'Bất kỳ khi nào có tin tốt, thị trường đều thể hiện sự bi quan, vì tin tốt về kinh tế đồng nghĩa Fed có thể sẽ phải thắt chặt hơn nữa và có thể giữ sự thắt chặt đó trong thời gian dài hơn nữa'...
Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.
Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Ba (1/11), khi nhà đầu tư nghiền ngẫm những dữ liệu kinh tế khả quan hơn dự báo và chuẩn bị cho quyết định lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào ngày thứ Tư. Giá dầu tăng khoảng 2% nhờ tin đồn “Trung Quốc sắp mở cửa trở lại”.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones giảm 79,95 điểm, tương đương giảm 0,24%, còn 32.653,2 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,41%, còn 3.856,1 điểm. Chỉ số Nasdaq trượt 0,89%, còn 10.890,85 điểm.
Cả ba chỉ số đều khởi động phiên giao dịch trong trạng thái tăng, nhưng chuyển thành giảm sau khi báo cáo về số lượng công việc cần tuyển dụng trong tháng 9 cho thấy một thị trường việc làm vẫn vững vàng. Số liệu này làm gia tăng mối lo rằng Fed có thể giữ nguyên lập trường chính sách tiền tệ cứng rắn trong cuộc chiến chống lạm phát thay vì giảm bớt sự cứng rắn này như kỳ vọng trước đó của nhà đầu tư.
“Bất kỳ khi nào có tin tốt, thị trường đều thể hiện sự bi quan, vì tin tốt về kinh tế đồng nghĩa Fed có thể sẽ phải thắt chặt hơn nữa và có thể giữ sự thắt chặt đó trong thời gian dài hơn nữa. Chúng ta vẫn đang ở trong chu kỳ mà tin xấu về kinh tế mới chính là tin tốt”, ông Randy Frederick - Giám đốc phụ trách mảng giao dịch và phái sinh của công ty nghiên cứu tài chính Schwab Center for Financial Research - nhận định với hãng tin CNBC.
Fed đã khởi động cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ vào ngày thứ Ba, với kết quả được kỳ vọng sẽ là một quyết định tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm đưa ra vào đầu giờ chiều ngày thứ Tư theo giờ Washington DC, tức rạng sáng ngày thứ Năm theo giờ Việt Nam. Nhà đầu tư chờ tuyên bố của Fed và cuộc họp báo của Chủ tịch Fed Jerome Powell để tìm kiếm những tín hiệu về sự giảm tốc của lãi suất.
Mức độ giảm của thị trường trong phiên này được hạn chế phần nào bởi mùa báo cáo kết quả kinh doanh tốt hơn nỗi sợ trước đó của thị trường. Xu hướng này được nối tiếp bằng con số doanh thu và lợi nhuận khả quan hơn dự báo của hãng dược Pfizer. Cổ phiếu Uber tăng gần 12%, cũng nhờ doanh thu tốt hơn kỳ vọng. Trong quý 3, các doanh nghiệp ở Mỹ đã chật vật vì lạm phát cao, lãi suất tăng và đồng USD mạnh lên, nhưng các báo cáo tài chính nhìn chung không xấu như dự báo.
Chứng khoán Mỹ đã tăng mạnh trong tháng 10, với Dow Jones tăng gần 14% - đánh dấu tháng tăng mạnh nhất của chỉ số này kể từ tháng 1/1976. S&P 500 và Nasdaq tăng tương ứng 8% và 3,9%. Sự vượt trội của Dow Jones được cho là kết quả của xu hướng nhà đầu tư dịch chuyển khỏi cổ phiếu công nghệ và mua mạnh các nhóm cổ phiếu truyền thống như ngân hàng và công nghiệp.
Giá dầu thô WTI giao sau tại thị trường New York tăng 1,84 USD/thùng, tương đương tăng 2,13%, chốt ở 88,37 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giao sau tại London tăng 1,84 USD/thùng, tương đương tăng 1,98%, chốt ở 94,65 USD/thùng.
Dầu thô hồi phục nhờ tia hy vọng rằng Trung Quốc, nước tiêu thụ dầu lớn thứ nhì thế giới, có thể sắp mở cửa trở lại sau những hạn chế chống Covid nghiêm ngặt.
Một thông tin chưa được kiểm chứng đã được chia sẻ với tốc độ chóng mặt trên mạng xã hội, và một dòng tweet của chuyên gia kinh tế có ảnh hưởng Hao Hong, nói rằng một “Ủy ban Mở cửa trở lại” đã được thành lập bởi ông Wang Huning - Ủy viên thường trực Bộ Chính trị Trung Quốc. Thông tin nói rằng ủy ban này đang rà soát các dữ liệu Covid trên thế giới và đánh giá các kịch bản mở cửa trở lại, nhằm tiến tới nới lỏng các quy định chống Covid vào tháng 3/2023.
Cả thị trường chứng khoán Hồng Kông và Trung Quốc đại lục cùng tăng mạnh sau khi có thông tin trên. Tuy nhiên, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói không hay biết về thông tin này.
“Thị trường đang nhận thấy có nhiều tín hiệu theo hướng Trung Quốc sắp mở cửa trở lại, và có sự phản ứng rất tích cực”, nhà phân tích Phil Flynn của Price Futures Group nhận định.
Giá dầu đã tăng hơn 8% trong tháng 10 vừa qua, lần đầu tiên kể từ tháng 5, nhờ nhóm OPEC+ cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng dầu/ngày. OPEC+ là liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số thành viên ngoài khối gồm Nga.
Trao đổi với hãng tin Reuters, nhà phân tích Tina Teng của CMC Markets nói rằng việc OPEC+ giảm sản lượng và số liệu cho thấy Mỹ xuất khẩu dầu nhiều kỷ lục đang hỗ trợ giá dầu. Chuyên gia Tamas Varga của PVM Oil cũng tin rằng nguồn cung suy giảm và nhu cầu tiêu thụ dần khởi sắc có thể đưa giá dầu trở lại ngưỡng 100 USD/thùng.
Nguồn: vneconomy.vn
-
SBT sẽ có biến động lớn về nhân sự
-
Chưa kết thúc thanh tra Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí PVC
-
Ưu đãi đặc biệt cho Dự án The Botanica
-
Giá xăng dầu hôm nay (8-7): Hạ nhiệt
-
Trực thăng quân sự chở 12 người rơi ở Philippines
-
Các đại gia bất động sản bay mất hàng trăm tỷ đồng
-
Thị trường bất động sản tháng 10, cú "rốt đa" cho mùa sôi động cuối năm
-
Thủy Tiên đi làm dâu, đối đãi với nhà chồng thế nào?
-
Ly kỳ vụ án… 2 con nhím
-
Kiếm nửa tỷ đồng nhờ luộc, sấy cau bán cho thương lái Trung Quốc