“Bầu” Kiên vẫn kêu oan, 4 bị cáo khác nhận tội

Ngày xét xử thứ 5, các bị cáo gồm Lê Vũ Kỳ, Phạm Trung Cang, Huỳnh Quang Tuấn, Trịnh Kim Quang đã thừa nhận có sai phạm dẫn đến bị truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng xin Hội đồng xét xử cứu xét, miễn giảm mức án. Hôm nay, đại diện Ngân hàng Nhà nước và Ủy ban Chứng khoán tham gia trả lời.

“Bầu” Kiên vẫn kêu oan, 4 bị cáo khác nhận tội

Bị cáo Lê Vũ Kỳ, bị cấp sơ thẩm tuyên phạt 5 năm tù giam, người ngay từ đầu không kháng cáo, mong muốn Hội đồng xem xét bởi bị cáo chỉ tham gia thụ động vào các Nghị quyết của Hội đồng quản trị. Bị cáo thừa nhận trách nhiệm trong sai phạm của ACB nói chung và mong Hội đồng xét xử và đại diện Viện Kiểm sát xem xét một số điểm để giảm án cho bị cáo.

“Các thành viên khác trong Hội đồng quản trị không ai phản đối, lúc đó tôi cũng chủ quan, không nhận thức được vấn đề” – bị cáo Kỳ nói.

Bị cáo Lê Vũ Kỳ trình bày tình tiết để được xem xét giảm nhẹ hình phạt là bị cáo tham gia quân ngũ từ năm 1973 – 1987, có thành tích cao được cử đi học tiến sỹ. Bố bị cáo tham gia kháng chiến, gia đình tham gia cách mạng.

Bị cáo Phạm Trung Cang, bị cấp sơ thẩm tuyên phạt 3 năm tù giam trình bày có tham dự cuộc họp quyết định chủ trương ủy thác cho nhân viên đi gửi tiền ở các ngân hàng khác nhưng từ tháng 4/2010 có đơn từ nhiệm để sang làm việc tại Ngân hàng Eximbank.

Thực tế, khi ACB ủy thác cho nhân viên gửi tiền từ tháng 6 – 9/2011 thì bị cáo không còn làm việc ở ACB. Bị cáo có bằng chứng ngoại phạm, không ở Việt Nam, đi Mỹ từ ngày 9/5/2011 đến ngày 20/9/2011.

“Về nhận thức, tôi thấy có một phần trách nhiệm khi ký vào các Nghị quyết thông qua 2 chủ trương đang bị khởi tố” – bị cáo nói.

Bị cáo Cang khai khi bị cáo Lý Xuân Hải đề xuất việc gửi tiền, bị cáo rất băn khoăn nhưng Ban pháp chế khẳng định chủ trương không có gì sai so với pháp luật nên khi các thành viên khác thống nhất thì bị cáo cũng đồng tình.

“Giờ nghĩ lại đây là nhận thức không đúng lúc đó” – bị cáo Cang nói

Giống như khi bắt đầu phiên tòa, bị cáo Trịnh Kim Quang, đã bị cấp sơ thẩm tuyên phạt xử phạt 4 năm tù giam, còn lấp lửng giữa việc kêu oan hay nhận tội xin giảm án. Bị cáo trình bày trong ý thức không có cố ý làm trái các quy định pháp luật nhưng “nếu Hội đồng xét xử nhận thấy tôi có tội chỗ nào xin giảm nhẹ hình phạt”.

Hội đồng xét xử đã giải thích cho bị cáo, nếu bị cáo thấy bị oan thì kêu oan, Hội đồng xét xử sẽ xem xét bị cáo có oan hay không, nếu oan thì trả tự do ngay tại tòa nhưng nếu không oan thì không xem xét hình phạt, y án sơ thẩm.

Ngược lại nếu bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội và xin giảm án thì hội đồng sẽ xem xét.

Cuối cùng, bị cáo Quang xin giảm nhẹ hình phạt, thừa nhận trong sai phạm chung của ACB thì bị cáo với tư cách là thành viên Hội đồng quản trị cũng có trách nhiệm.

Bị cáo trình bày bản thân là giảng viên trong 11 năm tham gia đào tạo nhiều lớp sinh viên. Bố đẻ bị cáo tham gia kháng chiến chống Pháp, bố vợ là liệt sỹ kháng chiến chống Mỹ, có bằng tổ quốc ghi công.

Bị cáo Huỳnh Quang Tuấn, người đã bị tuyên phạt 2 năm tù giam, trình bày quá trình tố tụng ở cấp sơ thẩm, Viện Kiểm sát buộc bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự nhưng cho bị cáo hưởng án treo.

Tuy nhiên, bản án sơ thẩm tuyên phạt bị cáo 2 năm tù giam là quá nặng, bị cáo xin giảm nhẹ hình phạt, cho bị cáo hưởng án treo.

