Đổi thay ở vùng đất phía bắc Đồng Nai

Sau 12 ngày đêm chiến đấu anh dũng, sáng 21/4/1975, chiến dịch giải phóng Xuân Lộc toàn thắng, quân ta đã mở toang 'cánh cửa thép' ở tuyến phòng thủ phía đông của địch, tạo đà cho đại quân ta tiến về giải phóng Sài Gòn, thống nhất đất nước…

Một góc đô thị Long Khánh hôm nay.

47 năm sau ngày giải phóng, từ một vùng đất chằng chịt hố bom, xác pháo, thành phố Long Khánh hôm nay đã trở thành đô thị sầm uất nhất phía bắc tỉnh Đồng Nai, còn huyện Xuân Lộc đang đi đầu cả nước trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.

Ký ức hào hùng

Những ngày tháng 4 này, ký ức về cuộc chiến đấu 12 ngày đêm ác liệt của chiến dịch Xuân Lộc lại ùa về đối với ông Đào Bá Lượng, Đội trưởng Biệt động Thị đội Long Khánh năm 1975. Ông Lượng cho biết, trước khi mở màn chiến dịch, đơn vị được cấp trên giao nhiệm vụ dẫn đường cho bộ đội chủ lực đánh vào nội ô để giải phóng Long Khánh.

Ông Đào Bá Lượng kể lại những ký ức dẫn bộ đội chủ lực tham gia giải phóng nội ô Long Khánh năm 1975.

“Nhận lệnh lúc đó, trong người tôi cảm giác như đi trên mây, vì toàn bộ anh em trong đơn vị biệt động khao khát được tham gia chiến dịch, bước chân vào giải phóng Long Khánh, dù hy sinh bao nhiêu cũng sẵn sàng”, ông Lượng nhớ lại.

Sáng 9/4, mở màn chiến dịch, pháo của quân ta pháo kích vào các vị trí trọng yếu của địch trong nội ô Long Khánh. Sau khoảng 30 phút, khi tiếng pháo vừa dứt, ông Lượng dẫn đường cho xe tăng, phía sau là bộ binh của Sư đoàn 7 tấn công vào Long Khánh từ hướng đông bắc. Khi quân ta đánh trực diện vào Bộ Tư lệnh Sư đoàn 18 của địch đã gặp sự phản kháng rất ác liệt. Những ngày sau đó, cuộc chiến đấu diễn ra ngày càng ác liệt, tổn thất cả ta và địch tăng lên.

Còn ông Trần Văn Phú, chiến sĩ Đội Công binh xưởng Quân giới Thị đội Long Khánh, là người đã nghiên cứu chế tạo thành công “bệ phóng bom bay” - dùng đạn pháo lép của địch làm vũ khí đánh địch. Với vũ khí này, ông Phú đã cùng đồng đội đánh các đồn, bốt của địch trong thị xã. Từ tháng 6/1971 đến ngày giải phóng Long Khánh 21/4/1975, Đội Công binh xưởng Quân giới đã phối hợp các lực lượng khác trên địa bàn đánh hơn 70 trận, tiêu diệt và làm bị thương hơn 1.000 tên địch.

Ông Trần Văn Phú kể về việc chế tạo “bệ phóng bom bay” để đánh các đồn, bốt địch.

Ông Phú cho biết, lúc bấy giờ, địch xác định mất Xuân Lộc là mất Sài Gòn, còn đối với ta, xác định muốn giải phóng Sài Gòn thì phải đập tan “cánh cửa thép” Xuân Lộc nên cuộc chiến đấu giữa ta và địch tại đây vô cùng ác liệt.

Sau 12 ngày đêm chiến đấu anh dũng, đến sáng 21/4/1975, quân ta đã mở toang “cánh cửa thép” của kẻ địch. Thắng lợi của chiến dịch Xuân Lộc mở ra thời cơ chiến lược cho đại quân ta tiến hành Chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước.

Vươn mình phát triển

Sau ngày hòa bình, mảnh đất từng là “cánh cửa thép” của địch phải đối mặt với biết bao khó khăn, thách thức của chiến tranh để lại. Năm 1991, Xuân Lộc được tách thành hai đơn vị hành chính là huyện Xuân Lộc và thị xã Long Khánh, thuộc tỉnh Đồng Nai. Ngày nay, Long Khánh và Xuân Lộc đã và đang vươn mình phát triển. Một trong những thành tựu được xem là kỳ tích: Năm 2014, Long Khánh và Xuân Lộc trở thành hai đơn vị cấp huyện đầu tiên của cả nước được công nhận hoàn thành xây dựng nông thôn mới.

