Nằm trên khu đất rộng gần 9.200 m2, có vị trí đắc địa, góc của 2 con đường Ngụy Như Kon Tum và Lê Văn Thiêm, quận Thanh Xuân, Hà Nội, nhưng sau 6 năm triển khai và đã thu tiền của khách hàng, tương lai của Dự án chung cư Nhân Chính vẫn còn bỏ ngỏ.
Trong các số báo trước, Đầu tư Bất động sản đã phản ánh việc, ngay sau khi Tổng công ty Thành An ký hợp đồng hợp tác kinh doanh, chuyển nhượng một phần Dự án Chung cư Nhân Chính cho 4 công ty do CTCP Đầu tư và phát triển nhà Hà Nội số 41 (Handico 41) làm đại diện, mặc dù dự án vẫn còn trên giấy, 4 công ty thứ cấp này chào bán căn hộ ra thị trường với mức giá từ 25 - 26 triệu đồng/m2 và thu nhiều tỷ đồng tiền đặt cọc của khách hàng. Sau 6 năm, hiện trạng khu đất dự án này vẫn hoang hóa, cây cối mọc um tùm, xen lẫn là các mảnh bê tông vứt lổm chổm. Đây cũng là “đại bản doanh” của Handico 41.
Theo phản ánh của khách hàng N.V.Đức, khi có thông tin mở bán dự án trên, ông đã nộp hơn 1 tỷ đồng tiền đặt cọc cho CTCP Tài Nguyên (TNT) - 1 trong 4 chủ đầu tư thứ cấp và nhận được lời hứa dự án sẽ được sớm triển khai và bàn giao nhà vào cuối năm 2010. Chưa xét tới việc các chủ đầu tư chưa thi công xong móng đã mở bán và thu tiền của khách, thì điểm lạ là Đầu tư Bất động sản không thể tìm thấy “dấu vết” số tiền mà TNT cũng như của các chủ đầu tư khác đã thu của hàng trăm khách hàng.
Về nguyên tắc chung, theo Chuẩn mực kế toán 14, cũng như sự thay đổi đã được cụ thể hóa trong Thông tư 200/2014/TT-BTC, doanh thu bán hàng phải được ghi nhận sau khi doanh nghiệp đã thực hiện chuyển giao phần lớn rủi ro và lợi ích gắn liền với quyền sở hữu sản phẩm hoặc hàng hóa cho người mua.
Đối với trường hợp bất động sản, theo quy định cũ, đa phần các chủ đầu tư bất động sản hạch toán theo phương pháp “POC - phần trăm tiến độ thực hiện”. Trong quy định mới (Thông tư 200), khoản tiền khách hàng trả trước sẽ được ghi vào “tài khoản người mua trả tiền trước”, hoặc thu tiền đặt cọc hợp đồng.
Tuy nhiên, tại báo cáo tài chính của TNT, nơi đã thu số tiền hơn 1 tỷ đồng của ông Đức và một số người khác không thấy mục này được hạch toán, cả trong báo cáo tài chính soát xét giữa năm và báo cáo tài chính kiểm toán cuối năm kể từ năm 2010 trở lại đây.
Trả lời với phóng viên Đầu tư Bất động sản, ông Vũ Tuấn Hoàng, Tổng giám đốc TNT cho biết, dù là 1 trong 4 chủ đầu tư của Dự án Chung cư Nhân Chính, nhưng toàn bộ số tiền tạm thu của khách hàng đều được TNT chuyển về Handico 41, vì đây là đại diện hợp pháp cho liên minh 4 chủ đầu tư. Vì vậy, TNT không được phép hạch toán số tiền này vào báo cáo tài chính của mình.
Để tìm hiểu về số tiền của khách hàng nộp đã được sử dụng như thế nào, phóng viên đã liên hệ với ông Phạm Kim Khôi, Tổng giám đốc Handico 41. Sau nhiều lần liên lạc, ông Khôi bắt máy, nhưng cho biết không trả lời qua điện thoại, mà yêu cầu phải có giấy giới thiệu trực tiếp từ Tòa soạn. Sau khi đã có giấy giới thiệu của Tòa soạn, phóng viên đề nghị xin địa chỉ để đến làm việc trực tiếp, thì ông này cáo lỗi đi họp, không tiếp phóng viên và dập máy ngay tức khắc.
Không đồng ý với cách hành xử này, phóng viên đã trực tiếp đến trụ sở của Handico 41 và có gặp ông Khôi, nhưng vẫn đón nhận sự thiếu hợp tác của vị tổng giám đốc này trong việc phản hồi các thông tin mà độc giả Đầu tư Bất động sản đặt ra.
Theo Luật sư Trần Đức Sơn, Luật sư điều hành Văn phòng Luật Sipco, liên quan đến việc các chủ đầu tư nhận tiền của khách hàng (ở đây là chủ đầu tư cấp II), cần phải làm rõ hình thức của hợp đồng, thỏa thuận giữa chủ đầu tư với khác hàng là gì. Nếu đây là hợp đồng mua bán nhà ở hình thành trong tương lai, thì có dấu hiệu vi phạm các quy định tại Điều 39 Luật Nhà ở 2005 và điểm đ khoản 3 và điểm đ khoản 1 Điều 9 Nghị định 71/2010/NĐ-CP (chủ đầu tư chỉ được ký hợp đồng mua bán nhà ở sau khi đã có thiết kế kỹ thuật nhà ở được phê duyệt, đã xây dựng xong phần móng).
Theo luật sư Sơn, hiện có 2 phương án để giải quyết tại dự án này là tiếp tục triển khai hoặc trả lại tiền cho khách hàng. Tuy nhiên, dự án đã chậm tiến độ tới 6 năm, nên khó mong người mua tin tưởng nộp tiền tiếp, trong khi để đòi lại được tiền từ chủ đầu tư cũng là không dễ. Do đó, người mua nhà chỉ còn cách kiện ra tòa án dân sự hoặc tố cáo hành vi vi phạm pháp luật hình sự nếu có dấu hiệu chiếm đoạt từ chủ đầu tư.
Nguồn Tin nhanh chứng khoán
-
Bảo Việt lần đầu ra mắt báo cáo thường niên tích hợp
-
Nhập nhèm sổ đỏ, chiếm đoạt tiền tỷ, "ngất xỉu" chốn công đường
-
SHN dự kiến chia cổ tức tối thiểu 10% năm 2016
-
Chứng khoán Mỹ tăng điểm nhờ số liệu việc làm tốt hơn dự báo
-
11 cách phối đồ với quần jeans đen cho vẻ ngoài thanh lịch và trẻ trung
-
DHG ngưng đầu tư xây dựng nhà máy tại Myanmar
-
Căn hộ cao cấp cuối năm “có biến”?
-
IPO Đạm Cà Mau, giá khởi điểm 12.000 đồng/CP
-
ĐHCĐ HAG: Giá cao su thấp, lợi nhuận vẫn tăng trưởng nhờ bò
-
Chồng Ngô Phương Lan: Nấu cơm, rửa bát, lau nhà, mê con, yêu vợ...