5 ngày đêm nỗ lực cứu nạn bé 10 tuổi lọt ống cọc bê tông

Biết hai vợ chồng anh Tài đều khó tránh khỏi việc kích động tâm lý mạnh trong thời gian cứu nạn, lực lượng chức năng tỉnh Đồng Tháp thường xuyên có mặt ở nhà nạn nhân để động viên.

"Lúc vừa đến hiện trường, tôi nghe có tiếng kêu cứu của con trai. Một lúc sau đó thì không nghe thấy gì nữa. Rất có thể con đã ngất xỉu từ trưa 31/12", anh Thái Văn Tấn Tài (cha bé Nam) nhớ lại khoảnh khắc phát hiện con trai bị rơi xuống ống cọc bê tông.

Suốt năm ngày qua, không đêm nào người cha có thể chợp mắt. Trong cuộc nói chuyện với phóng viên, ánh mắt anh Tài thẫn thờ, liên tục hướng về phía công trường nơi con trai anh đang gặp nạn.

Bình tĩnh hơn vợ, song người chồng cũng rơi nước mắt mỗi khi ai đó nhắc về bé Nam.

"Con vẫn còn dưới kia"

Gia đình anh Tài thuộc diện khó khăn khi cả hai vợ chồng đều không có thu nhập ổn định, hai con còn nhỏ, trong đó bé Nam là con trai lớn đang học lớp 5. Căn nhà của anh Tài nằm lọt thỏm trong con xóm nhỏ với diện tích khoảng 50 m2, mái lợp tôn cũ kỹ, sàn nhà được làm bằng cây gỗ địa phương đã xuống cấp nặng.

Căn nhà càng trở nên trống vắng hơn sau khi bé Nam gặp nạn. Vừa ru bé thứ hai ngủ, chị Nguyễn Thị Mỹ Linh (mẹ của nạn nhân) lòng như lửa đốt khi nghĩ về con trai. Gia đình không cho chị đi ra hiện trường, vì cứ nhìn cảnh tượng trước mắt là người mẹ không thể nào cầm lòng.

"Địa phương tạo điều kiện tốt nhất cho gia đình về mặt tâm lý, vật chất và sức khỏe. Nhưng con vẫn còn dưới kia, tôi không thể ra vì cứ đến lại đau lòng, ngất xỉu liền", chị Mỹ Linh nói.

Chị Mỹ Linh (mẹ của nạn nhân) thất thần khi nhắc về con trai. Ảnh: Hoàng Giám.

Chỉ có anh Tài là thường xuyên đi theo lực lượng chức năng vào xem tiến độ công tác cứu nạn bé Nam. Cả hai vợ chồng đều khó tránh khỏi việc kích động tâm lý mạnh khi ai đó nhắc đến con. Lo lắng cho sức khỏe cha mẹ bé Nam, lực lượng chức năng tỉnh Đồng Tháp thường xuyên có mặt ở nhà nạn nhân để hạn chế người lạ gây ảnh hưởng đến tinh thần của hai phụ huynh.

"Cháu học lớp 5. Bình thường nó ít đi chơi ở công trình vì cha mẹ hay la. Lâu lâu lũ nhỏ mới trốn đi một lần", ông Tùng (cậu ruột của bé Nam) bùi ngùi khi nghĩ lại ngày nhận được tin xấu của cháu trai.

Người đàn ông này chỉ còn biết thầm cầu nguyện phép màu sẽ đến với cháu trai, để bé Nam được bình an trở về.

Liên tục thay đổi phương án cứu nạn

"Xin cầu nguyện cho bé được bình an. Anh và gia đình không ngủ để dõi theo em. Cố lên nhé, chỉ một chút nữa thôi là được về nhà rồi", những dòng tin nhắn được chia sẻ trên trang, mong cầu sự bình an đến với bé Hạo Nam.

Ở hiện trường, lực lượng cứu nạn cứu hộ tỉnh Đồng Tháp cũng túc trực từ ngày 31/12/2022 đến 4/1/2023, sử dụng nhiều phương án khác nhau để cứu bé trai 10 tuổi.

Ban đầu, ngành chức năng đưa ra phương án cứu cháu bé bằng dây chuyên dụng. Tuy vậy cách làm này không khả thi vì miệng ống bê tông quá nhỏ, bé Nam không thể xoay xở để luồn dây vào cho phía trên kéo lên.