“Với tôi đây là bài học lớn, tôi thấy tôi phải cộng đồng chịu trách nhiệm vì tôi cũng là thành viên Hội đồng quản trị. Nhưng mức độ chịu trách nhiệm pháp lý đến đâu xin xem xét” – bị có nói.

Về nhân thân, bị cáo Tuấn tham gia quân đội ngũ từ năm 1980 – 1983 khi có chiến tranh biên giới, gia đình có bố là cán bộ tiền khởi nghĩa có huy hiệu 60 năm tuổi Đảng. Có huân huy chương.

Bị cáo Huỳnh Quang Tuấn trong ngày xét xử thứ 5
Hai bị cáo Nguyễn Đức Kiên và Lý Xuân Hải vẫn kêu oan, cho rằng mình không phạm tội Cố ý làm trái.

Về hành vi đề xuất chủ trương ủy thác cho các nhân viên đi gửi tiền, bị cáo Lý Xuân Hải khai bị cáo tổng hợp ý kiến từ cấp dưới và chỉ là đề xuất, không phải là ý kiến bắt buộc.

Khi có Nghị quyết rồi thì bị cáo thực hiện theo Nghị quyết và ủy quyền cho anh Nguyễn Văn Hòa là Kế toán trưởng chứ không phải chỉ đạo. Những việc này không sai pháp luật. Về hậu quả cũng chưa có hậu quả gì.

Về việc đầu tư cổ phiếu ACB, bị cáo Hải có tham gia cuộc họp của Hội đồng quản trị thông qua chủ trương đầu tư một số cổ phiếu nhưng việc mua cụ thể cổ phiếu ACB thì bị cáo không biết.

Chỉ khi Công ty kiểm toán PWC soát xét báo cáo tài chính bán niên ACBS và thông báo cho bị cáo, bị cáo mới biết. Khi biết, bị cáo Hải đã yêu cầu chấm dứt ngay lập tức.

Bị cáo Nguyễn Đức Kiên khẳng định Hội đồng quản trị ACB đã ra Nghị quyết về đầu tư cổ phiếu đúng pháp luật, nếu có sai thì sai ở triển khai và bị cáo là người triển khai thì bị cáo chịu trách nhiệm.

Nhưng bị cáo cho rằng khi triển khai bị cáo không sai và cho rằng mình là Chủ tịch Hội đồng đầu tư nên chỉ thực hiện việc đầu tư cổ phiếu theo nhiệm vụ được giao, thực hiện những gì có trong Nghị quyết.

“Khi bàn về cổ phiếu ACB, anh Chung (Quyền Tổng giám đốc ACBS – PV) có nói ACBS không được đầu tư cổ phiếu ACB. Tôi bảo ACBS không đầu tư cổ phiếu ACB, mà là Công ty ACI và Công ty ACI – HN đầu tư” – bị cáo Kiên nói.

Nguyễn Đức Kiên cho rằng bị cáo không chỉ đạo ACB chuyển tiền liên ngân hàng vì không phải là thành viên Hội đồng tín dụng ACB. Số tiền ACB cho KienLongbank và Vietbank vay không phải là để 2 ngân hàng này mua trái phiếu ACBS

Cơ quan tố tụng cho rằng Công ty ACI ký hợp đồng với ACBS để hợp tác đầu tư là trái pháp luật vì có nội dung đầu tư cổ phiếu ACB. Điều này không đúng vì trong nội dung hợp đồng không có câu chữ, điều khoản nào thể hiện cổ phiếu ACB là sở hữu của ACBS.

Đại diện Ngân hàng Nhà nước, ông Đặng Văn Thảo khẳng định việc ủy thác cho nhân viên đi gửi tiền ở ngân hàng khác là trái với Điều 106 Luật tổ chức tín dụng.

Tại công văn 350 của Ngân hàng Nhà nước do ông Đặng Văn Thảo ký có nội dung việc ủy thác này trái pháp luật và chưa có chế tài xử phạt. Ông Thảo làm rõ thêm chế tài ở đây là nói về xử phạt vi phạm hành chính, còn thì có nhiều chế tài khác để xử lý.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước: Các công ty của “bầu” Kiên phát hành trái phiếu không xin phép
Hội đồng xét xử:5 công ty vừa nêu lên gồm Công ty B&B, Công ty AFG, Công ty ACI, Công ty ACI – Hà Nội... có đăng ký phát hành trái phiếu ra công chúng theo Luật Chứng khoán ở Ủy ban Chứng khoán Nhà nước không?

Đại diện Ủy ban chứng khoán Nhà nước:Được sự ủy quyền của lãnh đạo Ủy ban chứng khoán Nhà nước, tôi xin trả lời là không.

Hội đồng xét xử:Việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp của Công ty TNHH ACI - HN được quy định, đối tượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp được quy định ở văn bản pháp luật nào?

Đại diện Ủy ban chứng khoán Nhà nước:Được quy định ở Nghị định 52/2006/NĐ-CP.

 

Theo Tin nhanh chứng khoán

{fcomment}