Chưa thấy “con đường” cho niêm yết song song

 Sau VNM, FPT…, mới đây, CTCP Tập đoàn FLC công bố ý định niêm yết trên sàn chứng khoán Singapore. Nếu ý định này thành hiện thực, FLC có thể sẽ là DN đầu tiên thực hiện niêm yết song song trên cả hai thị trường.

Chưa thấy “con đường” cho niêm yết song song

Về pháp lý, lãnh đạo Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) cho biết, UBCK rất ủng hộ và muốn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước tìm cơ hội huy động vốn, cũng như niêm yết trên sàn chứng khoán quốc tế.

Nếu DN đạt đủ các điều kiện, tiêu chí niêm yết trên sàn ngoại thì ý tưởng lên sàn ngoại có thể thực thi được, vì về pháp lý, Nghị định 58/2012/NĐ-CP đã có quy định về đăng ký chào bán chứng khoán ở nước ngoài; có quy định về niêm yết chứng khoán của tổ chức phát hành nước ngoài trên TTCK Việt Nam và quy định về niêm yết chứng khoán của tổ chức phát hành Việt Nam tại TTCK nước ngoài.

Theo Nghị định 58, để DN Việt Nam được niêm yết tại TTCK nước ngoài, điều kiện không quá phức tạp: DN không thuộc ngành nghề mà pháp luật cấm bên nước ngoài tham gia; niêm yết nước ngoài phải gắn với chào bán chứng khoán ra nước ngoài; tuân thủ các quy định về quản lý ngoại hối; được UBCK chấp thuận hồ sơ đăng ký…

Tuy nhiên, quan trọng nhất trong các điều khoản để DN được niêm yết ở nước ngoài là phải: “Đáp ứng các điều kiện niêm yết tại Sở GDCK mà cơ quan quản lý TTCK hoặc Sở GDCK nước ngoài đã có thỏa thuận hợp tác với UBCK hoặc Sở GDCK tại Việt Nam”.

Việc DN có đáp ứng các điều kiện niêm yết ở TTCK nước ngoài hay không, DN có thể chủ động được, thông qua sự hỗ trợ của nhà tư vấn. Tuy nhiên, TTCK nước ngoài mà DN hướng đến niêm yết trên đó, có thỏa thuận hợp tác với UBCK hoặc Sở GDCK tại Việt Nam đến mức hoàn chỉnh về pháp lý để sẵn sàng cho DN niêm yết song song hay không, đó là việc DN không chủ động được.

Trao đổi với ĐTCK, đại diện Sở GDCK TP. HCM cho biết, việc DN có ý tưởng niêm yết song song trên cả hai thị trường không phải là mới, nhưng vẫn chưa DN nào thực hiện được, về chủ quan, có thể do DN chưa thật quyết tâm, nhưng về khách quan, vẫn còn những khoảng trống pháp lý phải lấp đầy mới giúp DN thực thi được kế hoạch đó.

Đơn cử, khi DN muốn niêm yết trên TTCK Singapore, DN phải thực hiện nghĩa vụ công bố thông tin theo tiêu chuẩn và yêu cầu của Singapore, mà trong đó, có thể có những thông tin nhà đầu tư Việt Nam không được biết.

Sự khác biệt về liều lượng thông tin sẽ dẫn tới sự khác biệt về giá và điều này sẽ có lợi cho nhà đầu tư nước ngoài hơn, do họ vừa có thể đầu tư tại TTCK Việt Nam, vừa có thể đầu tư tại TTCK nước ngoài, trong khi nhà đầu tư Việt Nam hầu như chỉ đầu tư trên thị trường Việt Nam.

Ngoài ra, việc xử lý về mặt kỹ thuật để đảm bảo kiểm soát tỷ lệ 49% room cho nhà đầu tư nước ngoài trên TTCK Việt Nam sau khi DN đã phát hành trên TTCK ngoại cũng là một vấn đề. Trước FLC, VNM cũng đã lên kế hoạch niêm yết tại Singapore và sau gần 6 năm vẫn chưa thành hiện thực.

Việc DN niêm yết trên sàn ngoại cũng như việc một loại “hàng hoá” được đem giao dịch tại 2 “chợ” khác nhau. Nếu chưa có sự phối hợp quản lý giữa hai “chợ” sẽ dẫn đến tình trạng chợ nào có nhiều luật lệ, nhiều yêu cầu hơn sẽ an toàn hơn và ngược lại.

Việc chưa có quy chuẩn quản lý 1 loại hàng hóa niêm yết trên 2 hoặc nhiều TTCK khác nhau sẽ tạo ra sự bất bình đẳng cho nhà đầu tư, cổ đông của DN, khi cùng sở hữu 1 loại hàng hóa, nhưng quyền lợi và nghĩa vụ phải thực thi trên 2 thị trường là khác nhau.

Nghị định đã quy định về việc DN nước ngoài niêm yết tại TTCK Việt Nam và DN Việt Nam niêm yết tại TTCK nước ngoài, nhưng bao giờ có DN Việt Nam phát hành cổ phiếu và niêm yết song song trên sàn ngoại? Đó vẫn là câu hỏi ngỏ cho đến khi UBCK và các Sở GDCK tạo lập được con đường.

Hoàng Anh

{fcomment}