Nhà làm phim Hollywood không nhượng bộ 60.000 nhân viên đòi đình công

Sau 8 cuộc đàm phán căng thẳng, nhà sản xuất Hollywood từ chối nhượng bộ yêu cầu đòi tăng lương, thay đổi chất lượng cuộc sống của nhân viên làm việc trong hậu trường.

Ngày 12/10, Deadline đưa tin lãnh đạo Liên minh quốc tế về Nhân viên đoàn làm phim (IATSE) ngày càng thất vọng với tốc độ đàm phán chậm chạp của Liên minh các nhà sản xuất điện ảnh và truyền hình (AMPTP).

Một quan chức của IATSE nói rằng các cuộc đàm phán đang tiến hành nhưng các hãng phim từ chối nhượng bộ, mặc cho cuộc đình công quy mô lớn có thể diễn ra bất cứ lúc nào.

Trước đó, ABC News đưa tin có đến 52.706/60.000 nhân viên của tổ chức IATSE ký vào đơn đòi nghỉ làm. Nếu được thông qua, đây là cuộc đình công lớn nhất trong lịch sử Hollywood.

Các nhân viên trong đoàn làm phim biểu tình tại Nhà hát Opera Metropolitan, New York, Mỹ. Ảnh: Shutterstock.

Cuộc đàm phán căng thẳng

Ngày 12/10, Cathy Repola, Giám đốc điều hành quốc gia của Hiệp hội các nhà biên tập phim, gửi email đến các thành viên IATSE. Bà cho rằng các cuộc đàm phán đang diễn ra nhanh chóng nhưng kết quả không mấy khả quan.

“Bất chấp mọi nỗ lực của chúng tôi, tốc độ đàm phán không phản ánh mức độ khẩn cấp của tình hình. Sau cuộc bỏ phiếu đòi đình công, các ông chủ từ chối làm những gì cần thiết để đạt được thỏa thuận công bằng. Họ không nhận ra những gì đang thay đổi trong ngành và ở các nhân viên làm công”, Repola viết.

Theo Deadline, cuộc bỏ phiếu đòi đình công do Matthew D. Loeb - chủ tịch IAISE - phát động được 99% thành viên của tổ chức thông qua. Họ đòi rời khỏi ngành nếu các hãng phim không thực hiện những thay đổi nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống của nhân viên. Theo lời Cathy Repola, nếu cuộc đình công diễn ra, toàn bộ hoạt động sản xuất phim ảnh và truyền hình tại Hollywood gần như bị đình trệ.

Đại diện Liên minh quốc tế về Nhân viên đoàn làm phim khẳng định đòi lại công bằng cho các thành viên. Ảnh: AP.

“Cuộc chiến này diễn ra khắp cả nước. Các công đoàn khác đang tập trung đòi mức lương phù hợp, đảm bảo sức khỏe và các điều kiện làm việc nhân đạo cho nhân viên trong hậu trường. Phẩm giá của người lao động là những gì chúng ta đang đấu tranh. Vụ việc phải đẩy nhanh theo ngày, không phải theo tuần”, Repola nhấn mạnh.

Theo Variety, IATSE và AMPTP trở lại bàn đàm phán vào ngày 13/10 thông qua hình thức online. Sau nhiều cuộc thương thảo căng thẳng, đây là cuộc gặp lần thứ tám, tính từ lúc các thành viên của IATSE ký vào đơn đòi đình công.

Tại cuộc đàm phán gần nhất, ngày 9/10, 13 thành viên đại diện tổ chức IATSE cho biết họ đưa ra thông điệp, việc còn lại là ở các nhà sản xuất. “Chúng tôi giữ vững lập trường về các vấn đề được đưa ra trước đó, bao gồm mức lương đủ sống, lợi ích bền vững, sự chia sẻ công bằng giữa hãng phim và nhân viên, thời gian nghỉ ngơi, giải lao hợp lý”, đại diện IATSE phát biểu.

