Cổ phiếu cần quan tâm ngày 26/9

Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 26/9 của các công ty chứng khoán.

 

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 26/9

 

TNG: Khuyến nghị nắm giữ

CTCK Vietcombank (VCBS)

TNG là doanh nghiệp dệt may xuất khẩu quy mô trung bình của Việt Nam với 0,19% thị phần kim ngạch xuất khẩu.

Kết quả kinh doanh trong giai đoạn 2011-2013 có xu hướng suy giảm. Nguyên nhân là do TNG mở rộng nhà máy để tăng năng lực sản xuất với việc sử dụng nhiều vốn vay trong đó bao gồm cả nguồn vốn ngắn hạn. Đến nay nhà máy vẫn chưa phát huy được hiệu quả do chưa lấp đầy được nhân sự cần thiết để hoạt động hết công suất. Biên lợi nhuận ròng của TNG chỉ đạt 2%, thấp hơn nhiều so với trung bình ngành do quản trị vốn lưu động chưa hiệu quả và sử dụng đòn bẩy tài chính cao.

Nửa đầu năm 2014, lợi nhuận tăng mạnh nhờ kiểm soát chi phí lãi vay, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp hiệu quả hơn, đạt 40% kế hoạch. Điều này khiến chúng tôi kỳ vọng công ty sẽ hoàn thành được 90% kế hoạch kinh doanh đã đặt ra.

Hiệp định thương mai TPP hứa hẹn sẽ tạo ra động lực tăng trưởng cho TNG trong thời gian tới với sự đầu tư xây dựng cho 2 nhà máy may mới là Đại Từ và Phú Lương. Công ty đang trong giai đoạn cơ cấu tài chính và tái cấu trúc lại hoạt động công ty. Quá trình cấu trúc này bước đầu đã đem lại hiệu quả cho TNG khi lợi nhuận tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm, tuy nhiên do kế hoạch đặt ra khá cao nên chúng tôi cho rằng TNG chỉ hoàn thành 90% kế hoạch.

Theo đó, chúng tôi cho rằng giá trị hợp lý của TNG khoảng 18.261 đồng/CP, cao hơn khoảng 5% so với thị giá hiện nay, do đó chúng tôi khuyến nghị NẮM GIỮ cổ phiếu TNG.

GSP: Có thể mua vào nếu ngại rủi ro

CTCK Rồng Việt (VDSC)

Theo báo cáo tài chính quý II/2014, doanh thu 6 tháng đầu năm của GSP đạt 447,38 tỷ đồng (+14,48% so với cùng kỳ năm ngoái) trong khi đó lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp giảm 9,47%.

Nguyên nhân là do trong quý II/2014, nhà máy Dung Quất ngừng bảo dưỡng trong hai tháng và công ty tiến hành sửa chữa định kỳ tàu Cửu Long Gas và Sài Gòn Gas đã ảnh hưởng đến lợi nhuận. Tuy nhiên trong 2 quý cuối năm, do tính chất ổn định của việc vận chuyển khí LPG, GSP cho biết đội tàu của họ sẽ trở lại hoạt động bình thường.

Qua trao đổi, doanh nghiệp cho biết doanh thu trong 9 tháng ước đạt 800 tỷ đồng (~98,77% kế hoạch), trong khi đó lợi nhuận trước thuế đạt 50 tỷ đồng (~70,4% kế hoạch). Theo chuyên viên ngành của chúng tôi, quý 3 thường là quý có lợi nhuận cao nhất trong năm.

Theo ước tính của chúng tôi, doanh thu cả năm ước đạt 1.056 tỷ đồng (+22% so với cùng kỳ) và lợi nhuận sau thuế dành cho cổ đông công ty mẹ là 50 tỷ đồng (+8% so với cùng kỳ), tương đương EPS 1.672 đồng/cp.

Vì nhiều lý do, GSP chưa đầu tư tàu trong năm nay, tuy nhiên, chúng tôi cho rằng trong năm sau Công ty sẽ mua thêm tàu có trọng tải 5.000-7.000 DWT với giá trị đầu tư 10-12 triệu USD. Từ quý I/2015, nhu cầu vận chuyển khí LPG nội địa dự kiến sẽ tăng thêm do GAS vừa ký hợp đồng mới với chủ đường ống nhằm chuyển một phần khí từ đường ống Nam Côn Sơn về nhà máy xử lý khí Dinh Cố, từ đó nâng sản lượng sản xuất LPG tại nhà máy này. Đánh giá về triển vọng chung đối với GSP trong năm sau, chúng tôi cho rằng sẽ có những điểm sáng tối xen lẫn.

