Hẹp cửa về, nặng thuế phí, thị trường xe sang Việt càng có nguy cơ gặp khó khi đứng trước khả năng phải gánh thêm thuế tài sản, cũng như lo ngại về chất lượng nhiên liệu nếu xăng A95 bị xoá sổ như đề xuất đang được Bộ Công Thương trình Chính phủ.
Ông Võ Tuấn Anh - Tổng Giám đốc Volkswagen Việt Nam cho biết, đơn hàng chờ mua xe của đơn vị này khá dài với hơn 200 đơn đặt hàng nhưng xe thì chưa thể về nước vì vướng Nghị định 116.
“Có dòng xe sắp về vì đã có giấy phép, còn có dòng xe vẫn chưa thấy ngày về. Mà có cập cảng cũng còn phải chờ kiểm định”, đại diện này cho biết.
Nhận định về ảnh hưởng của đề xuất đánh thuế tài sản với những dòng xe trị giá hơn 1,5 tỉ đồng, ông Tuấn Anh khẳng định, nếu bị áp thuế, thị trường chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng và đây là một đề xuất thuế chống thuế bởi nhiều dòng xe bị định giá tiền tỉ vì chịu quá nhiều loại thuế phí như thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), thuế giá trị gia tăng (VAT) và rồi khi giá lên ngưỡng tiền tỉ lại bị đánh thuế tài sản.
Liên quan tới mức độ ảnh hưởng tới sức mua, ông này cho rằng, sẽ phụ thuộc vào thuế suất và chắc chắn những dòng cao cấp sẽ bị tác động.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tính từ đầu năm đến ngày 30/4/2018, các doanh nghiệp Việt Nam đã nhập khẩu 6.753 chiếc ô tô các loại, chỉ bằng 20% số lượng xe nhập khẩu trong cùng thời gian năm 2017, trong đó có hơn 3.000 xe dưới 9 chỗ ngồi. Tuy nhiên, lượng xe này chủ yếu là xe dòng trung cao cấp.
Đánh giá về thị trường xe sang, một chuyên gia trong ngành nhận định, chưa bao giờ thị trường xe nhập hạng sang lại gặp khó như hiện nay, bởi có những dòng xe có khách mà chẳng nhập về được để rồi trong thời gian tới, khi cánh cửa nhập khẩu được khai thông, thì chi phí đè xuống chiếc xe sẽ lại tăng lên.
Các dòng xe nhập hạng sang chủ yếu có nguồn gốc từ Nhật, Mỹ, Đức và hiện đang chịu thuế nhập khẩu, thuế TTĐB với mức 40%-150% tuỳ theo xy lanh động cơ.
Một loại thuế nữa mà ôtô phải gánh là thuế VAT. Đối với ô tô, thuế VAT sẽ được tính là 10% của giá sau thuế TTĐB.
Bên cạnh ba loại thuế chính trên, để có thể lưu thông trên đường, chủ sở hữu xe cần hoàn thành hơn 10 loại phí khác nữa. Cụ thể phí trước bạ 10%-15% tùy thuộc vào tỉnh, TP nơi đang sống; phí cấp biển số 2-20 triệu đồng (tại Hà Nội và TP.HCM); phí đăng kiểm 240.000-560.000 đồng/lần kiểm định; phí cấp giấy chứng nhận đảm bảo an toàn kỹ thuật 50.000-100.000 đồng/lần cấp; phí sử dụng đường bộ 130.000-1,4 triệu đồng/tháng tùy theo tải trọng xe.
Ngoài ra, còn có các loại phí như phí bảo hiểm trách nhiệm dân sự, phí bảo hiểm vật chất (không bắt buộc), phí thử nghiệm khí thải, phí thử nghiệm mức tiêu thụ nhiên liệu, phí cấp giấy chứng nhận dán nhãn năng lượng...
Bên cạnh đó, việc có thể phải chịu thuế tài sản sẽ khiến các chủ xe phải tốn thêm hàng năm từ vài trăm tới vài triệu đồng.
Trước đề xuất xoá sổ xăng A95, người phụ trách một đại lý bán xe Mercedes-Benz tại Hà Nội cho rằng, dù đề xuất này có thể không ảnh hưởng trực tiếp tới sức mua nhưng sẽ khiến người tiêu dùng, đặc biệt là chủ các dòng xe cao cấp lo ngại vì chất lượng xăng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng xe mà “người ta không biết có phải sửa chữa gì không hay khi nào xe bị hỏng hóc”.
Theo KH
Nguồn Dân trí
-
Giá vàng đang bị mắc kẹt
-
Việt Nam là 1 trong 38 quốc gia có thể xuất khẩu vaccine phòng Covid-19
-
Meta và Apple mất danh hiệu nơi làm việc tốt nhất tại Mỹ
-
Ảnh 360: Khám phá cây cầu vòm ống thép nhồi bê tông đầu tiên ở Việt Nam
-
Maybank Kim Eng và Maybank nhận hàng loạt giải thưởng
-
Xe tự động chưa thành hiện thực
-
Hơn 9 tỷ USD trái phiếu bất động sản được đảm bảo bằng gì?
-
Doanh nghiệp cao su tự nhiên đối mặt với 4 giảm
-
Giao dịch căn hộ tại Hà Nội quý III tăng mạnh
-
6 cây cầu đẹp nhất thế giới, Việt Nam có 2 cầu lọt danh sách