Genco 3 tiên phong cổ phần hóa

Tổng công ty Phát điện 3 (Genco 3) sẽ là đơn vị đầu tiên thực hiện cổ phần hóa trong số 3 Genco hiện có của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Genco 3 tiên phong cổ phần hóa

Khó đủ bề

Genco 3 là đơn vị có quy mô lớn nhất khi quản lý tổng công suất phát điện tới 4.445 MW. Năm 2013, doanh thu hợp nhất của Genco 3 đạt 19.056 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế hợp nhất là 283 tỷ đồng; tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu đạt 2,2%.

Tuy nhiên, kết quả trên chưa tính tới phần chênh lệch tỷ giá của các khoản vay ngoại tệ để đầu tư các nhà máy điện mà họ đang quản lý. Nếu tính đủ phần chênh lệch tỷ giá là 515 tỷ đồng, thì năm 2013, Genco 3 bị lỗ.

Tại hai Genco còn lại, câu chuyện cũng tương tự.

Phân tích của EVN về các Genco để chuẩn bị cho tiến trình cổ phần hóa cũng cho thấy, trong giai đoạn 2014 - 2019, cả 3 Genco đều chưa cân đối được tài chính giữa dòng tiền vào và dòng tiền ra. Tại Genco 3, con số không cân đối tài chính được là 11.642 tỷ đồng cho 5 năm nói trên.

Do mới bắt đầu hoạt động theo mô hình Genco từ tháng 1/2013, nên các Genco đều khó khăn, chưa đáp ứng các chuẩn mực tài chính để đảm bảo hoạt động bình thường và không thể tự huy động vốn.

Theo EVN, chỉ tính riêng vốn đối ứng mà các Genco phải có để thực hiện các dự án đầu tư đang triển khai xây dựng cũng là thách thức không nhỏ. Tại Genco 1, để thực hiện các dự án đang triển khai, cần vốn đối ứng tới 24.443 tỷ đồng. Tại Genco 2, con số này là 5.284 tỷ đồng và tại Genco 3 là 39.652 tỷ đồng. “Sau cổ phần hóa, EVN không thể bảo lãnh 100% vốn vay như khi các Genco còn là công ty TNHH một thành viên thuộc EVN. Bởi vậy, cần có các giải pháp để khắc phục các khó khăn, tồn tại này”, một quan chức của EVN cho phóng viên Báo Đầu tư biết.

Cổ phần hóa để hình thànhthị trường điện

Điểm đặc biệt là các tính toán tài chính của Genco đã không hề nhắc tới lợi nhuận kinh doanh sẽ thu được trong giai đoạn 2014 - 2019. Nguyên nhân là, giá bán lẻ điện tới tay người tiêu dùng hiện do Chính phủ quy định, thay vì chịu sự chi phối của quy luật thị trường. Trong khi đó, các chi phí đầu vào cho phát điện lại hoạt động theo cơ chế giá thị trường.

Thực tế này đã khiến các Genco đành bỏ trống phần lợi nhuận sẽ thu được trong hoạt động sản xuất điện của mình giai đoạn 2014 – 2019, vì không biết tính ra sao.

Tuy nhiên, đó cũng chính là động lực để ngành điện tiếp tục tái cơ cấu nhằm tạo ra thị trường điện cạnh tranh hoàn hảo mà Chính phủ đang theo đuổi, kể từ khi đi bước đầu tiên hồi năm 2005.

Theo lộ trình này, để tạo ra thị trường bán buôn điện cạnh tranh, các đơn vị phát điện phải độc lập với nhau và không có chung lợi ích với các đơn vị khác tham gia thị trường để tạo ra sự cạnh tranh và minh bạch.

Bởi vậy, đầu năm 2014, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã yêu cầu EVN trước mắt chọn một Genco hoạt động tương đối ổn định để thực hiện thí điểm cổ phần hóa trong năm 2014 - 2015.

Tổng công ty Điện lực Dầu khí (PV Power) và Tổng công ty Điện lực - Vinacomin cũng được Chính phủ yêu cầu xây dựng phương án cổ phần hóa để thực hiện lộ trình thị trường điện.

Theo GS-TS Trần Đình Long, Phó chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam, mặc dù có những yếu tố không thuận như quy mô vốn, hiệu quả kinh doanh chưa cao, song vẫn cần đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa các Genco để đảm bảo sự minh bạch, lành mạnh, quản lý tốt hơn. Đặc biệt, cần hình thành các đơn vị điện lực không phụ thuộc vào EVN để tạo nên những yếu tố mới thúc đẩy việc xây dựng thị trường điện cạnh tranh.

Theo Thanh Hương
baodautu.vn

{fcomment}