Điểm sáng có thể kể đến là nhu cầu vận chuyển khí LPG tăng, công ty đang thực hiện khá tốt chính sách tiết giảm chi phí, hợp đồng tàu chạy định hạn cho tuyến nước ngoài có biên lợi nhuận cao. Ngược lại, Công ty có khả năng phải điều chỉnh giảm nhẹ giá cước đối với khách hàng lớn là PVGas, 4 con tàu phải lên dock trong năm sau.

Nhìn chung, chúng tôi cho rằng hiệu quả hoạt động của công ty vẫn duy trì ổn định trong năm 2015, đồng thời, triển vọng trong vài năm tới kỳ vọng sẽ tích cực hơn nhờ các dự án lọc dầu đang triển khai giúp tăng lượng LPG cần chuyên chở song hành với sự hồi phục của ngành vận tải biển.

Theo đánh giá của chuyên viên ngành, triển vọng ổn định có vẻ không phải là một lý do hấp dẫn để đầu tư vào cổ phiếu GSP tại mức giá hiện tại. Tuy nhiên, cổ tức đều đặn (10-12%) với tỷ suất hiện tại khoảng 7,6% thì GSP có thể là một lựa chọn đối với những nhà đầu tư ngại rủi ro.

DHC: Khuyến nghị nắm giữ

CTCK Vietcombank (VCBS)

Dohaco là doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh cốt lõi là sản xuất giấy công nghiệp được đánh giá cao về chất lượng và năng lực sản xuất, đồng thời có cơ cấu vốn khá lành mạnh sau quá trình tái cơ cấu vào năm 2013

Trong ngắn hạn, triển vọng tăng trưởng của Dohaco rất khả quan vì hiện tại nguồn cung giấy công nghiệp trong nước mới chỉ đáp ứng được 2/3 nhu cầu. Mặt khác, công đồng kinh tế ASEAN được thành lập vào năm sau cũng không tác động đến khả năng cạnh tranh của DHC vì thuế nhập khẩu ưu đãi cho khu vực ASEAN hiện đã là 0%.

Tuy nhiên, do hạn chế về công suất nhà máy giấy Giao Long (đang hoạt động ở ngưỡng tối đa 50.0000 tấn/năm) nên công ty không thể mở rộng thị phần để chiếm lĩnh thị trường trong bối cảnh thuận lợi như hiện tại mà phải dịch chuyển cơ cấu sản phẩm sang giấy Testliner cao cấp nhằm cải thiện lợi nhuận gộp.

Năm 2016, DHC dự định sẽ xây dựng một nhà máy giấy công nghiệp mới có công suất 120.000 tấn/năm với tổng vốn đầu tư khoảng 400 tỷ đồng và thời gian xây dựng trong 1,5 năm. Công ty cho biết đang cân nhắc phương án phát hành 8-10 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu tại mệnh giá (80-100 tỷ đồng) để tài trợ cho dự án.

Lũy kế 8 tháng đầu năm 2014, doanh thu thuần đạt 345 tỷ đồng (72% kế hoạch) và lợi nhuận sau thuế đạt 30 tỷ đồng (107,1% kế hoạch) nhờ vào chi phí lãi vay giảm mạnh (-66% so với cùng kỳ năm ngoái) và khoản chênh lệch lỗ tài chính bán công ty con Beseaco (lỗ 6,6 tỷ đồng).

Dự phóng cho năm 2014, doanh thu thuần ước đạt 555,3 tỷ đồng (+22,2% so với cùng kỳ năm ngoái, 116% kế hoạch) và lợi nhuận sau thuế đạt 46,2 tỷ đồng (+71% so với cùng kỳ năm ngoái, 165% kế hoạch), tương ứng với EPS forward đạt 3,079 đồng. Chúng tôi khuyến nghị NẮM GIỮ cổ phiếu DHC với giá mục tiêu 24.800 đồng vào cuối năm 2014.

