Góc nhìn của ông Viện trưởng về 4 lần “thai nghén” Luật Doanh nghiệp

 “Là người có may mắn góp sức tham gia nghiên cứu, xây dựng 4 thế hệ Luật Doanh nghiệp (DN), mỗi lần Quốc hội bấm nút thông qua Luật đều mang đến cho tôi những cảm xúc khác nhau, nhưng đáng nhớ nhất là với Luật DN 1999…”, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) chia sẻ với ĐTCK trong một buổi sáng đầu Xuân 2015. 

Góc nhìn của ông Viện trưởng về 4 lần “thai nghén” Luật Doanh nghiệp

Cảm xúc còn đọng lại trong ông khi Luật DN 1990, thế hệ luật DN đầu tiên của Việt Nam được Quốc hội thông qua vào những ngày cuối năm 1990 là gì?

Tôi còn nhớ hồi đó chúng ta chưa thừa nhận sự tồn tại của khu vực kinh tế tư nhân. Trong bối cảnh còn tư tưởng “đóng” như vậy, ngay sau khi Quốc hội biểu quyết thông qua dự án luật với nhiều tư tưởng cải cách rất “mở”, lần đầu tiên Việt Nam thừa nhận về mặt pháp lý sự tồn tại của khu vực kinh tế tư nhân. Từ chỗ khu vực kinh tế này bị coi là tồn tại bất hợp pháp trở thành hợp pháp, nên tạo ra bước khởi đầu rất quan trọng cho sự phát triển mạnh mẽ của khu vực kinh tế tư nhân như ngày nay. Đây là bước ngoặt lịch sử, là dấu ấn đậm nét của thế hệ Luật DN đầu tiên.

TS. Nguyễn Đình Cung
Như chia sẻ của ông, trong 4 thế hệ Luật DN mà ông tham gia góp sức xây dựng, cảm xúc đọng lại lớn nhất trong ông là khi Quốc hội thông qua Luật DN 1999. Điều gì đã để lại ấn tượng đậm nét trong ông đến vậy?

Đã 15 năm trôi qua kể từ khi Luật DN 1999 được thông qua, nhưng giờ đây, khi nhớ lại thời khắc Luật được Quốc hội biểu quyết thông qua, tôi vẫn không quên chút nào những cảm xúc đặc biệt ấy.

Còn nhớ vào khoảng 11 giờ trưa một ngày oi ả của tiết trời tháng 6/1999, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Mai Thúc Lân, Quốc hội đã thông qua Luật DN 1999 sau những tranh luận gay gắt, có lúc đến nghẹt thở tại Nghị trường. Ngay khi Luật được thông qua, cả tổ biên tập, các bộ phận giúp việc cho ban soạn thảo ngồi trong cánh gà của hội trường Quốc hội cung cấp thông tin, luận cứ khoa học lẫn thực tiễn cho đại diện Chính phủ bảo vệ dự án Luật trước Quốc hội, tất thảy đều nhảy lên vì vui mừng, thở phào nhẹ nhõm, rồi bắt tay nhau chúc mừng. Riêng tôi vẫn còn nhớ cảm giá lâng lâng rất khó tả. Nói thật là… rất sướng.

“Độ sướng” khi Luật DN 1999 được thông qua rất cao, bởi nó tỷ lệ thuận với những tư tưởng cải cách, đổi mới rất mạnh mẽ được ban soạn thảo đề xuất khi xây dựng luật. Đó là rất nhiều thủ tục theo kiểu “xin - cho” thuần túy đã được xóa bỏ. Điều này làm cho Luật DN 1999 khác hẳn về chất so với Luật DN 1990. Luật DN 1999 tạo ra nhiều cơ chế thông thoáng như bỏ quy định về vốn pháp định, đơn giản hóa thủ tục đăng ký DN đến mức tối đa. Trước khi có luật này, người thành lập DN phải xin chứng nhận thủ tục từ công an, chính quyền cấp xã, đến hệ thống cơ quan cấp huyện, tỉnh, thậm chí có những thủ tục DN phải xin cả xác nhận của cơ quan cấp Trung ương. Từ chỗ phải hoàn tất thủ tục thành lập DN qua 3 cấp, ở mỗi cấp phải qua cửa hàng chục cơ quan khác nhau, thì với quy định thông thoáng của Luật DN 1999, người dân chỉ còn phải đến một cửa và không phải trải qua cơ chế xin cho nặng nề như trước. Chính vì Luật DN 1999 xóa bỏ rất mạnh cơ chế “xin - cho” trong quá trình thành lập DN thông qua chuyển sang trao quyền tự chủ cho người dân, nên ban soạn thảo là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, khi thay mặt Chính phủ bảo vệ dự án Luật trước Quốc hội, phải đối mặt với rất nhiều câu hỏi khó, thậm chí gay gắt từ phía đại biểu Quốc hội.