Phương án thứ hai được đề xuất là khoan làm mềm đất, sau đó dùng cần cẩu kéo cọc lên. Tuy nhiên, lúc này không có máy khoan chuyên dụng. Đến chiều 1/1, máy khoan cọc nhồi công suất lớn cách đó gần 60 km được đưa đến hiện trường.

Tuy nhiên, ông Lê Hoàng Bảo, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Đồng Tháp, cho biết mọi việc không như dự kiến do máy khoan cọc nhồi làm trụ bê tông bị trượt, nguy cơ gãy hoặc đứt mối nối.

Đến sáng 3/1, hơn 90 nhân sự công binh đến từ Quân khu 9 tới hiện trường hỗ trợ địa phương, có lúc công trường ghi nhận hơn 300 người tham gia cứu hộ. Lúc này phương án giải cứu một lần nữa được điều chỉnh. Thay vì khoan nhồi đóng cọc, làm mềm đất để kéo bê tông, đội cứu hộ đề xuất giải pháp đóng ống vách quanh cọc bê tông.

Với phương án mới, lồng thép rộng 1,5 m, dài 19 m, được đóng từ trên xuống, bao bọc phía ngoài cọc bê tông. Sau đó, nhân viên cứu hộ cùng máy móc sẽ bơm nước, xử lý hết bùn đất phía trong. Khi giải quyết thấp nhất lực ma sát, cẩu và thiết bị chuyên dụng sẽ nhấc cọc bê tông ra khỏi vị trí bị nạn, tìm kiếm cháu bé.

Trả lời về việc ban đầu lúng túng trong giải cứu cháu bé, ông Đoàn Tấn Bửu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, nhận định đây là tình huống tai nạn hy hữu. Đơn vị đã cố gắng thực hiện nhiều biện pháp, tuy nhiên cũng gặp phải những yếu tố như hạn chế máy móc và nhân lực, điều kiện địa chất và địa tầng trong khu vực...

Lực lượng cứu nạn cứu hộ tỉnh Đồng Tháp trắng đêm năm ngày liền cứu nạn bé Hạo Nam. Ảnh: Hoàng Giám, Sở TT&TT Đồng Tháp.

Đến 3h ngày 3/1, đội cứu nạn tiến hành đóng ống vách thép có đường kính 1,5 m xuống sâu lòng đất. Ống lớn này sẽ bao quanh ống cọc bê tông có em Hạo Nam bên trong.

Quá trình thi công gặp khó do kết cấu đất phần bên dưới chặt. Sau 21h ngày 3/1, đội cứu hộ chuyển sang áp dụng phương pháp khoan xoáy nước áp lực lớn tạo độ tơi đất, kết hợp khoan guồng xoắn đến khi cách đáy trụ bê tông khoảng 3-4 m, các lực lượng sẽ phối hợp với nhau để kéo ống cọc bê tông lên.

Trong cuộc giải cứu bé Nam, lực lượng cứu hộ cứu nạn của tỉnh Đồng Tháp, lực lượng công an kết hợp với các chiến sĩ Lữ đoàn công binh 25, Quân khu 9 đã liên tục chia ca, gấp rút làm việc ngày đêm. Ghi nhận của phóng viên, bên trong công trường nơi đang cứu nạn bé Nam, đội ngũ công binh cũng trắng đèn bất kể ngày đêm nỗ lực cứu cháu bé.

"Sinh mạng con người là trên hết, bằng mọi giá đơn vị cũng phải đưa được cháu bé lên mặt đất. Đây là trách nhiệm của cả chính quyền địa phương, bao giờ công cuộc cứu nạn bé Hạo Nam thành công thì mới thôi", lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Tháp nói.

Dự kiến đưa bé trai 10 tuổi rơi ống cọc bê tông lên trong sáng nay Sau khi ống cọc được cẩu lên, lực lượng cứu hộ sẽ dùng thiết bị dò tìm chuyên dụng xác định vị trí bé Hạo Nam đang mắc kẹt, sau đó cắt ống trụ đưa nạn nhân ra ngoài.

Phương án giải cứu bé Nam là làm loãng địa chất xung quanh để tiến hành nhổ ống cọc bê tông. Đồ họa: Duy Anh.

Nguồn: zingnews.vn