Do say xe, Thơ Thơ hạn chế ăn món nước và thường ăn bánh mì trước khi đi xa. Trong khi đó, Trúc Phương lại không ăn các món có dừa và món chứa nhiều dầu mỡ.
Say xe khiến nhiều người cảm thấy chóng mặt, buồn nôn và nôn, xay xẩm và mệt mỏi. Ảnh: Shutterstock.
"Mỗi lần đi xe khách, tôi bắt đầu choáng váng. Khi ngửi mùi xe quá nhiều, tôi thấy khó chịu và buồn nôn", Trúc Phương (22 tuổi, trợ giảng tiếng Anh tại TP.HCM) chia sẻ.
Cũng như Phương, Thơ Thơ (21 tuổi, sống tại TP.HCM) bị say xe từ nhỏ. Cô không dám ăn uống và phải bịt khẩu trang thật kín để không ngửi thấy mùi xe.
"Trên xe rất rung lắc, hành khách đông và ồn ào, tôi không thể ngủ yên giấc. Sáng sớm khi đến nhà, tôi cảm thấy mệt mỏi, xây xẩm và thường đánh một giấc đến chiều", Thơ Thơ cho hay.
Nhịn ăn vì say xe
Hàng năm, chưa kịp vui mừng vì mua được vé về quê ăn Tết, Thơ Thơ bắt đầu lo lắng khi ngồi xe hơn 8 giờ đồng hồ. Thơ cho biết đối với người bình thường, ngồi xe suốt 7-8 giờ đã rất mệt, còn với người say xe, nó không khác gì "cực hình".
"Quê tôi ở TP Nha Trang. Ngày thường, tôi chỉ cần đặt vé trước 3-5 ngày. Nhưng hầu như tôi rất ít khi về vì phải vừa học vừa làm. Dịp cuối năm, muốn nằm được giường ở phía trước hoặc giữa, tôi phải đặt sớm ít nhất một tháng. Giá vé khoảng 270.000-350.000 đồng", Thơ Thơ chia sẻ.
Khi lên xe, Thơ sẽ không ăn uống gì cho đến khi về nhà. Ảnh: NVCC.
Biết bản thân bị say xe, trước khi đi, Thơ sẽ hạn chế ăn những món có nhiều nước và gây nặng bụng. Thay vào đó, cô chọn ăn món khô, thanh đạm như bánh mì.
"Khi lên xe, tôi chỉ nằm im, vì vận động nhẹ như xoay người hay ngồi dậy cũng khiến tôi bị choáng. Ngoài ra, tôi luôn ngậm kẹo và đeo khẩu trang. Mỗi lần ngửi mùi trong xe, tôi đều cảm thấy buồn nôn", Thơ cho biết.
Thơ thường đặt vé vào chiều tối để khi lên xe chỉ việc ngủ và không cần ăn uống. Có nhiều lần, Thơ đói bụng giữa khuya nhưng cô chỉ đành nhịn vì sợ ăn xong sẽ nôn ra.
Trước đây, cô từng mua thuốc và miếng dán chống say xe nhưng phải ăn no mới được uống. Do đó, mấy năm nay, cô rất ít khi uống thuốc này.
Tương tự Thơ Thơ, Trúc Phương cũng bị say xe và hạn chế ăn quá nhiều trước khi ngồi xe.
"Hàng năm, trường cho nghỉ Tết rất sớm. Nhưng bận lịch dạy ở trung tâm, tôi thường về quê trễ hơn, khoảng sau 25 Tết. Quê tôi ở tỉnh An Giang, nếu đặt vé sớm 2-3 tuần, giá sẽ rẻ hơn chỉ 180.000-200.000 đồng", Phương nói.
Cô cho hay dịp cuối năm phải tranh thủ về sớm nhất có thể vì đi những ngày cận Tết rất dễ kẹt xe. Ngày thường, Phương chỉ mất khoảng 6 giờ để về đến nhà, nhưng dịp Tết cô phải ngồi xe gần 8 giờ.
Ngồi lâu trên xe Phương cảm thấy chóng mặt, đau đầu, buồn nôn và cơ thể rất khó chịu. Ảnh: NVCC.
"Trước khi lên xe, tôi sẽ ăn vừa đủ no, không ăn thực phẩm nhiều dầu mỡ và chứa dừa. Có lần lỡ uống nước dừa trước khi lên xe, tôi đều nôn ra. Suốt quãng đường, tôi chỉ nghỉ ngơi và không dám ăn bất kỳ thứ gì", Phương chia sẻ.
Ngoài ra, cô luôn đeo khẩu trang và tắt máy lạnh. Phương cho biết cũng có rất nhiều người bị say xe như cô. Mỗi lần nghe tiếng họ nôn, cô phải kìm chế bản thân và cố gắng nghĩ đến chuyện khác để không bị ảnh hưởng.
"Khi lên xe tôi chỉ biết ngủ. Nếu không chợp mắt, tôi sẽ bị say xe nặng hơn. Tôi cũng không thích nói chuyện hay dùng điện thoại. Ngồi lâu trên xe tôi cảm thấy chóng mặt, đau đầu, buồn nôn và cơ thể rất khó chịu", Phương chia sẻ.
Cố gắng ngủ đủ giấc khi đi xe
Theo bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Oxy cao áp Việt - Nga (Bộ Quốc phòng), hiện tượng say tàu xe khá phổ biến.
Nguyên nhân của tình trạng này được lý giải là do sự mâu thuẫn giữa các luồng tín hiệu gửi tới não, hoặc do tiền đình bị kích thích quá mức. Bình thường, khi cơ thể chuyển động, 3 luồng thông tin được gửi tới não bộ:
- Thị giác: thông tin về các vật thể, khoảng cách xa - gần được mắt gửi đến não.
