Tính từ đầu năm đến ngày 10/9, đã có 65 DN được phê duyệt chuyển thành CTCP. So với con số kế hoạch cổ phần hóa 432 DNNN trong 2 năm 2014 - 2015 thì kết quả này có vẻ khiêm tốn.
Tuy nhiên, nhiều quan điểm cho rằng, với những biện pháp thúc đẩy cổ phần hóa của Chính phủ cộng thêm nhiều DNNN đã xong khâu “mất thời gian” nhất là xác định giá trị DN thì hoàn toàn có thể kỳ vọng hoàn thành mục tiêu đề ra. Từ nay đến cuối năm, hoạt động IPO DNNN dự báo sẽ trở nên sôi động hơn.
Ngày hôm qua, Công ty TNHH một thành viên Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (Sasco) đã đấu giá thành công 31.097.900 cổ phần chào bán với 12 NĐT trúng đấu giá, mức giá trúng bình quân 19.330 đồng/CP. Tổng giá trị cổ phần bán được đạt hơn 601 tỷ đồng. Trong đó, có một NĐT đặt khối lượng mua cao nhất, lên tới 31 triệu cổ phần, chiếm 99% tổng số cổ phần chào bán; kế đến là lệnh đặt mua 24 triệu cổ phần và nhiều NĐT khác cũng đặt mua khối lượng từ 100.000 cổ phần trở lên.
Sau Tổng công ty Dầu thực vật Việt Nam (Vocarimex), thì đợt IPO Sasco được đánh giá rất thành công. Sasco đã có phiên đấu giá sôi động với tổng số NĐT tham gia là 216 với lượng đăng ký mua 145.081.900 cổ phần, gấp gần 5 lần lượng chào bán. Đáng chú ý, chỉ có 1 NĐT cá nhân nước ngoài đăng ký mua 100.000 cổ phiếu và không có tổ chức nước ngoài nào tham gia phiên đấu giá, phần còn lại được đăng ký mua bởi 200 cá nhân trong nước (đăng ký hơn 53 triệu cổ phần) và 15 tổ chức trong nước (đăng ký mua 92 triệu cổ phần). Số lượng CTCK tham gia làm đại lý đấu giá cho Sasco cũng rất đông đảo với 15 CTCK như VCBS, MBKE, VND, OCS, FPTS, HSC, ACBS, BVSC…
Trong nửa cuối tháng 9, Sở GDCK TP. HCM sẽ tiếp tục tổ chức phiên đấu giá cho Tập đoàn Dệt may Việt Nam vào ngày 22/9 vói tổng khối lượng chào bán là 121.999.150 cổ phần, trong đó số lượng đăng ký đặt mua chiếm 90% tổng số lượng chào bán, ở mức 110.558.200 cổ phần. Trong tổng số 87 NĐT đăng ký thì có tới 18 cá nhân nước ngoài đăng ký mua 32,9 triệu cổ phần, 12 tổ chức nước ngoài đăng ký mua 55 triệu cổ phần, phần còn lại được đăng ký mua bởi 54 NĐT cá nhân trong nước, 3 tổ chức trong nước. Sau khi lùi thêm 2 tháng so với kế hoạch IPO ban đầu là 22/7/2014 do gặp khó khăn trong việc tìm đầu ra thì kết quả trên của Vinatex rất đáng mừng.
Một đợt IPO lớn khác đang được NĐT quan tâm là cổ phần hóa Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines). Theo kế hoạch, Vietnam Airlines sẽ IPO vào tháng 11 năm nay, huy động 1.500 tỷ đồng, tương đương 70,6 triệu USD.
Mới đây, ông Nguyễn Trọng Dũng, Vụ trưởng Vụ đổi mới DN, Văn phòng Chính phủ cho biết, Thủ tướng vừa ký phê duyệt phương án cổ phần hóa Vietnam Airlines. Theo đó, Vietnam Airlines có vốn điều lệ 14.000 tỷ đồng, 75% sẽ do Nhà nước nắm giữ, 20% bán cho đối tác chiến lược và 5% còn lại bán cho người lao động và bán đấu giá ra bên ngoài.
Trong nửa đầu năm 2014, nhiều DNNN khi IPO đạt tỷ lệ bán thành công rất thấp. Một tổng công ty chỉ bán được 0,03% tổng số cổ phần. Một số tổng công ty khác thừa trên 90% số cổ phần chào bán. Rõ ràng, so với kết quả này thì việc một số tổng công ty, tập đoàn gần đây nhận được sự quan tâm của các NĐT, đấu giá thành công có tác động rất lớn trong việc “khích lệ” hoạt động IPO.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, nguyên nhân lớn của việc chậm tiến trình cổ phần hóa DNNN chính là việc tiến hành kiểm toán, xác định giá trị DN, nhất là định giá tài sản đất đai và xử lý công nợ tồn đọng. Đây là khâu được đánh giá là “tốn thời gian” nhất trong toàn bộ quy trình cổ phần hóa, bởi không có công thức chung để áp dụng mà tuỳ thuộc vào từng lĩnh vực, ngành nghề khác nhau của từng DN. Kết quả IPO đầu năm kém khả quan do nhiều DN còn phải tiến hành những bước này.
Trong báo cáo cổ phần hóa DNNN 6 tháng đầu năm của Bộ Tài chính, đã có 297 DN thành lập Ban chỉ đạo cổ phần hóa, 159 DN đang tiến hành xác định giá trị DN, 67 đơn vị đã có quyết định công bố giá trị DN, 38 DN đã được phê duyệt phương án cổ phần hóa và 31 DN đã bán cổ phần lần đầu. Tuy nhiên, tính đến ngày 10/9, đã có sự thay đổi đáng kể các con số trên theo hướng tích cực. Cụ thể, tính đến thời điểm hiện tại, trong 432 DN thuộc diện cổ phần hóa 2 năm tới, đã có 360 DN thành lập ban chỉ đạo cổ phần hóa, khoảng 253 DN đang tiến hành xác định giá trị DN và 100 DN đã công bố giá trị DN.
Bà Trần Anh Đào, Phó tổng giám đốc Sở GDCK TP. HCM kỳ vọng, quyết tâm cổ phần hóa DNNN của Chính phủ và sự sôi động của TTCK sẽ có tác động cộng hưởng lên hoạt động IPO DNNN từ nay đến cuối năm.
{fcomment}
-
Êm dịu và quyến rũ bất tận của mùa Thu Nhật Bản
-
Xiaomi ra mắt bộ đôi smartphone cấu hình khủng, sạc nhanh chóng mặt
-
Thủ tục quản lý chuyên ngành hải quan vẫn hành doanh nghiệp
-
Bãi bỏ, đơn giản hóa hàng chục thủ tục hành chính thuế
-
Ý tưởng thiết kế công trình vừa cổ điển vừa hiện đại
-
Phạt nặng ngân hàng để ATM hết tiền
-
CPI thấp chỉ là điều kiện cần để giảm lãi suất
-
TVC sắp chào sàn Hà Nội
-
81 năm tù dành cho nhóm tội phạm mua bán trẻ em ra nước ngoài
-
Collagen sâm Ngọc Linh cho làn da tươi trẻ đầy sức sống