>> Tải báo cáo

JVC: Khuyến nghị mua vào

CTCK BIDV (BSC)

Chúng tôi khuyến nghị MUA cổ phiếu JVC với giá kỳ vọng 12 tháng tới là 18.500 đồng/cp (upside 21%) theo phương pháp FCFF. Thị giá JVC hiện tại khá hấp dẫn so với giá trị sổ sách (15.300 đồng), thanh khoản cũng ở mức khá tốt gần 500,000 CP/phiên trong 10 phiên gần đây.

JVC đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất năm 2013 và đang cải thiện khá tốt doanh thu và lợi nhuận từ năm 2014 trở đi. Chúng tôi đánh giá nhu cầu khám chữa bệnh kỹ thuật cao tại Việt Nam tiếp tục xu hướng tăng mạnh mẽ và giải ngân của các dự án chính phủ và tài trợ quốc tế sẽ tiếp tục tăng mạnh trở lại.

Kết quả kinh doanh 2014 khả quan. Năm 2013, JVC gặp khó khăn lớn khi rất nhiều dự án bị trì hoãn dẫn tới doanh thu, biên lợi nhuận sụt giảm, hàng tồn kho tăng. Tuy nhiên, qua trao đổi với doanh nghiệp, khả năng ghi nhận doanh thu từ các dự án cũ cũng như các dự án mới khiến chúng tôi lạc quan về triển vọng của JVC từ năm 2014.

Chúng tôi dự báo doanh thu 2014 đạt 759 tỷ đồng (+28% so với cùng kỳ năm ngoái) chủ yếu do ghi nhận doanh thu từ các hợp đồng bị trì hoãn từ quý III, quý IV/2013 và hợp đồng mới. Lợi nhuận sau thuế năm 2014 có thể đạt 98 tỷ đồng, (+136% so với cùng kỳ năm ngoái), tương đương EPS 1.571 đồng/cp (tính trên số CP lưu hành hiện tại). Chúng tôi cũng lưu ý dự báo này chưa tính đến dự án đầu tư 100 xe khám lưu động mới, và kế hoạch tăng vốn của JVC.

Doanh thu và lợi nhuận cải thiện đáng kể do: (1) Việc sáp nhập KMS sẽ tăng doanh số bán hàng của 2 trong số 4 lĩnh vực kinh doanh cốt lõi. Chúng tôi đánh giá KMS sẽ đóng góp ít nhất 100 tỷ đồng doanh thu cho công ty hợp nhất năm 2014.

(2) Lĩnh vực Bán thiết bị y tế phục hồi và tăng trưởng mạnh so với 2013. Triển vọng tăng trưởng 6 tháng cuối năm lớn khi công ty tập trung ghi nhận doanh thu vào quý IV hàng năm. (3) Các lĩnh vực vật tư tiêu hao, đầu tư liên kết, và xe khám lưu động có kết quả kinh doanh ổn định, tiếp tục tăng trưởng và có biên lợi nhuận cao.

ST8: Chỉ thích hợp đầu tư dài hạn

CTCK Bảo Việt (BVSC)

Hoạt động kinh doanh chính mang tính ổn định cao. Công ty cổ phần Siêu Thanh vốn có hoạt động kinh doanh chính trong lĩnh vực thiết bị văn phòng và là nhà phân phối độc quyền của thương hiệu Ricoh lâu đời tại Việt Nam. Mảng hoạt động này tuy có tốc độ tăng trưởng hạn chế nhưng lại mang tính ổn định và tỉ suất lợi nhuận khá cao, đóng góp đến hơn 95% lợi nhuận năm 2013 của toàn công ty trong khi chỉ chiếm tỷ trọng dưới 30% trên tổng doanh thu.

Dự kiến tại ĐHCĐ bất thường ngày 26/9/2014 tới đây, ST8 sẽ đề xuất vấn đề chuyển đổi sang hình thức Holdings để đẩy mạnh đầu tư sang lĩnh vực ô tô, đón đầu xu thế giảm thuế nhập khẩu theo lộ trình AFTA và WTO. Hiện tại, hai công ty con của ST8 là Kim Thanh và Cường Thanh đang là những đại lý phân phối chính thức của Honda và Chevrolet.

