Trong cuộc trao đổi bàn tròn với nhà báo Hải Vân, đa số chuyên gia chứng khoán đều có chung nhận định, tuần tới, dòng tiền sẽ dịch chuyển sang nhóm midcap và penny cơ bản tốt chưa tăng giá trong nhịp vừa qua. Tuy nhiên, trong một xu thế thị trường tăng điểm dài hạn bao giờ cũng phải phụ thuộc vào bluechips.
Ông Phạm Xuân Bình, Phó giám đốc Khối phân tích của BVSC
Ông Phạm Xuân Bình
Tôi cho rằng, diễn biến sụt giảm của TTCK Mỹ và châu Âu trong thời gian vừa qua là nguyên nhân chính tác động đến động thái giao dịch của khối ngoại, đặc biệt là các quỹ ETFs. Bên cạnh đó, sự sụt giảm trong KQKD quý II của một số bluechips cũng làm nảy sinh nhu cầu tái cơ cấu, giảm tỷ trọng đầu tư tại các mã này.
Việc bán ròng của các nhà đầu tư nước ngoài tại các mã cổ phiếu vốn hóa lớn, mang tính dẫn dắt có thể sẽ ảnh hưởng đến đà hồi phục của các chỉ số liên quan, điều này đã phần nào được thể hiện qua diễn biến suy yếu tương đối của VNINDEX so với HNXINDEX trong tuần qua.
Mặt khác, trong quá khứ, sau mỗi đợt bán ròng liên tiếp của khối ngoại tại các vùng kháng cự mạnh, thị trường thường có xu hướng điều chỉnh ngắn hạn sau đó. Do vậy, mặc dù hiện tại lực cầu trong nước vẫn đang đủ sức giữ nhịp cho 2 chỉ số, nhưng nếu động thái bán ròng với giá trị lớn của khối ngoại vẫn tiếp diễn, kết hợp với thời điểm tiếp cận các vùng kháng cự mạnh của hai chỉ số, rủi ro bước vào một nhịp điều chỉnh trong ngắn hạn là hiện hữu.
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn và đầu tư, CTCK Maybank Kimeng
Trong ngắn hạn, tác động rõ nhất đó là việc hơn 1 tuần qua VN-Index yếu hơn hẳn HNX-Index khi VN-Index tăng thì ít hơn, mà giảm thì nhiều hơn HNX-Index.
Điều này nhiều khả năng sẽ tiếp tục trong thời gian tới, ít nhất là trong tháng 8 này. Tuy nhiên, việc ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường theo tôi là không nhiều, khác với đợt bán ròng mạnh vào tháng 3, khối ngoại bán ròng trên diện rộng, ở hầu hết các mã và bán ròng cả 2 sàn (hiện chỉ tập trung nhiều ở sàn HOSE).
Bên cạnh đó, ngoài việc khối ngoại bán ròng, thì khác với tháng 3, các nhà đầu tư lớn khác như các quỹ, tổ chức tài chính khác vẫn duy trì trạng thái mua nhiều hơn. Ngoài ra, không loại trừ việc có thể các nhà đầu tư ngoại sử dụng ủy thác vốn cho các nhà đầu tư nội, nhất là khi quỹ ETF nội sắp được niêm yết không có hạn chế việc sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài.
Bà Nguyễn Ngọc Lan, Phó phòng Môi giới và dịch vụ, CTCK Ngân hàng Nông nghiệp (Agriseco)
Tính từ ngày 6/8 đến 14/8, trên sàn HOSE, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 1.144,6 tỷ đồng, trong khi đó, mức bán ròng trong cả tháng 3 là 1.670 tỷ đồng (sau đó thị trường giảm mạnh trong tháng 4).
Rõ ràng, áp lực bán ròng mạnh của khối ngoại trong quá khứ đã khiến thị trường giảm điểm. Do vậy, nếu khối ngoại tiếp tục bán ròng sẽ khiến thị trường khó tăng được nhiều và mức độ rủ ro của thị trường tăng cao.
Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc chiến lược, CTCK Maritime Bank (MSBS)
Tôi vẫn duy trì quan điểm lạc quan trong trung hạn đối với xu hướng VN-Index. Trong ngắn hạn, chỉ số VN-Index dao động ở biên độ hẹp, kèm theo khối lượng giao dịch cải thiện cho thấy thị trường đang giao dịch sôi động và phản ứng tích cực hơn so với 3 phiên điều chỉnh đầu tuần.
