Kiều bào thắc mắc nhiều về chính sách thuế

Những khó khăn, vướng mắc về thủ tục đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp, kiều bào đã được lãnh đạo Cục Thuế TP.HCM, Cục Hải quan TP.HCM giải đáp tại Hội nghị đối thoại giữa doanh nghiệp, kiều bào và lãnh đạo Cục Thuế, Cục Hải quan TP.HCM, do Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài tại TP.HCM, tổ chức hôm qua (21/8), tại TP.HCM.

Kiều bào thắc mắc nhiều về chính sách thuế

Tại buổi đối thoại, hơn 80 doanh nghiệp, kiều bào thuộc các lĩnh vực xuất nhập khẩu, sản xuất, thương mại, xây dựng, dịch vụ đến từ 11 quốc gia, vùng lãnh thổ (Australia, Pháp, Mỹ, Singapore, Bỉ, Canada, Đức, Hà Lan…) được cập nhật, giới thiệu những chính sách mới về thủ tục hải quan; giải đáp thắc mắc về thủ tục hải quan; phổ biến các quy định về thuế; tháo gỡ vướng mắc khó khăn cho từng trường hợp cụ thể.

Nhiều kiều bào thắc mắc, việc hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) phải mua hàng hóa tại đơn vị bán hàng nằm trong danh sách được hoàn thuế, nhưng không biết đơn vị nào kinh doanh được hoàn thuế.

Bà Trần Thị Lệ Nga, Phó cục trưởng Cục Thuế TP.HCM cho biết, việc hoàn thuế VAT khi xuất khẩu, hoặc đầu tư có thuế VAT đầu vào lớn hơn đầu ra ở nội địa, sẽ do cơ quan thuế có liên quan trực tiếp hoàn thuế VAT cho doanh nghiệp, hoặc người tiêu dùng. Theo đó, cơ quan thuế chỉ căn cứ vào biên lai, chứng từ nhập khẩu có phát sinh VAT ở nơi nhập khẩu.

Ông Nguyễn Trí Hùng, Giám đốc Công ty Nguyễn Trí Technology (Việt kiều Đức) nêu thắc mắc, khi đầu tư sản phẩm công nghệ cao tại Việt Nam sẽ được ưu đãi ra sao? Việt kiều có thể chuyển hết tiền lời ra khỏi Việt Nam hay không? Hoặc chuyển tiền đầu tư ở Việt Nam ra nước ngoài? Khi chuyển tiền lời ra nước ngoài, cơ quan thuế có đánh thuế không?

Giải đáp những thắc mắc trên, bà Trần Thị Lệ Nga cho rằng, đối với các dự án công nghệ cao, Nhà nước đang có chính sách ưu đãi hỗ trợ, để khuyến khích phát triển. Vậy nên, thuế suất được hưởng ưu đãi 15 năm, miễn 4 năm , giảm 9 năm tiếp theo từ khi có thu nhập.

Về việc chuyển lợi nhuận, bà Nga cho hay, từ năm 2004 đến nay, Luật Đầu tư và một số văn bản khác đã bỏ việc đánh thuế chuyển lợi nhuận ra nước ngoài. Vì vậy, sau khi doanh nghiệp hoàn tất các thủ tục về thuế thu nhập doanh nghiệp, có thể chuyển lợi nhuận ra nước ngoài, mà không phải trả bất kỳ khoản phí nào.

Về câu hỏi liên quan đến việc ban hành nhiều văn bản thuế, bà Nga cho rằng, về nguyên tắc chung, thời gian qua, chính sách thuế của Việt Nam có nhiều sửa đổi bổ sung. Điều này có hai mặt. Mặt tích cực là việc sửa đổi bổ sung để hoàn thiện chính sách hơn, chẳng hạn quy định tkhi khai thuế VAT có 10 phụ lục, nhưng sửa đổi chỉ còn 2 phụ lục; hoặc thuế doanh nghiệp, trước 25%, nay sửa còn 22%, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tái đầu tư mở rộng sản xuất. Tuy nhiên, bà Nga cũng thừa nhận việc sửa đổi thường xuyên sẽ gây khó khăn cho cả doanh nghiệp và cơ quan thuế.

Tại Hội nghị, vấn đề được nhiều doanh nhân Việt kiều quan tâm là Thông tư 20 của Bộ Khoa học và Công nghệ (có hiệu lực từ ngày 11/9/2014), quy định điều kiện nhập khẩu máy móc cũ đã qua sử dụng.

Đại diện Cục Hải quan TP.HCM cho rằng, quy định máy móc cũ, đã sử dụng 70 - 80% chủ yếu xác định theo cảm tính. Vậy nên, nếu đưa vào áp dụng Thông tư 20 từ ngày 11/9 chắc chắn sẽ gặp vướng mắc tại Điều 6.

“Chúng tôi kiến nghị, sẽ xác định việc này căn cứ vào xác định của các cơ quan chức năng, để kịp thời tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp”, đại diện Cục Hải quan TP.HCM nói.

Theo Thanh Vũ
baodautu.vn

{fcomment}