Tuy triển vọng ngành ô tô đang khá tích cực, chúng tôi đánh giá hoạt động phân phối ô tô mang rủi ro cao khi biên lãi thuần rất thấp và cạnh tranh thị phần sắp tới sẽ rất khốc liệt. Trên thực tế, kể từ khi Cường Thanh chuyển từ Nissan sang thương hiệu mới là Chevrolet, công ty này đã mất đến hơn 2 năm để có thể giành được một thị phần đủ lớn và bù đắp chi phí hoạt động; trong khi Kim Thanh vốn đã hoạt động ổn định với vai trò đại lý phân phối Honda nhưng biên lợi nhuận thuần cũng chỉ ở mức dưới 2%/năm.

Ghi nhận khoản chiết khấu thương mại, kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2014 tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ. Sau 6 tháng đầu 2014, ST8 đạt tổng doanh thu 502 tỷ đồng (+50% so với cùng kỳ năm ngoái), trong đó ước tính 396 tỷ đồng là từ mảng kinh doanh ô tô, đánh dấu mức tăng trưởng ấn tượng 73% so với cùng kỳ phản ánh xu hướng tốt dần lên trong tiêu thụ ô tô trên toàn quốc; mảng thiết bị văn phòng đóng góp 106 tỷ đồng, hầu như không tăng trưởng đáng kể so với năm trước.

Như vậy, lợi nhuận toàn công ty đạt 22.7 tỷ đồng, tăng trưởng mạnh 71% so với cùng k ỳ. Nếu loại trừ khoản chiết khấu thương mại bất thường khoảng 9.7 tỷ đồng đã trừ vào giá vốn hàng bán quý II/2014, lợi nhuận 6 tháng đầu năm của ST8 đạt khoảng 15.1 tỷ đồng, tăng trưởng 14% so với cùng k ỳ.

Nhờ mảng kinh doanh ô tô đang dần đi vào ổn định trong khi mảng thiết bị văn phòng cũng đang có những cải thiện đáng kể qua kết quả kinh doanh 8 tháng 2014, chúng tôi dự báo doanh thu cả năm 2014 của ST8 ước tính khoảng 1,060 tỷ đồng, tăng trưởng 29%, trong đó doanh thu ô tô dự kiến 750 tỷ đồng (+32% so với cùng kỳ năm ngoái) và doanh thu từ mảng thiết bị văn phòng khoảng 310 tỷ đồng (+27%). Như vậy, lợi nhuận sau thuế năm 2014 có thể đạt khoảng 64 tỷ đồng tương ứng với EPS 4,240 đồng/cp, tăng trưởng 31% so với cùng kỳ năm ngoái và hoàn thành 89% kế hoạch năm.

Dựa trên thế mạnh là nhà phân phối độc quyền thương hiệu thiết bị văn phòng Ricoh lâu đời tại Việt Nam với mạng lưới khách hàng lớn và trung thành, ST8 là một doanh nghiệp có cơ bản tốt và hoạt động kinh doanh mang tính ổn định cao. Ngoài ra, rủi ro tài chính dường như không hiện hữu khi công ty hầu như không sử dụng đòn bẩy cũng như dòng tiền từ hoạt động kinh doanh luôn ở mức cao.

Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất của cổ phiếu ST8 chính là tính thanh khoản khi khối lượng giao dịch bình quân 10 phiên gần nhất chỉ vào khoảng 1,662 đơn vị. Do đó, BVSC cho rằng ST8 chỉ thích hợp với các nhà đầu tư cá nhân với chiến lược dài hạn, đề cao tính an toàn và đảm bảo khả năng chi trả cổ tức đều đặn với suất lợi nhuận 10%/năm.

ST8 đang giao dịch ở mức giá 20,300 đồng/cp ở thời điểm 24/09/2014, tương ứng với P/E FY2014 khoảng 4.8 lần, mức tương đối hợp lý đối với một doanh nghiệp có vốn hoá nhỏ và hoạt động ổn định.

FPT: Khuyến nghị nắm giữ

CTCK Maybank KimEng (MBKE)

Doanh thu tiếp tục tăng trưởng cao trong 8 tháng 2014 nhờ doanh thu phân phối và bán lẻ tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái, đóng góp 66% tổng doanh thu. Tuy nhiên, khối phân phối bán lẻ có tỷ suất lợi nhuận thấp so với các lĩnh vực hoạt động khác của Tập đoàn, nên lợi nhuận tăng trưởng không tương xứng với tăng trưởng doanh thu.