Tuy nhiên, dòng tiền hiện nay không chỉ tập trung vào môt số cổ phiếu lớn, mà cả nhiều cổ phiếu midcap cơ bản - dòng tiền với thanh khoản lớn ở nhiều cổ phiếu như GMD, KDC, ITA, PVT, DLG, PXS đã phản ánh điều này.
Tuy nhiên, việc khối ngoại bán ròng liên tục cũng là điểm đáng chú ý và chúng ta cần thận trọng hơn ở những cổ phiếu mà khối ngoại đang bán ra. Như vậy, thị trường sẽ có có khả năng tăng mạnh như việc giảm sâu là kịch bản ít có khả năng xảy ra và thị trường sẽ điều chỉnh nhẹ trước khi chinh phục mốc 610 điểm trong thời gian tới.
Ông Trần Minh Hoàng, Trưởng nhóm phân tích vĩ mô, CTCK VCBS
Khối ngoại đóng góp vai trò quan trọng cho thị trường chứng khoán Việt Nam trên 2 phương diện: giá trị thực mua/bán và tâm lý nhà đầu tư.
Về giá trị, lượng bán ròng trên 1.200 tỷ đồng trong 8 phiên 5/8 - 14/8 là lượng không hề nhỏ và tương đương với cả tháng mua ròng của khối này.
Về tâm lý, quan điểm đầu tư của khối ngoại thường có khá nhiều điểm chung với các nhà đầu tư tổ chức. Đồng thời, dữ liệu lịch sử cho thấy, mỗi khi khối ngoại bán ròng mạnh tay là khi thị trường có thể đảo chiều hoặc ít nhất là chững lại đà tăng.
Do vậy, tôi cho rằng, trong ngắn hạn, thị trường có thể khó có cơ hội bứt phá đi lên khi các nhà đầu tư nước ngoài chưa ngừng bán ra. Thay vào đó, khả năng đi ngang tích lũy là kịch bản tôi kỳ vọng nhất.
Ông Giang Trung Kiên, Giám đốc Phân tích CTCK FPTS
Hiện tượng bán ròng của nhóm ngoại tập trung vào nhóm cổ phiếu có vốn hóa lớn đang diễn ra và có thể sẽ tiếp tục.
Mặc dù tiếp nhận khối lượng bán tương đối lớn từ khối ngoại, nhưng diễn biến thị trường cho tới thời điểm này vẫn khá tốt, thể hiện qua lực cầu hấp thụ và dòng tiền tiếp tục được duy trì, thanh khoản thị trường tăng dần qua các phiên.
Theo tôi, lực bán của khối ngoại mang yếu tố chốt lời ngắn hạn là chính. Vào tháng 5/2014, nhóm ngoại chính là nhóm mua ròng mạnh khi tác động của sự kiện biển Đông khiến thị trường rớt mạnh về mức hỗ trợ sâu tại 515 điểm. Cho tới thời điểm này, nhiều cổ phiếu trong đó có cả những bluechips có mức giá hồi phục hết sức hấp dẫn để tạo ra lợi nhuận tốt.
Ông Giang Trung Kiên
Tác động lớn từ lực bán khối ngoại sẽ tạo lực cản không nhỏ và khiến cơ hội hồi phục của chỉ số trở nên thiếu tích cực do thiếu sự đồng thuận và lực nâng đỡ cần thiết.
Hiện tượng các cổ phiếu trụ cột chịu áp lực bán sẽ khiến chỉ số không phản ánh chính xác diễn biến toàn thị trường, tuy nhiên, điều này cho tới nay đã không ảnh hưởng tiêu cực nhiều đến tâm lý nhà đầu tư. Thực tế cho thấy, tới thời điểm này hiện tượng bán tháo chưa xuất hiện. Dòng tiền đang trong trạng thái phân hóa tìm các cơ hội đầu tư, tranh thủ khi xu hướng thị trường đang tích lũy quanh mức kháng cự 600 điểm.
Nguyễn Hữu Bình, Trưởng phòng phân tích CTCK IVS
Tính đến nay, khối ngoại bán ròng 9 phiên liên tiếp với giá trị hơn 1.250 tỷ đồng và điều đó đang tác động rất lớn đến tâm lý của nhà đầu tư.
