Chọn ngành học cũng như chọn bạn đời, không cẩn thận sẽ phải trả giá

Chia sẻ về việc chọn ngành học của các sĩ tử, TS. Vũ Thu Hương cho rằng: “Chọn ngành học cũng như chọn bạn đời, không cẩn thận sẽ phải trả giá”.

Công tác chấm điểm của kỳ thi THPT quốc gia 2016 đã hoàn thành. Với số điểm mình đạt được, nhiều thí sinh đang băn khoăn về việc chọn ngành cũng như trường mình muốn theo học. Báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Vũ Thu Hương - Giảng viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội về những vấn đề trên

Sau 25 năm sau, chất lượng tấm bằng đại học đi xuống

Thưa TS. Vũ Thu Hương, kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2016 vừa kết thúc chưa lâu, bà đánh giá thế nào về kỳ thi năm nay?

Bây giờ việc đánh giá có lẽ hơi sớm, vì các em còn một việc rất quan trọng nữa đó là xét tuyển vào các trường.

Còn về công tác thi, tôi nhận thấy một điều không thật sự thoải mái. Như năm ngoái, đối với nhiều em công tác hướng nghiệp không còn ý nghĩa, tâm lý các em chỉ cố gắng nộp hồ sơ vào một trường và đỗ đại học, chứ không còn đơn thuần là chọn trường, chọn ngành từ trước. Tôi có làm một cuộc trắc nhiệm nhỏ về việc “Các em có thực sự yêu thích ngành đang học” với các em sinh viên năm vừa rồi, kết quả chỉ có 13/53 số sinh viên trả lời là “Có”. Nếu như năm nay việc xét tuyển vẫn còn như năm ngoái thì điều này sẽ khó tránh khỏi.

Chọn ngành học cũng như chọn bạn đời, không cẩn thận sẽ phải trả giá - Ảnh 1

Tiến sĩ Vũ Thu Hương

Như tôi được biết, Tiến sĩ sinh năm 1973, nghĩa là 25 năm trước bà cũng bước vào kỳ thì đại học. Qua 25 năm, bà thấy việc thi đại học khác nhau như thế nào?

Với thế hệ chúng tôi việc thi đại học là một cuộc chiến thực sự. Thời điểm đó, sinh viên đại học là vô cùng hiếm. Danh hiệu sinh viên đại học là một thứ đặc biệt nên việc cạnh tranh để có được tấm vé vào đại học là vô cùng khốc liệt. Có những người phải thi 2,3 năm thậm chí 5,6 năm mới đỗ.

Vào đã khó, việc ra cũng rất khó, tâm lý sinh viên ngày xưa rất sợ bị đuổi học nên trong quá trình học chúng tôi đều phải cố gắng hết mình. Chính vì điều đó tạo ra một thứ rất hay, đó là giá trị của bằng đại học. Khi ra trường, chúng tôi được rất nhiều nơi chào đón.

Còn bây giờ việc các em vào đại học đã trở lên dễ ràng, việc ra trường cũng không gặp mấy khó khăn. Điều đó cũng là một phần nguyên nhân dẫn tới việc sinh viên khi ra trường bị thất nghiệp.

Theo như tôi tìm hiểu, mô hình đào tạo đại học của những nước tiên tiến đều theo hình nón cụt, mà đáy hình nón cụt tượng trưng cho đầu vào trường đại học (đỉnh hình nón cụt tượng trưng cho đầu ra trường). Còn ở Việt Nam thì sao?

Các nhà làm giáo dục Việt Nam cũng đã hướng tới mô hình của một số nước tiên tiến, tức là vào học đại học thì rất là dễ nhưng lúc ra thì lại khó. Tuy nhiên chúng ta lại làm điều đó chưa đến nơi, việc vào đại học ở Việt Nam rất là dễ đến khi ra trường thì… vẫn dễ. Nếu như các nước tiên tiến theo “Mô hình nón cụt” thì có lẽ Việt Nam theo “Mô hình hình ống”, hai đầu bằng nhau.

Ngày xưa thế hệ chúng tôi vào rất là khó, khi ra thì dễ hơn các nước khác. Nhưng bây giờ, tôi nhận thấy việc tốt nghiệp vẫn là 100%. Cửa ra và cửa vào tôi thấy dễ như nhau. Điều đó là không hợp lý. Chất lượng của bằng đại học sẽ không đảm bảo. Thà chúng ta có khâu đầu vào khó như thời chúng tôi thì chất lượng đại học sẽ tốt hơn là vào dễ mà ra cũng dễ.

Ngày trước, khi ra trường bà đã tìm việc như thế nào?

Khóa tôi ra trường là khóa đầu tiên bước vào giai đoạn mở cửa, sau những hiệp định giữa Việt Nam và Hoa Kỳ có hiệu lực. Chúng tôi đã phải cầm hồ sơ đi xin việc theo cơ chế thị trường chứ không còn chuyện học xong nhà nước phân công công việc. Khi tôi cầm hồ sơ đi tìm việc thì tất cả các nơi đều chào đón. Hầu hết thế hệ bọn tôi sau khi ra trường đều xin được việc.

Chọn nghề như chọn một người bạn đời

Theo Tiến sĩ lý do nào khiến việc ra trường sẽ dễ dàng kiếm việc như vậy?

Bây giờ vẫn có rất nhiều ngành ra trường xin việc dễ dàng. Lý do của việc ra trường dễ dàng là trong quá trình học, quá trình thi hoặc xét tuyển có chút gì đó khó khăn. Nếu như chúng ta chọn một trong hai phương hướng, khó đầu vào dễ đầu ra, hoặc dễ đầu vào khó đầu ra. Người Việt Nam vốn dễ nể tình, tâm lý giảng viên luôn là khi các cháu vào trường cũng mong sao các cháu có thể ra được trường và có được một tấm bằng đẹp. Chính vì vậy, theo quan điểm cá nhân tôi phương pháp đào tạo ngày xưa, khó đầu vào dễ đầu ra sẽ phù hợp ở Việt Nam.

Chọn ngành học cũng như chọn bạn đời, không cẩn thận sẽ phải trả giá - Ảnh 2

Việc chọn trường, chọn ngành là rất quan trọng đối với sĩ tử. Ảnh Afamily

Nếu như ta siết chặt một khâu nào đó của đầu vào hoặc đầu ra thì sẽ nâng cao được giá trị tấm bằng đại học. Tại vì, với mặt bằng của xã hội, chỉ có những con người xuất sắc vượt qua một bước thử của xã hội mới xứng đáng cầm tấm bằng đại học. Lúc đó, trách nhiệm họ cầm tấm bằng đại học sẽ cao hơn.

Quay trở lại với việc xét tuyển vào đại học năm nay, bà có lời khuyên nào đối với các sĩ tử trong việc chọn trường?

Điều quan trọng nhất các em phải biết mình muốn gì, dù là vào trường nào, ngành nào thì các em phải thực sự muốn gắn bó cuộc đời mình với ngành nghề đó. Việc này cũng giống như các em chọn bạn đời. Nếu như không cẩn thận sẽ phải trả giá cho cuộc đời mình.

Lúc mình chọn mình không yêu, không thích thì chắc chắn sẽ đến lúc chúng ta phải chia tay. Khi chia tay, trong công việc cũng như chọn bạn đời chúng ta phải làm lại từ đầu. Việc này sẽ tốn thời gian, mồ hôi và nước mắt. Điều tốt nhất các em phải xác định mình có muốn gắn bó với công việc ngành nghề sẽ chọn.

Xin chân trọng cảm ơn Tiến sĩ!

Nguồn Người đưa tin