- Tiền đình: ở tai trong có hệ thống 3 ống bán khuyên theo 3 chiều không gian. Khi cơ thể chuyển động, chất lỏng trong các ống này dịch chuyển, làm tác động đến lớp lông nhỏ lót trong lòng ống. Điều này tạo nên các tín hiệu về sự chuyển động và gửi đến não bộ.
- Cảm giác cơ thể: sự tiếp xúc của chân với mặt đất và cảm giác không khí dịch chuyển khi cơ thể chuyển động.
Theo bác sĩ Hoàng, khi chúng ta ngồi trên tàu, xe đang di chuyển, 3 luồng tín hiệu này có thể mâu thuẫn với nhau.
- Mắt nhìn các đồ vật trong tàu, xe cảm thấy như cơ thể đang đứng yên
- Cơ thể cảm giác như không chuyển động khi chân vẫn tiếp xúc với sàn tàu, xe và tiền đình lại nhận thấy cơ thể đang di chuyển.
Khi xảy ra những mâu thuẫn trên, não bộ cảm thấy bối rối. Nó cho rằng cơ thể đang rơi vào tình huống nguy hiểm. Vì thế, cơ thể phản ứng lại bằng các biểu hiện như bồn chồn, lo lắng, tăng tiết mồ hôi, da nhợt nhạt, thở nhanh nông, buồn nôn và nôn, co thắt đường tiêu hóa, chóng mặt, nhức đầu…
Ăn cam, quýt, các loại trái cây khô hay ngửi tinh dầu cam, quýt cũng cải thiện tình trạng say xe. Ảnh: Shutterstock.
Một số yếu tố làm tăng nguy cơ bị say tàu, xe bao gồm:
- Không gian kín, mùi khói thuốc, mùi xăng dầu xe.
- Người bị bệnh đau nửa đầu, bị hội chứng tiền đình.
- Phụ nữ có thai hoặc đang dùng thuốc tránh thai.
- Cảm giác căng thẳng, lo lắng, sợ hãi.
- Trẻ em 5-12 tuổi và phụ nữ có nguy cơ cao bị say xe.
Các yếu tố trên có thể gây kích thích tiền đình quá mức, khiến cơ thể dễ rơi vào tình trạng say tàu, xe. Tình trạng này hiếm gặp ở những người trên 50 tuổi.
Khi chạy bộ, đi xe đạp, thậm chí xe máy, 3 luồng tín hiệu này cơ bản đồng nhất nên chúng ta không bị say.
Người lái tàu, xe cũng hiếm khi bị say do mắt của họ phải quan sát liên tục, tay và chân của họ phải thao tác phục vụ cho việc lái nên 3 luồng tín hiệu gửi đến não là tương đối đồng nhất. Thực tế, có nhiều người khi lái xe thì không sao, nhưng ngồi trên xe do người khác lái vẫn bị say.
Để phòng chống say tàu xe, bác sĩ Hoàng đề xuất một số biện pháp như:
- Không ăn quá no cũng như không để cơ thể đói quá.
- Ngủ đủ giấc, giữ tinh thần thoải mái. Ngủ trên tàu, xe cũng giúp đỡ bị say.
- Nên ăn nhẹ và ăn nhạt, uống một chút nước, tránh dùng đồ uống có cồn.
- Ăn cam, quýt, bánh quy, bánh mì, trái cây khô hoặc các loại hạt có thể làm giảm tình trạng say tàu, xe.
- Ngửi tinh dầu cam, quýt, sử dụng gừng tươi và trà gừng cũng có tác dụng tốt.
- Ngồi ở ghế trên, hoặc gần cửa sổ, nhìn xa về phía đường chân trời để giúp tín hiệu từ mắt đồng nhất với tín hiệu từ tiền đình.
- Không đọc sách báo hoặc nhìn vào điện thoại, máy tính.
- Có thể mở cửa sổ cho thoáng khí, hạn chế mùi thuốc lá, mùi xăng dầu…
Việc đi tàu, xe nhiều có thể giúp giảm cảm giác khó chịu khi say tàu, xe nhưng không phải lúc nào cũng hiệu quả.
Bác sĩ Hoàng đề xuất một số loại thuốc giúp phòng chống tình trạng này như:
- Nhóm kháng histamin: Là các thuốc thế hệ cũ, gây buồn ngủ nhưng có tác dụng chống say xe tốt như diphenhydramine, promethazine, meclizine...có thể kết hợp thêm cafein.
- Các thuốc nhóm kháng cholin: Thường dùng scopolamin, có cả dạng viên lẫn dạng miếng dán sau tai, tác dụng lâu dài.
- Các thuốc chống nôn: Khi bạn đã buồn nôn hoặc nôn, các nhóm thuốc trên ít tác dụng. Vì thế, bạn cần dùng các thuốc chống nôn nhóm đối kháng serotonin như ondansetron.
Nguồn: zingnews.vn
-
Vụ 3 con gái đốt nhà mẹ đẻ: 'Người Việt không có sự tha thứ cho hành vi bất hiếu'
-
Doanh nghiệp nợ hàng ngàn tỷ đồng tiền sử dụng đất: Lỗi tại ai?
-
Vàng trong nước liên tục giảm
-
HOSE thúc DN công bố thông tin đúng hạn
-
USC ký hợp đồng xây dựng ụ nổi để sửa chữa tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov
-
Bộ trưởng GD-ĐT: Đổi mới nhưng không gây “sốc”
-
Táo tợn chặn taxi để cướp gần sân bay Cam Ranh
-
Nhà giàu Trung Quốc chuộng xe Mercedes
-
Kinh doanh giảm sút, PPC vẫn hào phóng chia cổ tức khủng gần 60%
-
Giá USD hôm nay 15/7