Mặc dù theo thống kê, thì 3 cổ phiếu là HAG, VIC và KDC chiếm tỷ lệ khá lớn, nên nhiều nhà đầu tư tin rằng, ETF vẫn chưa hành động. Nhưng thực tế cho thấy, DB ETF hay VNM ETF cũng đang có dấu hiệu bị rút vốn ròng và họ đã bán, dù không nhiều.
Hiện thị trường đang ở giai đoạn không xác định được xu hướng và loanh quanh vùng đỉnh 609 điểm của VN-Index và 80 điểm của HNX-Index. Trong khi đó, các nhóm bluechips cũng đã hồi phục lại gần sát vùng đỉnh, nên không còn nhiều hấp dẫn khiến động lực tăng đã yếu đi.
Ông Nguyễn Hữu Bình
Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn VIC, GAS, VNM ... đã làm việc hết công suất và liên tục kéo chỉ số suốt một thời gian dài.
Khối lượng giao dịch hiện vẫn giữ ở mức 70-80 triệu đơn vị/phiên/HOSE, chưa đủ điều kiện để bứt phá quá 609 điểm, nhưng cũng chưa phải là mức cực thấp cho thấy đó là điểm đáy.
Chưa có một dòng hay nhóm cổ phiếu nào làm chủ cuộc chơi, tạo ra sự dẫn nhịp như các sóng trước đây từng làm.
Nhiều thông tin cho thấy, trong thời gian gần đây, khối CTCK lại tiếp tục đẩy mạnh hoạt động margin, trong khi TTCK đang ở ngưỡng khá “nhạy cảm”, liệu điều này có gây rủi ro đối với thị trường hay không?
Ông Phạm Xuân Bình, Phó giám đốc Khối phân tích của BVSC
Trong thời gian gần đây, đà tăng của thị trường chủ yếu do sự chi phối và hỗ trợ tích cực, luân phiên của một vài cổ phiếu vốn hóa lớn. Điều này khiến thị trường diễn biến giằng co và phân hóa rõ nét giữa các nhóm cổ phiếu.
Việc dòng tiền mang tính chọn lọc cao, chỉ tập trung vào một số nhóm cổ phiếu mang tính cơ bản tốt và trên thực tế đã cho thấy những chuyển biến trong KQKD 6 tháng đầu năm là khá hợp lý.
Theo quan sát của tôi, sau khi nhóm này đã trải qua một nhịp tăng trưởng mạnh, đà tăng của thị trường trong 2 tuần vừa qua đã tỏ ra khá hưng phấn với sự lan tỏa của dòng tiền sang các nhóm cổ phiếu mang tính thị trường cao hơn, nhu cầu sử dụng margin của nhà đầu tư đã tăng trở lại.
Mặc dù vậy, tính đến thời điểm hiện tại thì tỷ lệ này chưa phải là cao nếu so với các giai đoạn tăng trưởng nóng trong quá khứ. Vì vậy, nếu thị trường xảy ra điều chỉnh mạnh, thì rủi ro từ hoạt động margin là có, nhưng có thể chỉ xảy ra ở mức độ nhẹ và tùy thuộc vào từng cổ phiếu riêng lẻ.
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn và đầu tư, CTCK Maybank Kimeng
Theo quan sát của tôi thì lượng margin hiện tại ước lượng chỉ khoảng trên 50% một chút so với lượng margin hồi tháng 3, dù vẫn đang xu hướng tăng dần, nhưng không quá mạnh. Bởi thế, nên trước mắt trong ngắn hạn thị trường vẫn ổn định, không quá tiêu cực như nhiều người lo lắng. Thậm chí, mức độ có thể là tích cực khi margin chỉ mới bắt đầu tăng nhẹ, nhiều dòng tiền mới tham gia thị trường, hay như ETF nội sắp tới cũng là một dòng tiền mới.
Bà Nguyễn Ngọc Lan, Phó phòng Môi giới và dịch vụ, CTCK Ngân hàng Nông nghiệp (Agriseco)
Hiện tại, tổng giá trị margin, cũng như thanh khoản thị trường vẫn thấp hơn mức tháng 3.Tuy nhiên, nếu giá trị margin tiếp tục gia tăng, đặc biệt ở các cổ phiếu penny, có tính đầu cơ cao, nhà đầu tư sử dụng margin có thể phải chịu rủi ro lớn khi thị trường quay đầu giảm điểm.