Tôi còn nhớ, hồi đó hệ thống chuyển tải thông tin chưa thuận tiện như bây giờ, nên tổ biên tập, bộ phận giúp việc phải liên tục sử dụng máy fax để chuyển thông tin cho bộ phận làm việc ở cánh gà tại hội trường Quốc hội, từ đó cung cấp thêm các thông tin cho đại diện Chính phủ giải trình, thuyết phục đại biểu Quốc hội.

Trong khi Luật DN 2005 được thông qua khá bình lặng, vì ít có những nội dung gây tranh luận, thì không khí tranh luận như khi thảo luận Luật DN 1999 lại sống lại với Luật DN 2014, thưa ông?

Luật DN 2005 không có thay đổi nào đáng kể, ngoại trừ một điều là áp dụng luật này cho cả DN nhà nước lẫn DN ngoài nhà nước.

Tuy Luật DN 2014 tạo không khí tranh luận sôi nổi vì cũng xuất hiện nhiều nội dung cải cách, nhưng do quy trình xây dựng luật hiện nay có nhiều thay đổi so với hồi năm 1999, nên tính chất “lửa” trong tranh luận giữa ban soạn thảo và đại biểu Quốc hội không nhiều như khi thảo luận Luật DN 1999.

Khác với quy trình xây dựng luật trước đây, với Luật DN 2014, khi Chính phủ trình dự án Luật sang Quốc hội, thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội là người cầm trịch, chứ không phải Chính phủ, nên ban soạn thảo lúc này chỉ có chức năng phối hợp, chứ không phải là cơ quan chủ trì bảo vệ dự án Luật trước Quốc hội. Bởi vậy, vai trò của ban soạn thảo lúc này nhẹ hơn.

Vì dự án Luật do cơ quan của Quốc hội cầm trịch, nên về cơ bản, những nội dung được trình ra Quốc hội thông qua đã được thảo luận khá kỹ qua nhiều vòng, điều này rất khác so với quy trình xây dựng luật trước kia là trước khi dự án luật được trình ra Quốc hội thông qua, không được thảo luận nhiều vòng như hiện nay. Bởi vậy, khi Luật được Quốc hội thông qua không có cảm giác gay cấn, hồi hộp như Luật DN 1999.

Không có nhiều tranh luận nảy lửa như Luật DN 1999, nhưng mức độ cải cách của Luật DN 2014 khá mạnh mẽ, thưa ông?

Đúng vậy. Đó là các cải cách nổi bật: quyền tự do kinh doanh được mở tối đa và được bảo đảm chắc chắn hơn; mức độ rủi ro pháp lý trong hoạt động kinh doanh giảm đi; quyền lợi của NĐT được bảo vệ tốt hơn; các loại chi phí giao dịch, tuân thủ liên quan đến thành lập DN, cũng như thiết lập các giao dịch khác sẽ giảm... Với những cải cách như vậy, những người xây dựng Luật kỳ vọng, khi Luật DN 2014 có hiệu lực sẽ tạo ra sinh khí mới trong tạo dựng DN, cũng như hoạt động kinh doanh.

Khi đề xuất nhiều cải cách, nhất là chặt bỏ quyền lợi của nhiều cấp, nhiều ngành, những người tham gia soạn thảo luật như ông có ngại va chạm?

Có gì phải ngại khi đó là những nỗ lực nhằm đem lại điều tốt hơn cho nền kinh tế, cho cộng đồng DN. Tất nhiên, trong quá trình thảo luận cũng có va chạm, có ý kiến khác nhau, rằng ông này mở quá, ông kia thị trường quá, ngược lại có ý kiến lại bảo thủ quá.

