Doanh nghiệp BĐS thời Covid-19: Nơi đóng cửa, nơi sếp bỏ tiền túi trả lương

Sàn giao dịch đóng cửa hàng loạt

Nói về ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến thị trường bất động sản (BĐS), ông Nguyễn Văn Đính - Phó chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam cho biết, trong tổng số khoảng 1.000 sàn môi giới, hiện có tới hơn 300 sàn phải đóng cửa, khoảng 500 sàn giao dịch phải tạm dừng hoạt động một phần.

“Thống kê trong hệ thống Hội Môi giới BĐS Việt Nam và từ Bộ Xây dựng cho thấy, đến cuối năm 2018 cả nước có khoảng 1.000 sàn giao dịch BĐS, trong đó TP.HCM có khoảng 300 sàn, nhưng đến cuối năm 2019 do nguồn cung sụt giảm, các sàn bắt đầu rơi rụng, hoạt động vất vưởng nhưng chưa đóng cửa nhiều.

Đáng nói, đến giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát thì tình trạng đóng cửa các sàn môi giới BĐS diễn ra ồ ạt, nhất là ở Đà Nẵng, Nha Trang gần như 90% đóng cửa”, ông Đính nói.

Trong tổng số khoảng 1.000 sàn môi giới BĐS, hiện có tới hơn 300 sàn phải đóng cửa, khoảng 500 sàn giao dịch phải tạm dừng hoạt động một phần.

Tại TP.HCM, nhiều công ty ở "thời kỳ vàng son" (2018-2019) có đến 500 nhân viên kinh doanh, nay buộc phải cho nghỉ toàn bộ, chỉ còn lại dàn lãnh đạo.

“Công ty giờ cũng chỉ còn dự án cũ, xem như bán hàng tồn kho. Vừa lúc hàng khó bán, lại thêm dịch bệnh, khiến cho tình hình càng trầm trọng hơn. Để giải quyết bài toán kinh tế trước mắt, chúng tôi buộc phải cho nhân viên nghỉ, để lại vài ba người làm cầm chừng", một lãnh đạo công ty BĐS tại quận 3 (TP.HCM) cho hay.

Một công ty bất động sản có tiếng ở Bình Dương cũng rơi vào tình trạng tương tự. Song, để duy trì được bộ máy của công ty, các lãnh đạo công ty chọn phương án tự bỏ tiền túi ra trả lương cho nhân viên.

"Đầu tháng 3, trước tình hình dịch bệnh khó khăn, chúng tôi vừa quyết định nâng lương cho nhân viên mỗi nguời thêm 1 triệu đồng. Hiện tại dự án không có khách hàng đến xem do dịch bệnh, biết việc cắt giảm nhân sự là phương án khả thi nhất, song nghĩ lại các bạn đều đồng hành với chúng tôi từ rất lâu, giờ vì khó khăn mà sa thải thì không ổn.

Do đó, chúng tôi (các Phó Giám đốc và Giám đốc - PV) quyết định lấy tiền túi để trả lươg cho các bạn nhân viên, mong mùa dịch qua sớm. Chứ nếu tính bài toán lâu dài, giờ cho nhân viên nghỉ đồng loạt, hết mùa dịch tuyển lại cũng không phải việc dễ dàng", lãnh đạo công ty này chia sẻ.

Bất động sản cũng cần được giải cứu

Trong một diễn biến khác, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) vừa có công văn gửi Chính phủ, Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế xin gia hạn nộp thuế để hỗ trợ doanh nghiệp BĐS ứng phó và vượt qua khó khăn trước mắt.

Theo VNREA, hiện nay đại dịch Covid-19 đang có diễn biến phức tạp, thị trường BĐS đang gặp rất nhiều khó khăn do bị ảnh hưởng bởi dịch. Phía sau những dự án và doanh nghiệp BĐS là hàng vạn người lao động các ngành xây dựng, vật liệu, du lịch, nghỉ dưỡng,... Nếu thị trường BĐS rơi vào "ngủ đông" sẽ có thể kéo theo hiệu ứng dây chuyền lan nhanh tới nhiều ngành nghề khác.

Trước ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp BĐS phải đóng cửa, số khác gắng bám trụ bằng cách bỏ tiền túi trả lương nhân viên.

Cũng theo VNREA, kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh, đã có nhiều sàn giao dịch BĐS phải đóng cửa do tình hình kinh doanh không hiệu quả. Trước đây, bình quân mỗi ngày nhân viên kinh doanh tiếp cận 3-4 khách hàng tiềm năng thì sẽ có một người quan tâm và chốt đơn hàng.

Thế nhưng, từ khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khách hàng đã không quay lại sàn giao dịch khiến tình hình kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Hiện nay có rất nhiều nhà đầu tư đang rút tiền về, tạm ngưng mọi hoạt động mua bán.

Hiệp hội BĐS Việt Nam thừa nhận thị trường BĐS đang ngấm đòn bởi dịch Covid-19.

Ông Nguyễn Trần Nam - Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam cho rằng, các doanh nghiệp BĐS hiện nay đang gặp những khó khăn chung, một mặt vẫn phải gồng mình gánh rất nhiều khoản chi phí cố định như chi phí đầu tư, chi phí vốn, lãi vay.

Không ít doanh nghiệp đang đứng trước nguy cơ cạn dòng tiền và phải nợ thuế, nợ bảo hiểm xã hội. Bên cạnh đó, trong hoàn cảnh doanh nghiệp các ngành đang "giật gấu vá vai", chính các doanh nghiệp BĐS cũng đang phải hỗ trợ đối tác bằng cách giảm giá thuê mặt bằng, giãn tiến độ trả tiền thuê hay thậm chí miễn tiền thuê. Nhiều doanh nghiệp BĐS hiện đang lo lắng về một viễn cảnh thị trường rơi vào thời kỳ "ngủ đông" như giai đoạn 2011-2013.

Trước những khó khăn đang bủa vây các doanh nghiệp, VNREA có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính và Tổng Cục thuế xin bổ sung doanh nghiệp BĐS vào nhóm được xem xét giãn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng và tiền thuê đất.

VNREA cũng cho rằng, cần kéo dài thời gian gia hạn nộp các loại thuế nêu trên cho doanh nghiệp là 1 năm thay vì 5 tháng.


Nguồn: Báo VTC News