Là người sinh ra, lớn lên ở Long Khánh từ trước ngày giải phóng đến nay, bà Nguyễn Thị Lái cảm nhận sâu sắc về sự đổi thay, phát triển vượt bậc của quê hương. Đặc biệt, từ ngày được công nhận thành phố, Long Khánh đã bứt phá mạnh mẽ về kinh tế, đời sống của người dân không ngừng được nâng cao. Đợt dịch Covid-19 bùng phát mạnh năm 2021, càng chứng kiến sự gắn bó, đoàn kết của các tầng lớp nhân dân cùng cấp ủy, chính quyền vượt qua khó khăn, thách thức.

Bà Nguyễn Thị Lài tham quan mô hình quy hoạch xây dựng đô thị Long Khánh.

Kỷ niệm 47 năm giải phóng cũng là thời điểm chính quyền thành phố Long Khánh tổ chức công bố quy hoạch phát triển đô thị cho giai đoạn tới. Theo đó, đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050, thành phố Long Khánh được xác định là trung tâm công nghiệp, công nghiệp phụ trợ của tỉnh Đồng Nai và vùng TP Hồ Chí Minh. Đồng thời là trung tâm thương mại, dịch vụ, giao thương hàng hóa, kho vận nông sản, du lịch sinh thái nông nghiệp, văn hóa lịch sử cấp vùng.

“Việc công khai quy hoạch như thế này người dân Long Khánh càng thụ hưởng được những ưu đãi. Bởi lẽ, sẽ biết được các khu vực, dự án quy hoạch thế nào, từ đó đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh hoặc chọn cho mình một nơi ở tốt đẹp hơn”, bà Lái nói.

Bí thư Thành ủy Long Khánh Hồ Văn Nam cho biết, phát huy truyền thống quê hương anh hùng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Long Khánh đang nỗ lực xây dựng thành phố trở thành đô thị theo hướng “Xanh, văn minh, an toàn, hiện đại”. Để thực hiện được điều này, một trong những nhân tố quan trọng hàng đầu là phát huy sức mạnh của ý Đảng, lòng dân, lấy người dân là trung tâm của quá trình phát triển, chất lượng cuộc sống phải ngày càng được nâng cao. Cùng với đó, tiếp tục thực hiện xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, phấn đấu trở thành đảng bộ kiểu mẫu về mọi mặt của tỉnh Đồng Nai.

Đường giao thông nông thôn ở huyện Xuân Lộc ngày càng thông thoáng, sạch đẹp.

Huyện Xuân Lộc đang trong lộ trình hiện thực hóa trở thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2025. Bí thư Huyện ủy Xuân Lộc Viên Hồng Tiến chia sẻ, một trong ba khâu đột phá được huyện xác định và đang tập trung thực hiện là đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất cho đến tiêu thụ, phát triển công nghiệp bảo quản và chế biến sâu, chú trọng xây dựng thương hiệu hàng hóa và du lịch sinh thái vườn.

Hiện, toàn huyện có 590 mô hình sản xuất nông nghiệp đạt từ 300 triệu đồng đến hơn 1 tỷ đồng/ha/năm; 51 sản phẩm được cấp chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa. Trong 5 năm qua, giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 46.500 tỷ đồng, tăng bình quân 10,48%/năm; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt hơn 14 nghìn tỷ đồng. Kinh tế phát triển, đời sống mọi mặt của nhân dân ngày càng được nâng cao…

Chiến tranh đã lùi xa 47 năm, trên vùng đất “cánh cửa thép” ngày nào, hôm nay Long Khánh đã trở thành thành phố phát triển năng động, với nhiều sáng tạo được xem là hình mẫu về sự phát triển của tỉnh Đồng Nai. Huyện Xuân Lộc đang hướng đến một trong bốn huyện nông thôn mới kiểu mẫu đầu tiên của cả nước vào năm 2025. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân hai địa phương đang tiếp tục ra sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh, nghĩa tình…

Nguồn: https://nhandan.vn/tin-tuc-xa-hoi/doi-thay-o-vung-dat-phia-bac-dong-nai-693911/