Chứng khoán trong tuần 19-23/9 sẽ đổ dồn sự chú ý vào cuộc họp của FED sắp tới, nhà đầu tư vẫn được khuyến nghị ưu tiên đứng ngoài quan sát.
Thị trường chứng khoán trong nước tiếp tục đi xuống trong tuần giao dịch 12-16/9, với chỉ có 2 phiên tăng và 3 phiên giảm. Đây cũng là tuần giảm thứ 3 liên tiếp của chỉ số VN-Index trước áp lực giảm điểm của thị trường quốc tế.
Dòng tiền thận trọng sau báo cáo lạm phát tháng 8 tại Mỹ, bên cạnh đó rủi ro từ các phiên có đáo hạn phái sinh cùng các quỹ ETF cơ cấu ở phiên cuối tuần cũng khiến nhà đầu tư hạn chế giao dịch hoặc đứng ngoài quan sát.
Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index đứng ở mức 1.234,03 điểm, giảm 14,75 điểm (-1,18%) so với tuần trước. Tương tự HNX-Index giảm 11,75 điểm (-4,13%) xuống 272,88 điểm và UPCoM-Index giảm 1,18 điểm (-1,3%) xuống 89,46 điểm.
Do nhà đầu tư vẫn ngần ngại bởi nhiều yếu tố bất định đã khiến thanh khoản thị trường giảm đi trông thấy. Khối lượng khớp lệnh trên sàn HoSE giảm 19% còn 471 triệu cổ phiếu/phiên và tại HNX giảm 20% về 76 triệu cổ phiếu/phiên.
Giao dịch của khối ngoại cũng là điểm trừ của thị trường. Cụ thể, dòng vốn này mua vào 158 triệu cổ phiếu với trị giá 5.650 tỷ đồng và bán ra 200 triệu cổ phiếu có trị giá 6.606 tỷ đồng. Tổng giá trị bán ròng ở mức hơn 42,6 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị bán ròng là 956 tỷ đồng, tăng 7,7% so với tuần trước.
VN-Index tiếp tục điều chỉnh khi nhà đầu tư đứng ngoài quan sát. Đồ thị: TradingView.
Ông Đinh Quang Hinh - chuyên gia phân tích tại VNDirect cho rằng áp lực điều chỉnh có thể duy trì trong những phiên giao dịch đầu tuần này do tâm lý của nhà đầu tư vẫn thận trọng trước cuộc họp lãi suất của FED diễn ra vào ngày 20-21/9.
"VN-Index có thể tiếp tục kiểm định vùng hỗ trợ 1.220-1.240 điểm và xa hơn là vùng 1.200 điểm", ông Hinh dự báo thị trường trong tuần 19-23/9.
VNDirect kỳ vọng chỉ số tiếp tục giao dịch trên mức 1.200 điểm và có thể xuất hiện nhịp phục hồi trong nửa sau của tuần này, nhà đầu tư có thể tích lũy cổ phiếu giá rẻ trong những nhịp điều chỉnh sâu. Tỷ trọng cổ phiếu/tiền mặt có thể nâng lên mức 70/30 và lưu ý là hạn chế sử dụng đòn bẩy (margin).
Chứng khoán MBS cũng cho rằng tâm điểm trong tuần này là kỳ họp chính sách tiền tệ của FED vào ngày 20-21/9. Thị trường sẽ có phản ứng tích cực nếu mức tăng là 0,75 điểm phần trăm và ngược lại có nhiều biến động nếu FED nâng lãi suất 1 điểm phần trăm.
Theo Chứng khoán Tân Việt, thị trường trong nước vẫn chịu ảnh hưởng từ sự tiêu cực của thị trường chứng khoán toàn cầu và dòng tiền cũng như tâm lý đang yếu.
Do đó áp lực giảm điểm vẫn còn dư âm trong tuần 19-23/9 cho tới khi FED công bố xong quyết định. Chiến lược phòng thủ tiếp tục được đơn vị này khuyến nghị (tỷ trọng cổ phiếu <50%), nhưng các cơ hội mua cũng đang tới ngày một gần hơn.
Chứng khoán Đông Á nhận thấy đồ thị kỹ thuật vẫn có rủi ro tiếp tục điều chỉnh trong ngắn hạn, tuy nhiên dòng tiền bắt đáy vẫn có thể tạo ra những phiên phục hồi đan xen những phiên điều chỉnh.
Nhà đầu tư có khẩu vị rủi ro cao có thể tham gia giao dịch với tỷ trọng thấp. Đối với danh mục trung dài hạn thì mức chiết khấu mạnh đang tạo ra cơ hội mua tích lũy các nhóm cổ phiếu cơ bản trong những phiên thị trường điều chỉnh.
Chuyên gia của Yuanta Việt Nam nhận định xu hướng ngắn hạn vẫn duy trì ở mức giảm. Các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục đứng ngoài thị trường và nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức thấp 30-35% danh mục.
Tương tự Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam dự báo xu hướng giảm vẫn là chủ đạo. Theo đó, VN-Index có thể kiểm định mức hỗ trợ 1.200-1.220 điểm, nhà đầu tư nên tiếp tục thận trọng và ưu tiên đứng ngoài quan sát.
Nguồn: zingnews.vn
-
Dự án táo bạo 500 tỷ USD có thể cứu Trái đất
-
6 tháng đầu năm: Vinalines báo lỗ hơn 400 tỷ đồng
-
Khung cửa ấn tượng
-
Anh em song sinh cưới chị em sinh đôi ở Cà Mau
-
5 smartphone giá rẻ cho người thích selfie
-
Ngân hàng niêm yết: Nợ xấu tăng, lợi nhuận giảm
-
Đầu tư như thế nào là thông minh? Những điều nhà đầu tư thông minh cần ghi nhớ
-
“Cạn lời” với tên tội phạm ngủ quên khi đi ăn trộm
-
Lãi suất huy động tại tất cả các kỳ hạn đều giảm khá mạnh
-
Mùa nhập hàng Tết cuối năm: Áp lực lên tỷ giá không nhiều!