Bà Nguyễn Ngọc Lan
Ngay cả trong khi thị trường không trong giai đoạn tăng trưởng nóng thì các nhà đầu tư cũng đẩy mạnh việc sử dụng margin. Đa số các công ty chứng khoán cũng đang có các chính sách cạnh tranh nhất định liên quan đến sản phẩm cho vay margin và việc tỷ lệ margin đôi lúc cao khi thị trường chưa bùng nổ là điều dễ hiểu.
Rủi ro của thị trường luôn có và việc tăng và điều chỉnh của thị trường là chuyện binh thường. Rủi ro tác động hiện tại đến thị trường từ việc đẩy mạnh các hoạt động cho vay margin, theo tôi là ở mức trung bình và chưa có lý do gì phải lo lắng cả.
Ông Trần Minh Hoàng, Trưởng nhóm phân tích vĩ mô, CTCK VCBS
Xét về một khía cạnh, tôi cho rằng, điều này có gây ra rủi ro. Tuy nhiên, mức độ rủi ro, theo tôi, không nhiều bằng giai đoạn tạo đỉnh tháng 3/2014 do 2 nguyên nhân chính.
Thứ nhất, thị trường đã trải qua một cơn lốc “rũ, xả” vào đầu tháng 5, nên lượng hàng mua vào ở đỉnh cũ đã được giải quyết phần lớn. Do vậy, thị trường đạt lại giá trị đỉnh cũ với rủi ro giảm đi và khả năng giảm sâu như tháng 5/2014 gần như là không nhiều (nếu không có một sự kiện tiêu cực nào bất thường).
Thứ hai, theo thông tin của tôi có được, lượng margin của các CTCK cung cấp cho khách hàng cũng không nhiều và nóng như giai đoạn trước.
Ông Trần Minh Hoàng
Ông Giang Trung Kiên, Giám đốc Phân tích CTCK FPTS
Hiện chưa có thống kê cụ thể trong quý III về các khoản margin của top 10 các công ty chứng khoán lớn, tuy nhiên, dựa trên thông kê quý II vừa qua cho thấy, hoạt động margin đã giảm khá mạnh, từ hơn 10.000 tỷ đồng trong quý I xuống còn 7.300 tỷ đồng trong quý II, tức giảm 27,5%.
Nguyên nhân chủ yếu do lo ngại từ những biến động bất thường khó dự đoán được như hiện tượng biển Đông vừa qua. Tuy nhiên, so với cuối năm 2013, quy mô cho vay margin 6 tháng đầu năm 2014 vẫn tăng thêm 22,2%, từ mức gần 6.000 tỷ đồng.
Mặc dù vậy, chưa thể kết luận ngay là hoạt động margin sẽ tiếp tục giảm trong quý III này. Sau sự kiện biển Đông, tâm lý sử dụng margin trên thị trường đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhiều nhà đầu tư đã chịu mức lỗ lớn do sử dụng margin trong giai đoạn quý II vừa qua và thậm chí một số đã rút khỏi thị trường và ngừng giao dịch tạm thời. Theo tôi, tác động của nó sẽ còn kéo dài sang quý III này dù các công ty chứng khoán có đủ khả năng để cung ứng thêm lượng margin cho nhà đầu tư.
Một bằng chứng khác cho thấy, thống kê tiền gửi khách hàng tại top 10 CTCK đang ngày càng lớn. Điều này chứng tỏ khả năng tài chính của nhà đầu tư không phải là thấp, nhưng họ đang chờ đợi những tín hiệu rõ ràng hơn từ thị trường để trước hết là giải ngân tiền có sẵn, sau đó việc sử dụng đòn bảy mới được cân nhắc đến. Tuy nhiên, hoạt động margin thực tế vẫn đang diễn ra nhưng với diễn biến hiện tại của thị trường thì rõ ràng không thể kích thích nhà đầu tư sử dụng mạnh công cụ margin.