Ở vai trò vừa làm nghiên cứu, vừa tham gia soạn thảo Luật DN, chúng tôi có nhiều cái thuận. Đó là vừa có nhiều bằng chứng thực tế, vừa có lý luận và kinh nghiệm quốc tế. Đặc biệt, điều quan trọng là chúng tôi không gắn lợi ích gì đằng sau các điều luật. Sở dĩ có tính độc lập này bởi CIEM không phải là đơn vị vừa soạn thảo, vừa áp dụng luật. Với những đơn vị vừa soạn thảo, vừa áp dụng luật như: cấp phép, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm…, thì họ thường tìm cách cài cắm, gửi gắm quyền lợi vào nội dung của luật. Đó là kiểu vừa đá bóng vừa thổi còi. Đây cũng là điểm cần cải cách trong quá trình cải cách thể chế tại Việt Nam. Đã là người soạn thảo luật, thì theo thông lệ quốc tế, không bao giờ nên đồng thời là người triển khai luật.

Ông vừa nhắc đến tính độc lập trong xây dựng luật, có ý kiến cho rằng, Luật DN quá độc lập, không cài cắm bảo vệ quyền lợi cục bộ của ngành nào, nên được ví như luật gần như không có chế tài, dẫn đến làm giảm hiệu lực của Luật?

Luật DN định ra cơ chế cho phép người dân được làm những gì pháp luật không cấm, đồng thời các công chức, viên chức nhà nước phải có nghĩa vụ tuân thủ luật. Luật DN mang tính chất dân sự, tạo cơ chế để người dân cùng nhau góp sức, góp vốn làm ăn, nên phải đạt mục tiêu quan trọng là bảo vệ được lợi ích của NĐT một cách công bằng, tạo thuận lợi cho người dân tự do giao kết để thành lập DN, cũng như lựa chọn cách thức quản trị sao cho phù hợp với họ. Đó là luật được xây dựng theo luật chơi thị trường. Mỗi luật có vai trò của nó trong hệ thống luật pháp. Trong khi Luật DN là luật gia nhập thị trường, làm cho thực thể thị trường tự do hoạt động, nên không thể đưa ra những quy định mang tính cấm đoán, xử phạt như các luật có chức năng tạo lập trật tự thị trường như các luật về hình sự, xử lý hành chính, chứng khoán…

Còn những ý tưởng cải cách nào mà những người xây dựng Luật DN đề xuất, nhưng không được ghi nhận trong Luật DN 2014, thưa ông?

Không nhiều lắm. Đầu tiên đó là ban soạn thảo đề xuất bỏ con dấu, nhưng khi Luật được thông qua, thì chưa bỏ được. Nguyên nhân chủ yếu là DN còn chưa yên tâm khi bỏ con dấu. Luật DN mới là để phục vụ DN tốt hơn, nên khi bản thân họ chưa thấy cần bỏ con dấu, thì những người làm luật tôn trọng quan điểm của DN. Tuy nhiên, từ thông lệ quốc tế, cũng như kinh nghiệm thực tế cho thấy, bỏ con dấu chỉ còn là vấn đề thời gian, vì nó mang lại lợi ích cho DN…

Vấn đề thứ hai mà ban soạn thảo gợi ý nên bổ sung vào Luật DN 2014 là bỏ quy định về vốn điều lệ, bởi hầu hết các nước đã bỏ quy định này từ lâu. Tuy nhiên, do văn hóa kinh doanh, cũng như mức độ phát triển nền kinh tế thị trường ở Việt Nam còn nhiều hạn chế, nên ý tưởng cải cách này cũng chưa thể bổ sung vào luật.

Một điểm cuối cùng chưa làm những người soạn thảo luật thỏa mãn là đáng lẽ luật phải quy định cụ thể hơn các chuẩn mực, điều kiện để làm cơ sở cho rà soát các điều kiện kinh doanh sau này. Sở dĩ còn tồn tại này là bởi đến nay, nhiều người chưa am hiểu sâu thực trạng về hệ thống điều kiện kinh doanh. Bởi vậy, khi ban soạn thảo đưa ra đề xuất này, họ e ngại vì sợ rủi ro. Thực tế này phản ánh tư duy, nhận thức về kinh tế thị trường ở nước ta chưa thực sự đầy đủ, đúng bản chất. Điều này giải thích tại sao nhiều loại thị trường còn méo mó, lệch lạc.

Nguồn Tin nhanh chứng khoán