Đại diện của IATSE nói họ luôn vì lợi ích của tất cả thành viên, tiếp tục thương lượng cho đến khi không thể đàm phán được nữa. Họ cũng sẵn sàng chuẩn bị cho đợt đình công quy mô lớn - điều không ai muốn xảy ra.

Ngày 10/10, sau khi có thông tin các nhà sản xuất không muốn nhượng bộ, nhân viên của IATSE có những bước đi đầu tiên trong việc đòi đình công. Các thành viên của công đoàn chụp lại ảnh đang làm những tấm biển với khẩu hiệu như “Đấu tranh cho mức lương đủ sống”, “Đấu tranh để có được thời gian nghỉ ngơi”...

"Vụ đình công mang tính bước ngoặt"

Theo Atlantic, làn sóng đòi đình công lan rộng khắp cả nước. Hàng trăm câu chuyện về điều kiện làm việc khắc nghiệt được chia sẻ trên mạng xã hội.

Kate Fortmueller, trợ lý giáo sư nghiên cứu về giải trí và truyền thông tại Đại học Georgia, nói với Atlantic rằng việc bị trả lương thấp và làm việc quá sức không phải là điều mới mẻ trong ngành.

Thực tiễn cho thấy việc bỏ phiếu của IATSE là kết quả của việc chịu đựng quá mức. Nhiều năm qua, tổ chức nỗ lực yêu cầu các nhà sản xuất tại Hollywood cải thiện mức sống cho các thành viên.

Theo Fortmueller, tỷ lệ nhân viên đòi đình công lên đến 99% cho thấy sự đoàn kết của IATSE. Những cuộc biểu tình trong quá khứ đều xuất phát từ việc đòi tăng lương, giảm giờ làm. Kể từ cuộc đình công năm 1945 mà truyền thông gọi là “thứ sáu đẫm máu ở Hollywood”, những cuộc biểu tình đòi giảm giờ làm hiếm khi xảy ra. Mọi chuyện chỉ thay đổi khi đại dịch ập đến.

Các thành viên của tổ chức IATSE sẵn sàng cho cuộc đình công quy mô lớn tại Hollywood. Ảnh: Deadline.

“Đây là năm mang tính bước ngoặt. Trong mùa dịch, việc sản xuất phim bị trì trệ. Nhiều nhân viên phải ở nhà nhiều hơn xuất hiện trên phim trường. Việc nghỉ ngơi giúp họ có thời gian nghĩ về điều kiện làm việc. Tôi nghĩ đây là lý do dẫn đến cuộc đình công quy mô lớn”, Fortmueller nói.

Song, đó chỉ là cái cớ để xảy ra cuộc đình công lớn nhất Hollywood. Những vụ việc trong quá khứ như nhân viên mất vì tai nạn xe hơi, người ảnh hưởng sức khỏe vì thiếu ngủ… khiến họ đấu tranh đòi lại công bằng.

Kate Fortmueller cho biết cô có học trò gặp vấn đề về xương khớp ở tuổi 25 vì đứng cả ngày trên phim trường. Câu hỏi đặt ra là việc người trẻ “bán mạng” cho các ông chủ hãng phim mang lại giá trị gì.

Theo chuyên gia từ Đại học Georgia, nhân viên đoàn làm phim có điều kiện làm việc tốt có tác động lớn đến kinh đô điện ảnh. Hollywood luôn hướng đến sự công bằng, đa dạng thông qua các tác phẩm. Việc thay đổi chất lượng cuộc sống, cách làm việc của nhân viên đoàn phim sẽ khiến thay đổi văn hóa làm việc không lành mạnh, mang lại tiếng tăm cho Hollywood.

Nguồn: https://zingnews.vn/nha-lam-phim-hollywood-khong-nhuong-bo-60000-nhan-vien-doi-dinh-cong-post1270452.html