽ phụ thuộc phần lớn vào thông tin CPI của Mỹ và vùng 1.270 - 1.280 điểm được kỳ vọng sẽ là hỗ trợ tin cậy cho chỉ số. Trong đó, vùng hỗ trợ có thể xuất hiện lực cầu giúp chỉ số phục hồi trở lại và vùng kháng cự có thể xuất hiện lực bán khiến chỉ số giảm trở lại.

Sau biến động tuần trước, Chứng khoán MB dự báo chỉ số có khả năng sẽ dao động trong vùng 1.250-1.300 điểm, vùng hỗ trợ cho chỉ số này trong tuần này ở 1.250-1.260 điểm.

Chứng khoán Rồng Việt dự kiến thị trường sẽ quay trở lại trạng thái phân hóa và giằng co trong vùng 1.270-1.300 điểm với sự hỗ trợ của một số cổ phiếu vốn hóa lớn. Nhà đầu tư nên hạn chế mua cổ phiếu và theo dõi động thái hỗ trợ của thị trường.

Theo KB Vietnam, chỉ số nhiều khả năng tiếp tục quán tính giảm điểm trong phiên tới và mở rộng nhịp điều chỉnh xuống vùng hỗ trợ đáng lưu ý quanh 1.260 điểm nhằm tìm kiếm lực cầu bắt đáy trước khi hồi phục trở lại.

Chứng khoán Yuanta dự báo thị trường có thể sẽ điều chỉnh ở các phiên giao dịch đầu tuần và VN-Index có thể sẽ kiểm định ngưỡng hỗ trợ 1.255 điểm. Rủi ro từ thị trường thế giới gia tăng dần và có thể tác động tiêu cực lên xu hướng ngắn hạn của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam nhận định sau một tháng căn mua và chờ chốt lời thì diễn biến thị trường đã xấu trở lại. Đơn vị khuyến nghị ưu tiên căn bán, hạn chế việc mua mới trong tuần này.

Nguồn: zingnews.vn