Nguyễn Hữu Bình, Trưởng phòng phân tích CTCK IVS
Hiện tại, tâm lý nhà đầu tư là cực kỳ tốt và khá nhiều người vẫn tin và kịch bản thị trường sẽ tăng tiếp và sớm chinh phục đỉnh cao 630 điểm. Dòng tiền nóng, hay tỷ lệ sử dụng đòn bẩy tài chính (Margin) đang ở mức khá an toàn, nên rủi ro giảm sâu khó xảy ra. Nhiều nhà đầu tư vì thế ít chịu áp lực phải bán ra khi giá cổ phiếu sụt giảm và vô hình trung đã khiến cho cung trở nên cạn kiệt mỗi khi giá xuống.
Dòng tiền nhiều khả năng sẽ lan tỏa sang nhóm cổ phiếu penny trong thời gian tới vì đây là nhóm cổ phiếu tích lũy khá lâu trong thời gian qua. Quan điểm của các ông/bà thế nào về ý kiến này?
Ông Phạm Xuân Bình, Phó giám đốc Khối phân tích của BVSC
Ngoại trừ một số mã ngành dầu khí, các cổ phiếu bluechips nhìn chung, sau khi trải qua một nhịp tăng mạnh, đang có dấu hiệu điều chỉnh để cân bằng lại cung cầu.
Hơn nữa, với áp lực bán ròng của khối ngoại tại các cổ phiếu này thì việc lôi kéo dòng tiền quay lại nhóm này trong ngắn hạn là tương đối khó khăn. Do đó, tôi cho rằng, khả năng sẽ có một phần dòng tiền chuyển hướng sang nhóm midcap và penny là có thể xảy ra.
Đây là nhóm cổ phiếu nhịp trước chưa tăng nhiều, nhưng trong thời gian gần đây lại điều chỉnh sâu và sớm hơn thị trường chung, vì vậy, đã về vùng hỗ trợ mạnh hơn so với thị trường.
Tuy nhiên, tôi cho rằng, diễn biến này sẽ mang tính phân hóa theo yếu tố thông tin cơ bản của doanh nghiệp và khó tạo được sự đột biến. Hơn nữa, vùng giá của nhiều cổ phiếu penny hiện cũng đã ở mặt bằng cao, yếu tố bất ngờ trong từ hoạt động sản xuất kinh doanh không còn, có thể sẽ khiến nhóm cổ phiếu này khó bứt phá mạnh như giai đoạn trước đó.
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn và đầu tư, CTCK Maybank Kimeng
Ông Phan Dũng Khánh
Bà Nguyễn Ngọc Lan, Phó phòng Môi giới và dịch vụ, CTCK Ngân hàng Nông nghiệp (Agriseco)
Trong 2 tuần trở lại đây, dòng tiền có dấu hiệu chảy mạnh vào các cổ phiếu penny chưa tăng nhiều, có tin đồn như lợi nhuận đột biến, bán tài sản, phát hành tăng vốn... Tuy nhiên, hiện tại mức độ rủi ro đã tăng cao khi các cổ phiếu này đã tăng 15% - 20%, trong khi nhà đầu tư nước bán ròng mạnh ở các cổ phiếu bluechip. Do vậy, tôi cho rằng, nhà đầu tư nên thận trọng và tránh mua đuổi ở giai đoạn này.
Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc chiến lược, CTCK Maritime Bank (MSBS)
Chưa hẳn dòng tiền sẽ lan tỏa sang các cổ phiếu penny nếu chúng ta chỉ nhìn vào diễn biến tích lũy giá của các cổ phiếu đó.
Nhiều cổ phiếu nhỏ, cổ phiếu yếu kém sẽ vẫn tích lũy, giao động trồi sụt ở các mức giá thấp mà rất hiếm cổ phiếu có sự bắt phá ngoại mục về giá. Điều này được giải thích bởi chính nền tảng cơ bản của các cổ phiếu này.
Ông Lê Đức Khánh
Trong tuần tới, tôi nghiêng về kịch bản thị trường sẽ điều chỉnh nhẹ quanh điểm cao 605 điểm. Thị trường cần thời gian tích lũy thêm để tăng điểm.
Ông Trần Minh Hoàng, Trưởng nhóm phân tích vĩ mô, CTCK VCBS
Tôi cho rằng, khả năng này là cao khi thị trường cũng đã đến lúc bước vào giai đoạn tìm kiếm điểm cân bằng mới. Bluechips đã tăng khá mạnh trong suốt thời gian qua và penny sẽ sớm được lan tỏa để thu hẹp khoảng cách giữa các nhóm cổ phiếu.
