Sửa luật dân sự: Kỳ vọng giải tỏa điểm “nghẽn” thực thi

 Trong giai đoạn kinh tế khó khăn, tranh chấp giữa các doanh nghiệp, cá nhân có xu hướng gia tăng.

Sửa luật dân sự: Kỳ vọng giải tỏa điểm “nghẽn” thực thi

Nhiều trường hợp tranh chấp không phải là do bị đơn chây ỳ, mà do khó khăn trong hoạt động sản xuất - kinh doanh dẫn tới không có khả năng thanh toán nợ. Tuy nhiên, có không ít trường hợp, con nợ cố tình tìm các kẽ hở trong hợp đồng, trong thủ tục để thoái thác nghĩa vụ trả nợ. Việc sửa đổi Bộ luật Dân sự lần này được kỳ vọng sẽ tạo ra một luật gốc cho các giao dịch dân sự, hạn chế tranh chấp hoặc nếu có tranh chấp thì việc giải quyết sẽ dễ dàng hơn.

Qua theo dõi các tranh chấp kinh tế thời gian qua, có thể thấy, từng có những vụ việc doanh nghiệp thừa nhận nghĩa vụ trả nợ gốc và lãi, không có tranh cãi về khoản nợ. Nhưng do tình trạng quá khó khăn nên doanh nghiệp “xin” đối tác khoanh nợ lại để trả dần và miễn giảm các khoản lãi, phạt.

Tuy nhiên, không ít trường hợp bị đơn có tài sản mà không chịu trả nợ. Thậm chí, có trường hợp một doanh nghiệp kiện ngân hàng, qua hai cấp xét xử, Tòa án tuyên buộc ngân hàng có nghĩa vụ thanh toán cho doanh nghiệp, thế nhưng ngân hàng cứ chây ỳ, không chịu trả tiền.

Phải đến khi cơ quan chức năng tổ chức cưỡng chế thi hành án, phong tỏa tài khoản của ngân hàng mở tại chi nhánh Ngân hàng Nhà nước địa phương, lúc đó, ngân hàng mới chịu thanh toán. Với khoảng thời gian kéo dài vài năm để đến được khâu cưỡng chế thi hành án, khoản tiền lên tới vài chục tỷ đồng của chủ nợ bị “chôn” một chỗ, không đưa được vào sản xuất - kinh doanh.

Chưa kể nhiều trường hợp, con nợ cố tình tìm tòi các kẽ hở trong hợp đồng, trong thủ tục mà pháp luật quy định để thoái thác nghĩa vụ trả nợ. Chẳng hạn, về thủ tục, hợp đồng thế chấp tài sản phải được ký kết trước, giao dịch bảo đảm được đăng ký sau. Có vụ việc quá trình thực hiện, các bên có sơ suất, dẫn đến ngày trên giao dịch bảo đảm không khớp thứ tự với hợp đồng thế chấp. Bên có nghĩa vụ thanh toán đã đề nghị Tòa án tuyên bố giao dịch vô hiệu, trong khi việc đưa tài sản vào thế chấp là có thật, là tự nguyện, tự giao kết và đáng lẽ phải tự chịu trách nhiệm.

Với tư cách là luật gốc của hệ thống luật tư pháp, Bộ luật Dân sự được ban hành năm 2005 với nguyên tắc bình đẳng, tự nguyện, tự thỏa thuận và tự chịu trách nhiệm. Nhưng sau 9 năm thi hành, bộ luật này được đánh giá là có một số điểm bất cập. Ví dụ như quy định về chủ thể, giao dịch, đại diện, nghĩa vụ và hợp đồng, thừa kế còn bất hợp lý, thiếu tính khả thi. Bộ luật cũng thiếu các quy định về các quyền khác như quyền sử dụng (không phải quyền sở hữu) đối với tài sản.

Đồng thời, Bộ luật cũng chưa ghi nhận đầy đủ các cơ chế pháp lý bảo vệ quyền sở hữu, ví dụ như chưa ghi nhận được nguyên tắc quyền của tất cả các chủ sở hữu, không phân biệt hình thức sở hữu, thành phần kinh tế đều được pháp luật công nhận và bảo vệ như nhau.

Trước những hạn chế này, việc sửa đổi Bộ luật Dân sự đã được đưa vào chương trình xây dựng luật của Quốc hội. Tại kỳ họp 8 đang diễn ra, Chính phủ đã trình Quốc hội dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi với 710 điều, chia thành 6 phần, 29 chương. So với bộ luật hiện hành, dự thảo Bộ luật giữ nguyên 265 điều, sửa đổi 298 điều, bổ sung 174 điều, bãi bỏ 147 điều.

Việc sửa đổi bộ luật này được kỳ vọng sẽ tạo ra một luật gốc cho các giao dịch dân sự, hạn chế tranh chấp hoặc nếu có tranh chấp thì việc giải quyết sẽ dễ dàng hơn dựa trên các quy định pháp luật rõ ràng và có thể thực thi.

Đánh giá về dự thảo Bộ luật, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, còn một số điểm cần làm rõ. Chẳng hạn, với định hướng xây dựng Bộ luật Dân sự trở thành bộ luật nền, có vị trí, vai trò là luật chung của hệ thống pháp luật, cần làm rõ đâu là vấn đề nguyên tắc, cơ bản thuộc phạm vi điều chỉnh của Bộ luật Dân sự, đâu là những nội dung cụ thể có tính đặc thù thuộc phạm vi điều chỉnh của các luật chuyên ngành.

Chưa kể, cùng với việc sửa đổi Bộ luật Dân sự, có những luật nào sẽ phải sửa đổi, bổ sung? Những thay đổi của từng chế định về đăng ký tài sản, đăng ký giao dịch bảo đảm, bảo lãnh, cầm cố, thế chấp, thừa kế… sẽ có tác động ra sao cũng cần được đánh giá cẩn trọng, nhằm bảo đảm quyền tài sản, hạn chế sự can thiệp bằng thủ tục hành chính của Nhà nước.

Về quyền sở hữu, Dự thảo Bộ luật đưa ra 2 phương án quy định về hình thức sở hữu để xin ý kiến các đại biểu. Thứ nhất là quy định có 3 loại hình sở hữu gồm sở hữu toàn dân, sở hữu chung, sở hữu riêng. Thứ hai là xác định 2 loại hình sở hữu gồm sở hữu riêng và sở hữu chung.

Dự thảo Bộ luật đã đưa vào sử dụng thuật ngữ “hành vi pháp lý dân sự”, thay cho thuật ngữ “giao dịch dân sự” của luật hiện hành. Đây cũng là vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau, khi đưa ra thảo luận tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Ngày 13/11 tới đây, các đại biểu Quốc hội sẽ có phiên thảo luận tại tổ về dự thảo bộ luật này.

Bùi Trang

Theo Tin nhanh chứng khoán

{fcomment}