Cho - nhận đa cấp, mất tiền tỉ

Thời gian đầu, chủ sàn giao dịch tiền gửi đa cấp thường trả vốn và lãi đều đặn nhưng sau đó, sàn bị đánh sập, người chơi mất trắng.

“Tôi không giữ tiền của người gửi, chỉ làm trung gian chuyển cho các nhà đầu tư thông qua website của một sàn giao dịch. Nhận tiền xong, chủ sàn cao chạy xa bay khiến các nhà đầu tư mất hàng trăm ngàn USD” - bà N.T.L (ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM) kể lại cái giá mà người gửi tiền đa cấp online phải chịu.

Chủ sàn biến mất

Tháng 7-2016, ông T.V.N (ngụ tỉnh Đồng Nai) và 3 người chơi khác được bạn bè giới thiệu tham gia sàn cho - nhận bitcoin (tiền điện tử được luân chuyển qua hệ thống internet, 1 bitcoin tương đương 15 triệu đồng) thông qua trang web bitcoinplanet.org. Theo đó, nhà đầu tư gửi 0,5 bitcoin, sau 7-10 ngày nhận được 0,65 bitcoin, tính ra người gửi lãi được 0,15 bitcoin (khoảng 2,2 triệu đồng/10 ngày).

Cho - nhận đa cấp, mất tiền tỉ - 1

Nhóm người chơi tiền gửi đa cấp tổ chức họp tại tỉnh Sóc Trăng

Ông N. cho biết chủ sàn cho - nhận bitcoin hô hào hình thức đầu tư này do Việt kiều Mỹ sáng lập nhằm giúp đỡ cộng đồng người Việt và đã có sẵn quỹ từ thiện khoảng 4.800 bitcoin để bảo đảm hoạt động trong 6 tháng. Nếu trong thời gian này, sàn sập thì người chủ sẽ trích từ quỹ từ thiện để trả lại bitcoin cho người chơi.

Đến tháng 10-2016, ông N. và nhiều người đã gửi 1.000 bitcoin. Tuy nhiên, sau đó, họ phát hiện chủ sàn tạo lập hơn 100 tài khoản ảo để nhận bitcoin, đồng thời trang web bitcoinplanet.org ngưng hoạt động. Ông N. và nhiều nhà đầu tư khác tìm kiếm nhưng chủ sàn đã biến mất.

Nhiều sàn vẫn hoạt động

Cuối năm 2015, bà N.T.L được ông L.V.Th giới thiệu làm quen với ông Nam Ki Ho (Hàn Quốc), đại diện Công ty Ample Concept Limited (ACL) - chủ dự án Mango9 (www.mango9.net) và Mango10 (aclcoin.com).

Ông Nam Ki Ho quảng cáo với bà L. rằng ACL là công ty chuyên đầu tư mua bán và sáp nhập tại Hồng Kông do người Hàn Quốc thành lập, điều hành. Người này chào mời bà L. đầu tư tài chính vào dự án Mango9 và Mango10 để được sinh lời cao. Khi giới thiệu thêm một thành viên mới, người giới thiệu sẽ được hưởng hoa hồng lên tới 10%.

Nhận thấy mức sinh lời lên tới 2%/ngày, bà L. gửi vào ALC gần 10.000 USD và mời thêm nhiều người cùng gửi tiền để được hưởng hoa hồng. Từ đó, bà L. trở thành thủ lĩnh nhóm gồm 40 người, đồng thời nhận tiền của các thành viên rồi chuyển tiền cho bà T.T.H (vợ ông Th.). Bà H. trực tiếp chuyển tiền về Công ty ACL. Tiền chuyển về công ty này được quản lý trên hệ thống máy tính và mỗi nhà đầu tư có một mã số tài khoản (ID) để theo dõi dòng tiền của mình.

Cứ thế, trong khoảng một năm, ACL luôn chi trả vốn và lãi đầy đủ làm cho nhóm của bà L. thấy hiệu quả nên kêu gọi nhiều người khác gia nhập công ty, góp thêm 500.000 USD.

Đến tháng 4-2016, ALC đột ngột không trả vốn và lãi, trang web www.mango9.net và aclcoin.com bị đánh sập. Nhóm bà L. hốt hoảng sang tận Hàn Quốc để tìm hiểu thì biết ALC đã ngưng hoạt động. Với vai trò thủ lĩnh, bà L. bị nhiều nhà đầu tư trong nhóm đe dọa, kéo đến tận nhà đòi lại tiền nên buộc phải chuyển đổi nơi sinh sống.

Hiện vẫn tồn tại nhiều sàn cho - nhận tiền gửi bitcoin lẫn VNĐ. Tại những sàn này, khi bên gửi tiền sụt giảm thì thủ lĩnh của nhóm thường xuyên gửi tin nhắn hô hào, kêu gọi các thành viên tạo lập sức mạnh bằng cách cho để được nhận lại với số tiền nhiều hơn…

Lừa lẫn nhau

Theo nhiều người chơi, sàn cho - nhận tiền gửi đa cấp chỉ có thể không sập khi bên cho ít hơn bên nhận. Khi đó, người chơi lại mất tiền. Thế nhưng, do lợi nhuận quá cao, nhiều người vẫn lao vào chơi với ý định sẽ rút lui khi đã chốt lời hoặc tiếp tục chơi bằng tiền lãi. Tuy nhiên, khi có người muốn rút lui thì không có ai chuyển tiền. Thế là họ phải dùng mọi cách chiêu dụ người khác vào chuyển tiền để được nhận lại.

Nhiều chuyên gia cho rằng bản chất của sân chơi cho - nhận là người này lừa người khác vào cho đến khi sàn giao dịch bị đánh sập, chủ sàn bỏ chạy hoặc bị công an bắt giữ. Khi đó, thiệt hại nặng nhất là người chơi sau cùng.

Nguồn 24h