Để tiếng đàn bầu Việt Nam mãi vang xa

Đàn bầu (độc huyền cầm) nhạc cụ truyền thống độc đáo của Việt Nam đã 'chu du' hơn trăm quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, trước xu thế giao lưu, hội nhập âm nhạc của công nghệ, internet hiện nay, âm nhạc cổ truyền nói chung và đàn bầu dần bị giới trẻ quên lãng.

NSƯT Đàn bầu Việt Nam Lệ Giang biểu diễn cùng ngôi sao nổi tiếng người Ả-rập, nam ca sĩ Aseel Abu Baker.

Độc đáo “Cung thanh là tiếng mẹ/Cung trầm là giọng cha”

Tối 12/10/2021, tại sân khấu ngoài trời lớn nhất trong khu tổ hợp EXPO 2020 Dubai, một trong những chương trình nghệ thuật hàng đầu của EXPO 2020 đã diễn ra với sự góp mặt của Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Đàn bầu Việt Nam Lệ Giang. Đàn bầu Việt Nam hòa tấu cùng ban nhạc truyền thống Trung Đông và ngôi sao nổi tiếng người Ả-rập Xê-út, nam ca sĩ Aseel Abu Baker.

“Đêm nhạc Jalsat” là loạt chương trình tổ chức hàng tháng, từ tháng 10/2021 đến tháng 3/2022 trong khuôn khổ EXPO 2020. Chương trình nhận được rất nhiều sự quan tâm của truyền thông và người dân các nước Vùng Vịnh. Các nhà tổ chức tham vọng không chỉ giới thiệu một phần di sản âm nhạc của UAE mà còn đem lại cho người xem một trải nghiệm độc nhất vô nhị khi đưa các nhạc cụ dân tộc của một số quốc gia trên thế giới cùng trình diễn với ban nhạc truyền thống Trung Đông và các nghệ sĩ tên tuổi trong khu vực.

Đàn bầu Việt Nam là nhạc cụ duy nhất được mời tham gia ngay trong chương trình “Đêm nhạc Jalsat” số đầu tiên. Xuất hiện trong tà áo dài màu vàng rực rỡ, NSƯT Lệ Giang (giảng viên Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) gần như ngay lập tức trở thành tâm điểm của sân khấu. Âm thanh đàn bầu đã mở đầu tiết mục một cách đầy tự tin, dẫn dắt người nghe vào giai điệu sôi động của ca khúc Gedar Gedar do nam ca sĩ Aseel Abu Baker trình bày. Sự điêu luyện của nghệ sỹ đàn bầu Việt Nam được thể hiện rõ trong những phút ngẫu hứng “duyên dáng” mà không làm mất đi sự hòa hợp với giọng hát ấm áp của danh ca người Ả-rập Xê-út Aseel Abu Baker, vốn là ngôi sao rất được yêu thích tại khu vực Vùng Vịnh.

Nói về buổi diễn, NSƯT Lệ Giang chia sẻ: “Tôi rất cảm kích khi được Ban tổ chức chào đón nồng nhiệt, các nghệ sĩ thân thiện, ấm áp và đặc biệt là được “đối thoại và phiêu” cùng ca sĩ nổi tiếng Aseel Abu Baker. Sử dụng những nhạc cụ tiêu biểu của mỗi dân tộc, chúng tôi đã cùng hòa tấu nên giai điệu bạn bè, những thanh âm của tình hữu nghị, kết nối và đến gần nhau hơn”.

Trong hàng chục năm qua, độc huyền cầm Việt Nam “chu du” hơn trăm quốc gia trên thế giới. NSƯT Lệ Giang với hơn 30 năm gắn bó với cây đàn đã vinh dự được đem tiếng nhạc thánh thót đến hơn 80 quốc gia trên thế giới. Ngoài NSƯT Lệ Giang, còn có Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Hoàng Anh Tú, NSND Nguyễn Tiến, NSƯT Kim Anh, nghệ sĩ Phạm Đức Thành, nghệ sĩ Lê Hoài Phương… góp phần đưa tiếng đàn bầu “cung thanh là tiếng mẹ, cung trầm là giọng cha” đi khắp 5 châu.

