Chồng Thảo là “con một”, mẹ chồng yêu cầu sau cưới, vợ chồng Thảo phải sống chung với bà, chớ không được ra riêng. Bà nói, nhà rộng cớ gì phải ra riêng cho phí tiền mua đất làm nhà, mà các con ở chung còn để mắt tới mẹ, vì mẹ lớn tuổi rồi. Thảo bảo, mẹ chồng nói nghe có vẻ có lý, chớ bà khá khó tính.
Nhớ những lần tới nhà thăm, Thảo đã nghe bà bóng gió đủ điều, nên không biết sau này Thảo sống với bà có được dài lâu không. Thôi thì tới đâu hay tới đó, nhưng chắc chắn một điều, nếu mẹ chồng quá đáng, Thảo sẵn sàng… nghênh chiến, chớ không dễ phục tùng, quỵ lụy.
Cái tâm lý sẵn sàng nghênh chiến của Thảo khiến tôi thấy cô khá chua ngoa, dù những lời cô nói không phải là không có lý. Đúng là phụ nữ thời nay tự chủ về kinh tế, có kiến thức, có chính kiến, nên không dễ bị bắt nạt.
Quan điểm của Thảo là, mẹ có hiền thì dâu mới thảo, mẹ có tốt thì dâu mới tốt, mẹ xấu tính thì con dâu khó mà cố gắng để sống chan hòa. Có lần Thảo chiên cá mà quên bật máy hút mùi, mẹ chồng phát hiện, bảo cô nấu ăn mà đầu óc để đâu đâu, bây giờ nhà đầy mùi, bà không chịu nổi, rồi giận không ăn trưa.
Đúng là Thảo hơi đoảng, nhưng đây là lần đầu tiên, mẹ chồng có cần thiết phải làm quá như vậy không? Những lúc như thế, Thảo luôn trong tâm thế sẵn sàng ra riêng, rằng không cần thiết phải mua nhà ngay, mà là ở nhà thuê, rồi tích cóp dần.
Thảo nghĩ, Thảo có đôi tay và khối óc, việc có nhà chỉ là vấn đề thời gian. Thảo luôn có suy nghĩ bất cần như thế, nên những lúc giận mẹ chồng, Thảo không bao giờ chủ động xuống nước làm hòa, nhất định không chịu… hạ mình, bởi “bà ấy là mẹ chồng chớ có phải mẹ ruột mình đâu”.
Còn mẹ chồng Thảo, đôi lúc bà quá đáng, cũng không đời nào chịu mình sai. Những lúc đó bà rất ghét Thảo, bởi “nó đâu phải đứa con do mình đẻ ra”. Thành thử, cuối cùng người làm hòa bao giờ cũng là con trai bà, là chồng của Thảo. Mẹ chồng ráng hàn gắn vì con trai. Vợ ráng hàn gắn vì chồng. Chỉ có anh chồng là người… đau đầu kinh niên mà thôi.
Có lần tôi bảo với Thảo: “Những lúc mẹ chồng nàng dâu có vấn đề, thử một lần coi mẹ chồng là mẹ ruột của mình, Thảo sẽ thấy lòng nhẹ nhàng hơn”. Thảo… đợi dịp mâu thuẫn. Lần đó, mẹ chồng đi tảo mộ thanh minh, bà về nhà trễ, mà nhà đóng cửa, con trai đi công tác xa, con dâu thì gọi điện thoại không nhấc máy. Bà lót dép ngồi đợi 40 phút trước cổng, con dâu mới về. Hóa ra cô ấy sang hàng xóm, điện thoại thì để ở nhà.
Bà giận quá, cho rằng Thảo ngồi lê đôi mách, chắc nhà có bao nhiêu chuyện, đều mang kể hàng xóm nghe hết. Thảo dằn gan nghĩ, dù sao cũng là lỗi của Thảo, đã vô ý không mang theo điện thoại, để mẹ chồng đợi lâu, nên bà nói gì Thảo cũng không giải thích, mà lặng lẽ chịu tội.
Lần đầu tiên, con dâu cứng đầu xin lỗi mẹ chồng. Mẹ chồng tỏ ra hài lòng bằng cách ngồi vào mâm cơm hồ hởi kể chuyện một ngày về quê tảo mộ thanh minh. Thảo bảo, đúng là chỉ cần thay đổi nhận thức, cảm thấy biết lỗi, thì sẽ điều chỉnh được hành vi của mình. Thay vì nghĩ “mẹ có hiền thì dâu mới thảo”, thì nay lại nghĩ “dâu có tốt thì mẹ chồng mới tốt”, vậy thì mọi chuyện sẽ trở nên tốt đẹp hơn nhiều.
Thảo đang sống chung với mẹ chồng. Nếu không cố gắng tìm tiếng nói chung thì ngột ngạt không thở nổi, nên bằng mọi giá phải cải tiến mối quan hệ này. Trước hết Thảo là dâu thì phải nhún nhường mẹ chồng, thật ra cũng chẳng mất mát gì, mà còn để chồng vui vẻ, sống hạnh phúc bên hai… quả lựu đạn chực nổ bất cứ lúc nào.
Lần này, Thảo chủ động tự… hủy ngòi nổ để tận hưởng hạnh phúc.