Hòa giải thành công, Công ty Xây dựng 1 được giảm nợ lãi

Bị đơn đã thanh toán số tiền 500 triệu đồng, số tiền còn lại, đương sự cam kết sẽ hoàn trả nốt vào hạn chót là hết ngày 31/1/2016.

Hòa giải thành công, Công ty Xây dựng 1 được giảm nợ lãi

Mặc dù tranh cãi gay gắt khoản tính nợ lãi quá hạn, nhưng trong giai đoạn phúc thẩm, CTCP Đầu tư và Phát triển xây dựng 1 Hà Nội (Công ty Xây dựng 1) và Công ty TNHH Dịch vụ thương mại tổng hợp Hương Giang (Công ty Hương Giang) đã thống nhất được phương án trả nợ.

Năm 2010, Công ty Xây dựng 1 nhận thi công công trình Khu công nghiệp Hòa Xá - Nam Định. Ngày 18/9/2010, Công ty Hương Giang và Công ty Xây dựng 1 đã ký kết Hợp đồng với nội dung mua vật tư các loại.

Trong quá trình thực hiện hợp đồng, Công ty Hương Giang đã cung cấp vật tư bao gồm sắt, thép, vật liệu phụ với tổng giá trị hợp đồng là hơn 8,6 tỷ đồng.

Theo tính toán, đến ngày 27/5/2015, Công ty Xây dựng 1 đã thanh toán được 8,3 tỷ đồng. Công ty Hương Giang đã trả tiền mặt cho Công ty Xây dựng 1 số tiền hơn 152 triệu đồng. Số tiền Công ty Xây dựng 1 còn nợ là hơn 370,5 triệu đồng.

Trong hợp đồng quy định, bên mua có trách nhiệm thanh toán gọn tiền từng lô hàng cho bên bán trong vòng 15 ngày kể từ ngày bên bán cấp hàng. Điều 3 cũng nêu rõ, nếu quá thời hạn, bên mua phải chịu lãi suất quá hạn là 0,05%/ngày nhưng không quá 5 ngày tiếp theo. Trường hợp vi phạm thời gian trên sẽ phải chịu lãi suất quá hạn là 0,08%/ngày trên số tiền còn nợ lại cho đến khi thanh toán hết công nợ.

Do Công ty Xây dựng 1 không thực hiện đúng cam kết thanh toán, Công ty Hương Giang đã khởi kiện vụ việc tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa ra Tòa án Nhân dân quận Cầu Giấy (TP. Hà Nội). Quá trình giải quyết vụ án, 2 bên xảy ra tranh cãi về phần tính lãi suất. Nguyên đơn cho rằng, tổng cộng nợ gốc và khoản lãi tính đến ngày xét xử sơ thẩm (26/6/2015) là hơn 2 tỷ đồng. Trong khi đó, Công ty Xây dựng 1 Hà Nội không đồng tình với cách tính trên.

Phía bị đơn trình bày, sau nhiều lần lấy hàng, Công ty đã thanh toán một phần công nợ. Đến ngày 7/4/2013, giữa 2 công ty đã ký biên bản đối trừ công nợ thực mua. Cụ thể, Công ty Xây dựng 1 còn nợ số tiền hơn 560,5 triệu đồng. Tuy nhiên, vì tính toán nhầm, Công ty Xây dựng 1 xác nhận số tiền thực nợ là hơn 570,5 triệu đồng. Sau đó, Công ty đã thanh toán tiếp 200 triệu đồng và khẳng định chỉ còn nợ 370,5 triệu đồng.

Phía bị đơn cũng lập luận các lý do từ chối thanh toán khoản tiền lãi phát sinh từ ngày 7/4/2013 (với mức lãi suất 9%/năm trên số tiền chưa thanh toán). Theo đó, trong hợp đồng các bên có thỏa thuận lãi suất nhưng mức lãi suất (9%/năm) là quá 150% so với lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố. Điều này đã vi phạm Điều 305, Điều 406 Bộ luật Dân sự nên thỏa thuận này vô hiệu.

Bên cạnh đó, Công ty Xây dựng 1 cho rằng, trên thực tế, 2 bên đã không tính lãi suất với nhau. Minh chứng là căn cứ theo tài liệu nguyên đơn cung cấp, ngày 9/6/2011, Công ty Hương Giang thông báo bảng kê mua hàng của công trình Hòa Xá, Công ty Xây dựng 1 Hà Nội còn thiếu số tiền 1,18 tỷ đồng. Đến ngày 7/4/2013, 2 bên đối chiếu công nợ thì số tiền trên vẫn giữ nguyên. Sau gần 2 năm, số nợ không thay đổi đồng nghĩa với việc các bên không tính khoản tiền lãi.

Tuy nhiên, những lập luận của Công ty Xây dựng 1 không được cấp sơ thẩm chấp nhận. Tòa án Nhân dân quận Cầu Giấy đã xử nguyên đơn thắng kiện, đồng thời buộc Công ty xây dựng 1 phải trả toàn bộ số tiền hơn 1,29 tỷ đồng.

Cả nguyên đơn và bị đơn sau đó đồng loạt kháng cáo bản án trên, đề nghị Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội xem xét lại số tiền lãi.

Đến giai đoạn phúc thẩm, sau những buổi hòa giải, 2 bên đã thống nhất được khoản nợ. Ngoài nợ gốc là 370,5 triệu đồng, nợ lãi được tính lại là 429,4 triệu đồng. Tổng số tiền nợ còn lại là 800 triệu đồng. So với bản án sơ thẩm, số tiền Công ty Xây dựng 1 phải trả đã giảm được 490 triệu đồng.

Cũng tại phiên tòa phúc thẩm, bị đơn đã thanh toán số tiền 500 triệu đồng. Số tiền còn lại, đương sự cam kết sẽ hoàn trả nốt vào hạn chót là hết ngày 31/1/2016. Hai bên đồng thuận, nếu Công ty Xây dựng 1 vi phạm kỳ hạn trả nợ trên sẽ phải chịu lãi suất theo quy định của pháp luật.

Đỗ Mến

Nguồn Tin nhanh chứng khoán