Chứng khoán Mỹ giảm tuần thứ hai liên tiếp dưới áp lực lãi suất tăng

Sự bi quan của thị trường xuất phát từ việc Fed dự báo lãi suất sẽ tiếp tục tăng cho đến cuối năm 2023 và có thể là đầu năm 2024, cao hơn so với các dự báo trước đó.

Hoạt động của giao dịch viên trên sàn chứng khoán New York (Mỹ), ngày 13/9/2022. Ảnh: THX/TTXVN

Tuần qua, thị trường chứng khoán Mỹ hầu như luôn chìm trong sắc đỏ do chịu áp lực của việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất chủ chốt thêm 0,75 điểm phần trăm trong cuộc họp ngày 20-21/9 (giờ địa phương).

Phiên đầu tuần (19/9) là phiên khởi sắc duy nhất khi nhà đầu tư đẩy mạnh mua vào cổ phiếu "giá hời" và điểm số phục hồi kỹ thuật sau đợt giảm mạnh của tuần trước đó.

Tuy nhiên, chứng khoán thoái lui ngay trong phiên 20/9 khi các nhà đầu tư chờ đợi cuộc họp của Fed và tìm kiếm manh mối về đường hướng chính sách tiền tệ sắp tới.

Mặc dù quyết định nâng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm của ngân hàng trung ương Mỹ không gây bất ngờ, song điều khiến thị trường chứng khoán Phố Wall lao dốc trong phiên 21/9 là việc Fed đánh tín hiệu chính sách tiền tệ sẽ thắt chặt hơn nữa để đối phó với lạm phát.

Thị trường chứng khoán tiếp tục giảm điểm trong phiên 22/9 trước mối lo ngại suy thoái kinh tế ngày càng tăng khi nhiều ngân hàng trung ương "nối gót" Fed tăng lãi suất. Cũng trong ngày 22/9, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đã tăng lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm từ 1,75% lên 2,25% đồng thời khẳng định sẽ tiếp tục "phản ứng mạnh mẽ, khi cần thiết" để kiềm chế lạm phát, bất chấp việc nền kinh tế đang bước vào suy thoái.

Một số ngân hàng trung ương khác cũng có bước đi tương tự như Thụy Điển, Na Uy, Thụy Sỹ, Philippines và Indonesia. Ngân hàng trung ương Na Uy thông báo tăng lãi suất từ 1,75% lên 2,25%, trong khi Ngân hàng trung ương Thụy Sỹ (SNB) thông báo điều chỉnh tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản lên mức 2,5%.

Niềm của nhà đầu tư tiếp tục suy yếu khi thị trường chứng khoán Mỹ nối dài đà giảm trong phiên cuối tuần (23/9), với giá tiêu dùng chưa có dấu hiệu giảm mạnh, các nhà hoạch định chính sách vẫn duy trì lập trường "diều hâu" (tăng lãi suất) và chấp nhận những "nỗi đau" ngắn hạn đối với nền kinh tế và ưu tiên giảm lạm phát.

Sự bi quan của thị trường xuất phát từ việc Fed dự báo lãi suất sẽ tiếp tục tăng cho đến cuối năm 2023 và có thể là đầu năm 2024, cao hơn so với các dự báo trước đó. Bên cạnh các dự báo kinh tế hàng quý của Fed cũng được công bố cùng với quyết định về lãi suất, với các quan chức Fed dự kiến tăng trưởng kinh tế của Mỹ sẽ giảm mạnh xuống mức 0,2% trong năm nay, nhưng sẽ đạt mức 1,2% trong năm tới.

Khép lại phiên này, trên thị trường Phố Wall, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 1,6% xuống 29.590,41 điểm - mức thấp nhất kể từ tháng 11/2020. Chỉ số S&P 500 giảm 1,7% xuống 3.693,23 điểm, trong khi chỉ số công nghệ Nasdaq Composite mất 1,8% và khép phiên ở mức 10.867,93 điểm.

Tính chung cả tuần, chỉ số Dow Jones mất 4%, S&P 500 giảm 4,6% và Nasdaq mất đến 5,1% so với tuần trước. Cả ba chỉ số đều đã giảm tuần thứ hai liên tiếp.

Hoạt động của giao dịch viên trên sàn chứng khoán New York (Mỹ), ngày 26/8/2022. Ảnh: THX/TTXVN

Ở bên kia bờ Đại Tây Dương, sắc đỏ cũng lan rộng trên các thị trường chứng khoán châu Âu. Theo đó, chỉ số FTSE 100 tại London (Anh) giảm 2% xuống 7.018,6 điểm. Chỉ số DAX 30 trên sàn Frankfurt (Đức) để mất 2% xuống 12.284,19 điểm. Cùng với đó, chỉ số CAC 40 tại Paris (Pháp) lùi 2,3% xuống 5.783,14 điểm. Chỉ số tổng hợp Euro Stoxx 50 khi đóng cửa cũng hạ 2,3% xuống 3.348,6 điểm.

Craig Erlam, nhà phân tích tại sàn giao dịch OANDA (Mỹ), cho biết phiên cuối tuần ảm đạm do viễn cảnh thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh mẽ hơn và suy thoái kinh tế đang đè nặng lên tâm lý nhà đầu tư.

Tại Anh, đồng bảng Anh đã giảm xuống mức thấp nhất trong 37 năm so với đồng USD, với 1 bảng đổi dưới 1.0852 USD sau khi chính phủ đưa ra kế hoạch cắt giảm thuế. Michael Hewson, nhà phân tích thị trường trưởng tại sàn giao dịch CMC Markets UK (Anh), nhận định rằng thị trường chứng khoán châu Âu lao dốc là do lo ngại rằng kế hoạch này (của Anh) có thể đẩy lạm phát lên cao hơn nữa và do đó khiến cuộc chiến giảm lạm phát trở nên khó khăn hơn.

Tại khu vực đồng tiền chung euro (Eurozone), lo ngại suy thoái càng gia tăng khi dữ liệu cho thấy hoạt động kinh tế của khu vực này một lần nữa giảm vào tháng Chín. Chỉ số nhà quản trị mua hàng PMI của Eurozone đã giảm xuống 48,2 trong tháng 9 - với số điểm dưới 50 thể hiện sự suy giảm hoạt động. Đồng euro cũng chạm mức thấp nhất trong hai thập kỷ, với 1 euro đổi 0,9751 USD.

Theo Chris Williamson, nhà kinh tế trưởng tại công ty dịch vụ thông tin tài chính S&P Global Market Intelligence (Mỹ), nguy cơ suy thoái khu vực đồng euro đang có dấu hiệu nghiêm trọng khi các công ty cho biết các điều kiện kinh doanh ngày càng tồi tệ và áp lực giá cả gia tăng liên quan đến chi phí năng lượng tăng cao. Ông nói thêm rằng hoạt động kinh doanh của Anh giảm trong tháng này cho thấy nền kinh tế Anh có khả năng đã rơi vào suy thoái./.

Nguồn: bnews.vn