Lãnh đạo doanh nghiệp bán hết cổ phiếu, vì sao?

 Thời gian qua, thông tin bán sạch cổ phần của một số lãnh đạo doanh nghiệp đã tác động tới tâm lý của không ít cổ đông, nhà đầu tư nhỏ lẻ. Cổ đông nội bộ là người nắm rõ thông tin về doanh nghiệp, khi họ đăng ký bán cổ phiếu, chắc phải có nguyên nhân.

 

Lãnh đạo doanh nghiệp bán hết cổ phiếu, vì sao?

 

Báo cáo tình hình quản trị của CTCP Chứng khoán Dầu khí (PSI) 6 tháng đầu năm 2014 cho thấy, nhiều lãnh đạo cấp cao tại PSI đã bán hết số cổ phần nắm giữ như bà Hoàng Hải Anh - Chủ tịch HĐQT; ông Đoàn Thành Nhân, ủy viên HĐQT; ông Nguyễn Xuân Hưng và ông Trần Hùng Dũng - Phó giám đốc; ông Nguyễn Văn Nhiệm - Trưởng ban Kiểm soát. Rất nhiều lãnh đạo khác trong Công ty không nắm giữ cổ phiếu PSI nào.

Theo tìm hiểu của ĐTCK, cơ cấu sở hữu cổ phần tại PSI chủ yếu là các tổ chức, số cổ phần mà các lãnh đạo Công ty đã bán chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Số cổ phần này được mua theo chế độ ưu đãi dành cho cán bộ, công nhân viên (phát hành cổ phần theo diện ESOP), bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm.

Sau khi hết thời gian hạn chế chuyển nhượng, không chỉ Ban lãnh đạo, mà nhiều nhân viên PSI tranh thủ TTCK khởi sắc, giá cổ phiếu tăng cao nên bán ra cổ phần.

Giống như nhiều doanh nghiệp khác phát hành cổ phần theo diện ESOP, cán bộ, công nhân viên PSI được Công ty hỗ trợ vay vốn để mua cổ phần, nên động thái bán ra nêu trên còn nhằm mục đích trả nợ. Hiện tại, một số cổ đông nội bộ của PSI thấy giá cổ phiếu đang hấp dẫn nên đăng ký mua vào, chẳng hạn Giám đốc PSI Phạm Quang Huy đăng ký mua 50.000 cổ phiếu từ ngày 12/8 - 10/9/2014.

Tại CTCP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP. HCM (CII), ông Lê Quốc Bình - Tổng giám đốc CII đã bán toàn bộ 3,2 triệu cổ phiếu CII (tương đương với tỷ lệ sở hữu 2,84%) và bà Nguyễn Mai Bảo Trâm - Phó tổng giám đốc CII bán hết 339.200 cổ phiếu CII. Mục đích thực hiện giao dịch của hai vị lãnh đạo doanh nghiệp này là để chuyển sang đầu tư trái phiếu chuyển đổi do chính CII phát hành.

Nhìn nhận hiện tượng cổ đông nội bộ, cổ đông lớn bán ra cổ phần, nhiều ý kiến cho rằng, lý do chính là họ tranh thủ TTCK khởi sắc, giá cổ phiếu của công ty tăng cao nên bán ra nhằm thu lời.

Không chỉ các cá nhân, không ít tổ chức cũng tranh thủ cơ hội thị trường hồi phục để thoái vốn. Mới đây, Công ty TNHH một thành viên Đầu tư SCIC (SIC) đăng ký bán toàn bộ 398.310 cổ phiếu đang nắm giữ tại CTCP Sữa Việt Nam (VNM), từ ngày 31/7 - 25/8/2014 theo phương thức khớp lệnh, nhằm tái cơ cấu danh mục đầu tư tài chính.

Nếu giao dịch thành công, ước tính SIC thu về 54,2 tỷ đồng. Trước đó, SIC đã mua số cổ phiếu VNM nêu trên vào ngày 3/7/2014 trong tổng số 500.000 cổ phiếu đăng ký mua. Hiện Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) là chủ sở hữu của SIC và là cổ đông lớn của VNM, nắm giữ hơn 375 triệu cổ phiếu, chiếm tỷ lệ sở hữu 45,05%.

Có trường hợp, việc bán cổ phần của các lãnh đạo doanh nghiệp là nhằm thuận tiện hơn cho việc quản lý tài sản cá nhân. Đơn cử trường hợp ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HSG). Tháng 3/2014, ông Vũ đăng ký bán thỏa thuận 24 triệu cổ phần HSG, giảm tỷ lệ sở hữu từ 44,51% xuống 19,59%.

Cùng thời điểm ông Vũ đăng ký bán cổ phần, Công ty TNHH một thành viên Tam Hỷ - do ông Vũ làm Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc, đăng ký mua thỏa thuận đúng số lượng cổ phần HSG mà ông Vũ đăng ký bán (thực tế, Công ty Tam Hỷ mua được 21 triệu cổ phần HSG).

Tháng 7 vừa qua, cũng với mục đích thuận tiện cho việc quản lý tập trung tài sản cá nhân, ông Vũ bán thêm 3 triệu cổ phần HSG, giảm tỷ lệ sở hữu từ 19,59% xuống 16,47%. Công ty đăng ký mua 3 triệu cổ phần HSG là Tam Hỷ.

Thực tế cho thấy, có nhiều lý do khác nhau trong việc thoái vốn cổ phần, chứ không hẳn là do doanh nghiệp chuẩn bị ra thông tin xấu như nhiều người lo ngại. Tuy nhiên, trường hợp các cổ đông nội bộ “chạy trước” cũng là một thực tế khá phổ biến, giống như trường hợp các cổ đông nội bộ đăng ký mua vào cổ phiếu thường báo hiệu doanh nghiệp chuẩn bị công bố thông tin tốt, ví dụ kết quả kinh doanh khả quan.

Hoàng Anh

{fcomment}