Cần khẳng định chủ quyền của Việt Nam với đàn bầu

Xuất phát từ một nhạc cụ dùng để kiếm sống của những người hát Xẩm phiêu bạt khắp làng quê, góc phố nghèo, kẻ chợ... vùng Đồng bằng Bắc Bộ, đàn bầu - tham gia một số dàn nhạc sân khấu chèo, tuồng. Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, đàn bầu được thay thế đàn tam trong ngũ tuyệt tranh - tỳ - nhị và bầu trong dàn nhạc cung đình Huế. Đàn bầu sau nhiều lần cải tiến, đến nay có thể tham gia hòa tấu với nhiều nhạc cụ khác cùng một lúc và có thể trình diễn trên sân khấu lớn.

Trong số các đàn một dây trên thế giới, đàn bầu của Việt Nam được đánh giá là rất đặc sắc, độc đáo, bởi nó là cây đàn duy nhất phát ra âm bồi, không có phím bấm nhưng có thể chơi được tất cả các cao độ, có khả năng trình diễn tất cả các kỹ thuật rung, nhấn, đặc biệt là kỹ thuật luyến láy… Tuy nhiên, trước xu thế giao lưu, hội nhập âm nhạc như “vũ bão” của công nghệ, internet hiện nay, âm nhạc cổ truyền nói chung và đàn bầu dần bị giới trẻ thờ ơ.

Những năm gần đây, đàn bầu dần ít xuất hiện trong lễ hội, chương trình ca múa nhạc ngay cả trên sóng truyền hình, thay vào đó các dòng nhạc như pop, điện tử luôn thống trị. Các chương trình dành cho các nghệ sĩ biểu diễn nhạc cụ dân tộc bắt đầu khan hiếm. Số người theo học đàn bầu giảm đáng kể, hầu như không có sân khấu chuyên nghiệp nào dành riêng để biểu diễn các nhạc cụ truyền thống, trong đó có đàn bầu. Ngoài ra, chế độ đãi ngộ chưa thật sự hấp dẫn đối với loại hình âm nhạc dân tộc.

Mỗi năm có khoảng 20-30 sinh viên tốt nghiệp đàn bầu từ khối các trường văn hóa nghệ thuật. Đầu ra chính của những người học nhạc cụ truyền thống là các đoàn nghệ thuật truyền thống, nhưng những đoàn này chỉ có biên chế một người cho mỗi loại nhạc cụ dân tộc, nên không thể tuyển thêm. Do vậy, những sinh viên ra trường sẽ chẳng biết đi về đâu. Thiếu đất diễn, nhiều người đã tự xoay xở thành lập một số ban nhạc, nhóm đàn bầu nhỏ lẻ để biểu diễn trong nhà hàng, khách sạn.

Thế nhưng vì nhu cầu ít, một số ban nhạc, nhóm đàn bầu tan rã chuyển nghề. Vì “cơm áo, gạo, tiền”, nghệ sĩ đàn bầu dù có tâm với nghề thì tài năng cũng dần mai một. Ngay cả việc đào tạo cũng như sáng tác cho nhạc cụ này chưa được quan tâm đúng mức. Theo chuyên gia âm nhạc, hiện chỉ loanh quanh hơn 10 tác phẩm giảng dạy.

Không chỉ thế, các chuyên gia âm nhạc còn lo ngại trước một số dấu hiệu xâm hại quyền sở hữu đàn bầu của Việt Nam ở nước ngoài. Theo các chuyên gia âm nhạc, Nhà nước cần nhanh chóng lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận cây đàn bầu là giá trị văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại của Việt Nam, để có thể làm tốt hơn công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị của đàn bầu - nhạc cụ truyền thống độc đáo của Việt Nam, đồng thời, khẳng định rõ ràng cây đàn bầu là của người Việt Nam, từ đó lan tỏa giá trị văn hóa Việt Nam ra thế giới. Hay nói cách khác, các nhà quản lý văn hóa cần sớm đưa ra những tài liệu nghiên cứu chính xác có tính thuyết phục hơn để khẳng định chủ quyền của Việt Nam với đàn bầu.

Nguồn: https://baophapluat.vn/de-tieng-dan-bau-viet-nam-mai-vang-xa-post417834.html