Theo đó, mặt bằng giá mới sẽ được thiết lập khi bluechips chững lại và penny tăng khá giúp VN-Index và HNX-Index duy trì trạng thái đi ngang tích lũy.
Ông Giang Trung Kiên, Giám đốc Phân tích CTCK FPTS
Như đã phân tích ở trên, xu hướng thị trường hiện tại thiên về kịch bản tích lũy quanh mức kháng cự trong 4 năm qua tại mức 600 điểm, do đó cơ hội có sự đột phá mạnh là chưa thể xảy ra. Tuy nhiên, dòng tiền đầu cơ vẫn có cơ hội hoạt động khi phân tán ra các cổ phiếu tầm trung và đặc biệt là penny với mức vốn hóa nhỏ có yếu tố cơ bản hỗ trợ và có yếu tố đột biến về thông tin.
Như vậy, lợi thế của dòng tiền đầu cơ sẽ dễ dàng hơn trong việc kiểm soát, cũng như tạo thanh khoản cho giao dịch.
Sự tích lũy của thị trường sẽ còn kéo dài và cần chú ý rằng, đợt cơ cấu danh mục của ETF sắp tới cũng như hiện tượng bán ròng của nhóm ngoại hiện nay có thể dẫn đến kéo dài hơn trạng thái đi ngang tích lũy hiện tại.
Một câu hỏi không thể thiếu, đâu là nhóm cổ phiếu đáng lưu ý trong tuần tới (18/8 đến 21/8)?
Ông Phạm Xuân Bình, Phó giám đốc Khối phân tích của BVSC
Đối với danh mục trung hạn, các nhà đầu tư nên tiếp tục hướng đến các cổ phiếu mang tính cơ bản ổn định, thuộc các ngành sản xuất, kinh doanh có nhiều tiềm năng như dệt may, thủy sản, cảng biển. Còn đối với hoạt động trading ngắn hạn, có thể tiếp tục theo dõi các cổ phiếu chứng khoán, xây dựng và vật liệu xây dựng.
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn và đầu tư, CTCK Maybank Kimeng
Trong khi các bluechips có vốn hóa lớn, thị giá cao như VNM, GAS, VIC, PVD… đã tăng nhiều, thì những bluechps “hạng vừa” có vốn hóa và thị giá nhỏ hơn như ITA, HAR, OGC, HAG, SAM, SHB… nhiều khả năng sẽ bắt đầu tăng điểm mạnh trong thời gian tới và có thể là sau sóng penny đợt này.
Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc chiến lược, CTCK Maritime Bank (MSBS)
Nhóm cổ phiếu hấp dẫn dòng tiền vẫn là nhóm cổ phiếu dầu khí, bảo hiểm, xây dựng hạ tầng và chứng khoán.
Ông Trần Minh Hoàng, Trưởng nhóm phân tích vĩ mô, CTCK VCBS
Chúng tôi kỳ vọng, tâm điểm trong tuần tới sẽ là các cổ phiếu chưa tăng nhiều và có những thông tin hỗ trợ đặc biệt như chia/tách, phát hành thêm cổ phiếu, có dự án mới hay được kỳ vọng sẽ có biến động mạnh về tỷ trọng hoặc đưa thêm vào danh mục quỹ ETF (VNM, FTSE) trong kỳ review tháng 9/2014 sắp tới.
{fcomment}
-
Đàn ông Việt giấu tiền ở đâu?
-
Tặng giấy khen không phù hợp, Sở GD&ĐT Thanh Hóa nhắc nhở trường mầm non
-
Biểu đồ phân tích kỹ thuật có những dạng phổ biến nào?
-
Samsung có chủ tịch mới
-
Năm 2014, BVS lãi hơn 131 tỷ đồng
-
300 lần phẫu thuật thẩm mỹ, mặt ca sĩ biến dạng khủng khiếp
-
Ngày hình ảnh kỹ thuật số và khát vọng dẫn đầu của Đại học Hoa Sen
-
Để start-up 'kết đôi' cùng nhà đầu tư phù hợp
-
Thêm một năm lỡ hẹn với những kế hoạch tăng vốn của các ngân hàng
-
Huawei nói gì sau khi bị Canada cấm?