Tỷ suất lợi nhuận ở hầu hết các lĩnh vực hoạt động sụt giảm khiến tỷ suất lợi nhuận trước thuế của Tập đoàn giảm xuống 7,6% so với 9,3% trong cùng kỳ. Tỷ suất lợi nhuận giảm xuất phát từ một số yếu tố: (1) chi phí quang hoá hạ tầng ở mảng viễn thông (dự kiến thực hiện trong 2 năm 2014-2015); (2) mảng trò chơi trực tuyến tiếp tục gặp khó khăn; (3) chi phí marketing/bán hàng tăng để thâm nhập thị trường nước ngoài.

Lợi nhuận trước thuế đạt 1.598 tỷ, giảm 1% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái đạt 1.014 tỷ do thuế suất thuế TNDN giảm xuống 22% và lợi ích cổ đông thiểu số giảm do FPT mới tăng tỷ lệ sở hữu ở FPT Telecom thêm khoảng 3%.

Việc thực hiện chiến lược toàn cầu hoá và áp dụng các công nghệ mới mà FPT đang hướng tới hứa hẹn đem lại kết quả tích cực trong dài hạn. Tuy nhiên, các bước triển khai thường phát sinh chi phí và sẽ ít nhiều hạn chế tăng trưởng lợi nhuận trong ngắn hạn.

Chúng tôi điều chỉnh dự báo doanh thu 2014 đạt 32.286 tỷ, tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái và lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt 1.658 tỷ, tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái. Ở giá đóng cửa 52.500VND/cp, FPT giao dịch với P/E2014 10,9x và đang giao dịch gần mức giá mục tiêu 55.000VND/cp. Khuyến nghị Nắm giữ.

>> Tải báo cáo

CNG: PE kỳ vọng 7,14 lần

CTCK Maybank KimEng (MBKE)

Trong năm 2014, CNG tiếp tục mở rộng Nhà máy sản xuất CNG tại KCN Phú Mỹ I, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng lên. Cụ thể, CNG đã đầu tư 1 máy nén khí với tổng vốn đầu tư 80 tỷ đồng nhằm nâng công suất thiết kế của nhà máy từ 70 triệu Sm3 lên 100 triệu Sm3, tương đương tăng khoảng 42,9%.

CNG cho biết sẽ duy trì mức chi trả cổ tức với tỷ lệ 35% mệnh giá cho 2014 và các năm tới, tương ứng lợi tức cổ tức 9,2 %. Chúng tôi cho rằng 35% là tương đối khả thi do đến cuối quý II/2014, CNG duy trì lượng tiền mặt là 352 tỷ đồng, tương đương 13.000 đồng/cp (sau khi trừ chi phí đầu tư máy nén và chi trả phạt thuế còn khoảng 9.000 đồng/cp). Ngoài ra, tỷ lệ chi trả cổ tức/EPS khoảng 68% là tương đối phù hợp do có ít nhu cầu đầu tư trong 2 năm tới.

Tỷ lệ nợ /Vốn CSH rất thấp chỉ khoảng 15,8%. Khả năng chi trả lãi vay khoảng 17 lần - khá an toàn. CNG luôn duy trì vị thế tiền mặt ròng và luôn tăng trưởng ổn định từ 2007 đến nay . Đến cuối quý II/2014 CNG vị thế tiền mặt ròng đạt 352,8 tỷ đồng, tăng 12,5% so với quý trước.

Chúng tôi ước tính, chi phí khấu hao 2015 sẽ giảm đáng kể 62,8% so với cùng kỳ năm ngoái xuống chỉ còn khoảng 48 tỷ đồng. Điều này sẽ là điểm cộng cho Lợi nhuận của CNG trong 2015 và các năm sau đó. Chúng tôi đưa ra giá mục tiêu 46.000 đối với CNG dựa trên PE kỳ vọng 7,14 lần, chiết khấu 30% so với trung bình ngành là 10,2 lần.

T.Thúy

nguồn: Tinnhanhchungkhoan.vn


{fcomment}